Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Trung Quốc?
Một số lãnh đạo các tập đoàn và giới phân tích thường xuyên theo dõi các chính sách thương mại cho rằng ông Trump sẽ sớm có những hành động cụ thể liên quan đến một loạt tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian qua.
Dự kiến vào tháng 1 tới, ông Trump sẽ đưa ra quyết định đầu tiên đáp lại kiến nghị của các công ty Mỹ về các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các công ty này đề xuất chính phủ áp dụng thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu đối với các loại mặt hàng pin năng lượng mặt trời và máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á.
Các quan chức thương mại Mỹ đã xác định những nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời đề nghị ông Trump áp dụng các rào cản thương mại mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Một nhà phân tích cho biết, ông Trump cũng có thể đặt ra các giới hạn cho các nhà đầu tư Trung Quốc muốn vào thị trường Mỹ hoặc đơn phương tăng rào cản thuế quan trong khi cuộc điều tra diện rộng về việc chính quyền Bắc Kinh không thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty nước ngoài đang được tạm hoãn.
Tuy nhiên biện pháp này có thể sẽ vi phạm cam kết của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhà Trắng sẽ hành động sau khi cuộc thăm dò độc lập được tiến hành do lo ngại về tác động của việc gia tăng nhập khẩu nhôm và thép từ Trung Quốc đến an ninh quốc gia.
"Họ [Mỹ] muốn làm đối phương phải sợ hãi. Họ thực sự rất nghiêm túc," ông Scott Kenedy, chuyên gia thương mại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét.
Hôm 6/12 vừa qua, ông Robert E. Lighthizer, trưởng đoàn đàm phán thương mại của tổng thống Mỹ, đã có một cuộc tranh luận gay gắt về chính sách quản lý thương mại với các thành viên hội đồng quản trị thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, bao gồm các giám đốc điều hành của các công ty lớn như Chubb Insurance và General Motors.
Ông Lighthizer cho rằng những khiếu nại của Mỹ đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc không thể được giải quyết đơn giản bằng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, đồng thời tỏ ra thờ ơ trước những lo ngại về việc hành động kiên quyết của chính phủ Mỹ có nguy cơ khiến mối quan hệ thương mại lên đến 600 tỉ USD mỗi năm của Mỹ và Trung Quốc rạn nứt.
Một nguồn tin cho biết cuộc thảo luận đã diễn ra không mấy tốt đẹp. Phát ngôn viên của ông Lighthizer và Hội đồng kinh doanh đều từ chối đưa ra bình luận vì những tuyên bố đưa ra trong cuộc tranh luận là không chính thức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Independent.
Hiện chưa rõ tầm ảnh hưởng của những động thái đưa ra bởi chính quyền ông Trump. Trong các chiến dịch vận động bầu cử, ông Trump đã hứa sẽ trả đũa Trung Quốc vì những chính sách mà theo ông là khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm.
Tuy nhiên cho đến nay, lời tuyên bố của ông Trump vẫn chưa trở thành hành động cụ thể.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng trước, ông Trump đã đổ lỗi lên những người tiền nhiệm vì những thiếu sót và ‘kẽ hở’ trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. ‘Kẽ hở’ đó ngày càng lớn kể từ sau khi ông Trump đắc cử, dù ông luôn đề cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên".
Trong vòng 10 tháng đầu năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ đã lên đến 309 tỉ USD trong các giao dịch với Trung Quốc, nhiều hơn 289 tỉ USD so với cùng kì năm ngoái.
"Hiện tại Mỹ đang hiểu sai chính sách ‘cây gậy lớn’ của cựu Tổng thống Teddy Roosevelt: ngoại giao ôn hòa với đối thủ, nhưng trong tay phải giữ cây gậy lớn làm áp lực," ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, gần đây, đã có những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy ông Trump có ý định hành động.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2018 mới được công bố đầu tháng nay, ông Trump đã nêu rõ Trung Quốc là một đối thủ chiến lược, đồng thời nhấn mạnh Mỹ "sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các hành động vi phạm, gian lận hay gây hấn kinh tế" của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.
Mỹ phản đối Trung Quốc hưởng ưu đãi kinh tế thị trường
Chiến lược An ninh Quốc gia của ông Trump được Nhà Trắng ban hành chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi Mỹ chính thức tuyên bố với WTO rằng Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn để được coi là "nền kinh tế thị trường" xét theo các quy tắc của tổ chức thương mại này.
Trong cuộc tranh luận với Liên minh Châu Âu (EU), Bắc Kinh khẳng định WTO đã chấp thuận chế độ kinh tế của quốc gia này từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.
