Có một điều hiển nhiên là sau khi chi hàng tỷ USD phát triển trong nhiều năm, Không quân Mỹ và các nhà thầu quân sự vẫn chưa thể cho ra mắt một dòng vũ khí siêu thanh đúng nghĩa để đáp ứng chiến lược "Tấn công nhanh toàn cầu bằng vũ khí phi hạt nhân" – NPGS.
Dù đã thử nghiệm nhiều thiết kế, nhưng công nghệ vũ khí siêu thanh Mỹ vẫn chỉ dừng ở các mẫu thử công nghệ, mà chưa thể ứng dụng chúng vào các dòng vũ khí cụ thể.
Một trong những rào cản chính trong việc phát triển vũ khí siêu thanh mới là việc Không quân Mỹ quá quan tâm tới tốc độ có thể đạt được của phương tiện bay. Đây là truyền thống đã có từ lâu đời ngay từ khi phi công, Đại úy Chuck Yeager thực hiện chuyến bay siêu thanh thử nghiệm đầu tiên vào năm 1947.
Truyền thống này tiếp nối tới thập kỷ 1960 với việc hãng chế tạo hàng không Mỹ North American Aviation đã cố gắng "nhồi nhét" công nghệ để tạo ra thiết bị bay thử nghiệm có người lái X-15 lần đầu tiên đạt tốc độ bay gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.
Và tới gần đây nhất là chương trình phát triển Hyper-X của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ - NASA với nguyên mẫu công nghệ X-43A đã đạt tốc độ bay tới Mach 9.2, tương đương 11.000km/giờ.
Thực tế, tốc độ chỉ là một yếu tố cần đạt được của phương tiện siêu thanh. Các dòng phương tiện dạng này là tổng hòa của nhiều lĩnh vực công nghệ hàng không như: Vật liệu mới, điều khiển học, khả năng dẫn đường… và những quy luật hàng không hoàn toàn mới.
AHW - một trong những chương trình phát triển vũ khí siêu thanh tương lai của Lầu Năm góc.
Mặt khác, quá trình phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ cũng bị "đứt đoạn" do bị chi phối bởi các chiến lược quân sự liên tục thay đổi của Lầu Năm góc. Một trong những điểm đáng chú ý của vấn đề này là vào đầu những năm 2000, Lầu Năm góc đề ra chiến lược "Tấn công nhanh toàn cầu" – PGS (tới năm 2013 đổi thành NPGS).
Với việc thành lập Bộ Chỉ huy Tấn công nhanh toàn cầu, giới chức quân sự Mỹ cần vũ khí siêu thanh mới có thể tấn công bất kỳ vị trí nào trên Trái đất trong vòng 1-2 giờ. Điều này đã dẫn tới việc các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu trên.
Một trong những chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới theo hướng trên của Không quân Mỹ (có hỗ trợ công nghệ từ Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai – DAPRA) là phương tiện lượn siêu thanh FALCON.
Theo chương trình FALCON, giới chức quân sự Mỹ kỳ vọng có thể tạo ra dòng vũ khí tấn công chính xác cao liên lục địa gần như tức thì với những yêu cầu như: Thời gian chuyển trạng thái chiến đấu trong 24 giờ, thời gian chuẩn bị chiến đấu trong 2 giờ và có thể tấn công chính xác bất kỳ vị trí nào trên Trái đất trong vòng 1 giờ.
Với những yêu cầu cao trên kết hợp với rào cản công nghệ đã làm dự án này kéo dài từ năm 2003 tới tận giai đoạn 2010-2011 mới bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu công nghệ đầu tiên. Kết quả thử nghiệm của chương trình FALCON tiêu tốn hàng tỷ USD với các nguyên mẫu HTV-2 và HTV-3X đều không đạt kỳ vọng.
Một dự án vũ khí siêu thanh khác của Không quân Mỹ là chương trình phát triển tên lửa X-51 WaveRider kết hợp với máy báy ném bom chiến lược cũng có chung số phận.
Trong 4 lần thử nghiệm tên lửa X-51, chỉ có hai lần là thành công. Điều này đã buộc Không quân Mỹ phải dừng chương trình dù đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho dự án.
Hiện tại, Quân đội Mỹ chỉ đang có một chương trình phát triển vũ khí siêu thanh duy nhất là Advanced Hypersonic Weapon – AHW. Sử dụng phương thức hoạt động tương tự như nguyên mẫu công nghệ HTV-2, nhưng AHW được thiết kế để hoạt động ở độ cao thấp hơn và cần phương tiện vận chuyển lên quỹ đạo đơn giản hơn.
Tuy nhiên, hình dạng khí động của AHW chỉ phù hợp cho khả năng tấn công kinetic (xuyên phá động năng) vốn không thể đạt hiệu quả hủy diệt cao bằng các đầu đạn mang thuốc nổ mạnh.
Tính từ năm 2006 tới nay, mới có 2 vụ thử AHW được thực hiện và chỉ có 1 lần thành công. Lầu Năm góc dự kiến sẽ tiếp tục thử nghiệm AHW trong năm 2017 và năm 2019.
Có thể thấy rõ, những nỗ lực của Quân đội Mỹ phát triển vũ khí tấn công siêu thanh mới đáp ứng yêu cầu của NPGS tới thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang rất tích cực phát triển vũ khí siêu thanh mới và đã đạt được kết quả cụ thể.