Đây là bước chuyển mạnh mẽ khả năng răn đe của lực lượng hạt nhân Mỹ từ tư duy tấn công tổng lực sang hiệu quả và chính xác.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, quá trình phát triển các dòng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hải quân trang bị đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp của Mỹ đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua.
Đánh giá về hướng phát triển vũ khí hạt nhân mới, tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp mới giúp mở rộng khả năng sử dụng vũ khí răn đe chiến lược. Chúng được thiết kế để đối phó hiệu quả hơn với các đối thủ tiềm năng của Mỹ trong tình hình mới.
Định hướng của lực lượng hạt nhân Mỹ trong tương lai là trang bị rộng rãi các thế hệ đầu đạn hạt nhân có sức công phá chỉ khoảng 20 Kilotone, nhưng được trang bị công nghệ để tấn công chính xác hơn. Hiện tại, Mỹ đang niêm cất khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân có thể hoán cải thành đầu đạn hạt nhân giảm hiệu suất mới.
Thực tế, đầu đạn hạt nhân mới với hiệu suất thấp chính là các đầu đạn hạt nhân cũ, được Mỹ tháo bớt nhiên liệu hạt nhân khiến giảm khả năng công phá của chúng. Tuy nhiên, điều này giúp Mỹ lợi dụng sự phân biệt giữa đầu đạn hạt nhân chiến thuật và chiến lược để tạo lợi thế cho mình.
Tư duy cũ, nhưng cách làm mới
Theo giải thích của Giám đốc truyền thông Chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân mới của Mỹ, Hans Christensen, các đầu đạn hạt nhân giảm hiệu suất mới trang bị cho các tên lửa đạn đạo Trident II D5 và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm sẽ giúp giảm sự phá hủy không cần thiết trong các đòn tấn công hạt nhân, mặt khác vũ khí tấn công chiến lược này cũng là đòn tấn công với độ chính xác rất cao.
Hiện tại, các tên lửa Trident II D5 được trang bị 4 đầu đạn nhiệt hạch có khả năng tự cơ động quỹ đạo W76. Tuy nhiên, dù chúng có sức mạnh công phá tới hàng trăm nghìn Kilotone, nhưng đây vẫn là sản phẩm cũ thời chiến tranh Lạnh. Chúng đã được nâng cấp nhiều lần, nhưng vẫn không đáp ứng được chiến lược sử dụng vũ khí hạt nhân mới của Mỹ.
Thế hệ đầu đạn giảm hiệu suất mới thiết kế cho tên lửa Trident II D5 được phát triển trên cơ sở đầu đạn W76-1, với việc rút bỏ các thành phần nhiệt hạch giúp giảm hiệu suất công phá của đầu đạn xuống mức dưới 100 Kilotone. Việc làm này giúp tiết kiệm chi phí phát triển thế hệ đầu đạn mới vì quá trình tái trang bị đơn giản là cải tiến các đầu đạn hạt nhân sẵn có.
“Quá trình này an toàn và đỡ khó khăn hơn so với việc phát triển dòng đầu đạn hoàn toàn mới”, ông Hans Christensen cho biết.
Ngoài ra, cách làm trên còn giúp Mỹ không vi phạm quy định của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược hiện có nhờ việc không gia tăng số lượng hay quy mô đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, bù lại, mỗi phương tiện vận chuyển sẽ mang được nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, khả năng tấn công chính xác hơn trong các nhiệm vụ chiến lược.
Ông Hans Christensen nhấn mạnh: “Hiện tại, việc hoán cải các đầu đạn hạt nhân giảm hiệu suất đang được thực hiện một cách hạn chế, nhưng sẽ được mở rộng trong tương lai gần.
Chúng sẽ là vũ khí tấn công chính trên máy bay ném bom tương lai B-21 Raider cùng với bom hạt nhân dẫn đường chính xác B61 Mod 12, cũng như trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II”.
Việc áp dụng công nghệ giảm hiệu suất công phá, dẫn đường chính xác trên vũ khí hạt nhân không làm khả năng răn đe giảm đi.
Bước đi nguy hiểm
Ngoài đầu đạn hạt nhân giảm hiệu suất, Mỹ cũng đang phát triển tên lửa hành trình chiến lược không đối đất phóng ngoài tầm phòng không – LRSO mới. Vũ khí tấn công mới trang bị trên máy bay ném bom chiến lược B-21, B-52H và B-2A này có tầm bắn tới 5.000km.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, LRSO được thiết kế để nhận biết và né tránh ô phòng không của đối phương để tấn công mục tiêu một cách chính xác nhất. Không quân Mỹ dự kiến chi ra 17 tỷ USD mua 1.000 đạn LRSO mới, bao gồm cả đầu đạn và phụ tùng đi kèm. Từ năm 2016, Không quân Mỹ đã chi 1,8 tỷ USD để mua tên lửa LRSO trong vòng 5 năm tới.
Điểm mạnh của LRSO so với các phương tiện vận chuyển chiến lược cũ là khả năng tấn công chính xác cao. Sai số của LRSO trong các đòn tấn công chỉ là 30m, trong khi đó tên lửa Trident II D5 là 180m. Các đòn tấn công chiến lược với độ chính xác cao sẽ gây bất ngờ cho đối phương và giảm số lượng vũ khí cần sử dụng.
Đánh giá về tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như phương tiện vận chuyển chiến lược mới liệu có tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, với vũ khí mới, năng lực răn đe của lực lượng hạt nhân Mỹ sẽ được tăng cường đáng kể và từ đó tạo ra an ninh chiến lược cho nước Mỹ.
“Những vũ khí mới của lực lượng hạt nhân Mỹ giống như thông điệp gửi tới các quốc gia đối địch rằng sẽ không cơ cơ hội nào đối đầu với nước Mỹ kể cả trong một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế”, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, Paul Selva nhấn mạnh.
Nhận định về chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, nhiều chuyên gia Nga cho rằng đây là bước đi nguy hiểm. Việc sử dụng các đầu đạn hạt nhân giảm hiệu suất mới sẽ xóa đi ranh giới giữa vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật.
Khi xung đột xảy ra, sẽ không ai biết được vũ khí đang sử dụng là vũ khí cấp chiến thuật và chiến lược và đòn đáp trả có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Lãnh đạo Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga, Konstantin Makiyenko nhận định: “Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ đang nhằm đổ lỗi gây chiến cho người khác. Đây thực sự là bước đi nguy hiểm”.
Rõ ràng việc Mỹ tái cơ cấu kho vũ khí hạt nhân của mình sẽ buộc nhiều quốc gia khác, trong đó có Nga phải xem xét lại chiến lược hạt nhân để đối phó. Điều này sẽ tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân khi xảy ra xung đột lên nhiều lần.