Tuy nhiên EU và Mỹ đều cho rằng vai trò của chính quyền Trung Quốc trong nền kinh tế là quá lớn nên Trung Quốc không thể được hưởng những ưu đãi của nền kinh tế thị trường.
Do vậy, với vai trò là nền kinh tế phi thị trường, Trung Quốc phải chịu thuế chống bán phá giá cao hơn theo luật thương mại Mỹ, khiến vấn đề này không chỉ dừng lại ở quyền hưởng ưu đãi.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị APEC 2017, ông Trump tuyên bố Mỹ kỳ vọng các đối tác thương mại "sẽ nghiêm túc tuân thủ các quy tắc giống như nước Mỹ."
Tóm tắt bài phát biểu của tổng thống Donald Trump tại Việt Nam. Nguồn: Washington Post.
Các quan chức chính phủ Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã không tuân thủ những thỏa thuận khi gia nhập WTO.
Trong cuộc điều tra của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, 57% công ty của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ vẫn chưa thấy bất kì tác động nào từ gói cải cách kinh tế bao trùm mà ông Tập từng hứa hẹn cách đây 4 năm sau Đại hội 18.
Trong những tuần tới, ông Trump phải đưa ra các quyết định giải quyết hàng loạt các khiếu nại của Mỹ: Việc Trung Quốc bán phá giá nhiều sản phẩm tại thị trường Mỹ như pin năng lượng mặt trời, vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại, và thiệt hại về kinh tế do Trung Quốc sản xuất quá mức các mặt hàng thiết yếu như thép.
Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết: "Cần có sự thay đổi mang tính chất cơ sở, hệ thống và cam kết thực sự đối với việc mở cửa thị trường cho Trung Quốc".
Ảnh hưởng của các mặt hàng Trung Quốc
Chính quyền Mỹ đã trì hoãn việc điều tra ảnh hưởng của gia tăng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc đến nền an ninh quốc gia, bởi việc điều tra có ảnh hưởng tới lợi ích cạnh tranh của các công ty sản xuất và sử dụng các nguyên liệu này.
Những tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua News
Đối với các mặt hàng pin năng lượng mặt trời và máy giặt, ông Trump được yêu cầu áp đặt thuế "phòng vệ" để bảo hộ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh nước ngoài.
Mỹ có thể tiến hành điều tra hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và việc chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các công ty nước ngoài bán bí mật công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường hơn tỷ dân này.
Theo báo cáo của Rhodium Group, tổng dòng tiền từ Trung Quốc vào Mỹ năm 2016 lên đến 46 tỉ USD, cao gấp 10 lần so với 5 năm trước đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, quan chức cấp cao Mỹ đã từ chối đưa ra các biện pháp khắc phục tiềm năng khác như thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi điều này có thể vi phạm giao ước của Mỹ với WTO.
Các thành viên WTO đã đồng ý đưa những khiếu nại của các đối tác thương mại vào hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này, nhưng theo ông Lighthizer, đó chỉ là thủ tục hành chính cơ bản.
"Tổng thống Trump sẽ lựa chọn cách hiệu quả nhất để đảm bảo các công ty của chúng tôi không phải chịu tổn thất vì những hành động không đúng đắn [của Trung Quốc], tôi tin tổng thống sẽ không bỏ qua những lựa chọn có lợi," vị quan chức cho hay.
Trung Quốc sẽ phản đòn?
Chắc chắn Trung Quốc sẽ đáp trả bất kì động thái quan trọng nào của Mỹ bằng các biện pháp có tác động chính trị – như việc khép lại cánh cửa thị trường nhập khẩu thịt bò Mỹ, dù Trung Quốc chỉ vừa mới cho phép nhập khẩu ngành hàng này gần đây.
Thịt bò Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Getty
Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các tiểu bang như Montana, một trong những tiểu bang ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Các công ty đa quốc gia của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cũng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại. Một số công ty có thể bị thanh tra chính phủ đến kiểm tra bất thường, hoặc gặp khó khăn trong việc xin giấy phép hoặc đăng kí.
Những công ty khác có thể bị kiểm tra thuế hoặc bị điều tra chống độc quyền. Bắc Kinh có thể "gây khó dễ cho các công ty Mỹ," ông Kenedy nhận định.
"Chúng tôi cảm thấy mọi thứ đều đang được đặt trên bàn cân," ông Jeremy Waterman, Phó chủ tịch các vấn đề Trung Quốc tại Phòng Thương mại Mỹ, tỏ ra lo ngại.