Lãnh đạo Nga-Azerbaijan và Armenia ký tuyên bố chung về phát triển Karabakh

Anh Tú |

Tại cuộc gặp cả ba nhà lãnh đạo đều nhất trí: giải pháp cho cuộc xung đột lâu năm ở Nam Caucasus không chỉ có thể mang lại hòa bình lâu dài mà còn đưa các nước xích lại gần nhau hơn với một quá khứ lịch sử chung.

Đàm phán 3 bên của các Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Azerbaijan I.Aliev và Thủ tướng Armenia N.Pashynian tại Điện Kremlin. Ảnh: Rianovosti.

Đàm phán 3 bên của các Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Azerbaijan I.Aliev và Thủ tướng Armenia N.Pashynian tại Điện Kremlin. Ảnh: Rianovosti.

Ngày 11/01, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra sáng kiến mời Tổng thống Azerbazan - Ilham Aliev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashynian đến Điện Kremlin ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga để hội đàm về giải quyết các vấn đề hậu xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Theo kết quả đàm phán, 3 nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung với các giải pháp về khôi phục phát triển kinh tế, thương mại, hạ tầng giao thông, mở ra triển vọng về hòa bình lâu dài cho khu vực này.

Mở đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Azerbaijzan Ilham Aliev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashynian tại Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga đã có bài phát biểu, lưu ý rằng, Nga coi trọng đối tác và quan hệ láng giềng tốt đẹp với Azerbaijan và Armenia, đồng thời cảm ơn các đồng nghiệp đã đánh giá tích cực những nỗ lực hòa giải của phía Nga trong việc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.

Ông Putin tuyên bố rằng, các thỏa thuận đạt được vào tháng 11/2020 đang được thực hiện một cách nhất quán và điều này tạo ra các điều kiện tiên quyết cần thiết để giải quyết lâu dài và quy mô toàn diện cuộc xung đột Nagorno-Karabakh trên cơ sở vì lợi ích của cả nhân dân Armenia và Azerbaijan.

Tiếp đó các nguyên thủ của 3 nước đã hội đàm sau cánh cửa đóng kín và kéo dài gần 4 tiếng. Không chỉ là hội đàm 3 bên, nhà lãnh đạo Nga còn có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Azerbaijzan Ilham Aliev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashynian.

Phát biểu sau khi kết thúc hội đàm, Tổng thống Nga V.Putin gọi cuộc gặp này là vô cùng quan trọng và hữu ích, vì các bên đã có thể đi đến thỏa thuận và ký một tuyên bố chung về sự phát triển của tình hình trong khu vực, có nghĩa là các bước cụ thể để xây dựng quan hệ kinh tế và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng.

Tổng thống V.Putin nêu rõ: “Vì mục đích này, một nhóm công tác sẽ được thành lập, do các phó thủ tướng của ba chính phủ Azerbaijan, Armenia và Nga đứng đầu. Trong tương lai gần, họ sẽ thành lập các phân nhóm chuyên gia làm việc, đưa ra các kế hoạch cụ thể cho sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và kinh tế của khu vực. Tôi tin tưởng rằng, việc thực hiện các thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho cả người dân Armenia và Azerbaijan, và không nghi ngờ gì nữa, sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực và cũng có nghĩa là lợi ích của Liên bang Nga".

Theo Tuyên bố chung, nhóm công tác của các phó thủ tướng của ba nước sẽ triệu tập một cuộc họp vào cuối tháng Một và đến tháng Ba, một kế hoạch về các hành động thiết thực chung sẽ được công bố.

Việc dỡ bỏ phong tỏa các mối quan hệ kinh tế ở Nam Caucasus, mở cửa biên giới và nối lại các tuyến đường thương mại - giải pháp cho những vấn đề không thể giải quyết trong ba thập kỷ, giờ đây không còn xa nữa. "Cấu hình vận tải" mới có thể là: Azerbaijan qua lãnh thổ Armenia nhận được kết nối đường sắt với Nakhichevan và Thổ Nhĩ Kỳ, và Armenia qua lãnh thổ của Azerbaijan - với Nga và Iran.

Quan hệ với Armenia đối với Nga không chỉ là đồng minh trong lĩnh vực quân sự và chính sách đối ngoại mà còn cả kinh tế, do đó triển vọng nối lại thông tin liên lạc đường sắt giữa hai nước qua lãnh thổ của Azerbaijan sẽ giúp việc triển khai nhiều dự án thương mại trở nên hiệu quả hơn.

Phát biểu tại cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Armenia N. Pashinyan bày tỏ:

"Tôi hy vọng rằng, trong bối cảnh của tất cả những sự kiện này và tôi chắc chắn rằng quan hệ giữa Armenia và Nga sẽ ngày càng sâu sắc, Nga đã và vẫn là đồng minh chiến lược chính của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh. Việc thực hiện các thỏa thuận được đưa ra trong tuyên bố chung của chúng ta có thể thay đổi nghiêm túc diện mạo kinh tế của khu vực chúng ta, và nâng cao đáng kể tiềm năng đầu tư, sức hấp dẫn đầu tư".

Về phần mình, Tổng thống Azerbaijzan Ilham Aliev cũng đã bày tỏ cảm ơn đối với Tổng thống Nga V.Putin, vì sự tham gia của cá nhân ông trong việc ngăn chặn các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh.

Nhà lãnh đạo Azerbaijzan tin rằng, khi ký vào tuyên bố ngày 9/11 về ngừng bắn ở khu vực, Tổng thống V.Putin với tư cách là nhà lãnh đạo của Nga, với tư cách là nước láng giềng của cả Armenia và Azerbaijan, một lần nữa đã thể hiện ý chí, quyết tâm và trí tuệ và cuộc họp này theo sáng kiến ​​của ông một lần nữa chứng tỏ ông đã chú ý đến vấn đề này như thế nào.

Tại cuộc gặp cả ba nhà lãnh đạo đều nhất trí: giải pháp cho cuộc xung đột lâu năm ở Nam Caucasus không chỉ có thể mang lại hòa bình lâu dài mà còn đưa các nước xích lại gần nhau hơn với một quá khứ lịch sử chung. Các nhà lãnh đạo cũng nhận thấy rằng, một cuộc gặp chưa thể giải quyết mọi vấn đề, do đó sẽ có các cuộc gặp tiếp theo./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại