Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 chậm tiến độ 7 năm - Ảnh: NAM TRẦN
Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo báo cáo, việc đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, đầu tư, mua sắm, quản lý, khai thác trang thiết bị y tế, đầu tư các dự án bệnh viện, cơ sở y tế còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, không hiệu quả.
Tình trạng "thổi" giá thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chưa được xử lý kịp thời. Nhiều trang thiết bị hiện đại "đắp chiếu" nhiều năm tại một số cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra trực tiếp việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại tám đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước. Đồng thời đã tiến hành bàn giao hồ sơ bảy vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an.
Qua giám sát đánh giá cơ bản các dự án đầu tư các bệnh viện, cơ sở y tế đều chậm tiến độ. Đáng chú ý, một số bệnh viện trọng điểm cấp trung ương (Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại TP Phủ Lý, Hà Nam) và cấp tỉnh hoàn thành nhiều năm nhưng không đi vào khai thác, sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng.
Một số dự án đầu tư dở dang, không cân đối được nguồn vốn để hoàn thành, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.
Báo cáo dẫn chứng năm 2011 Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đi vào hoạt động sau gần 10 năm khởi công, xây dựng.
Bệnh viện được trang cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại có trị giá đầu tư hàng chục tỉ đồng bằng ngân sách như: máy chạy thận, máy chụp X-quang, máy siêu âm, chẩn đoán hình ảnh…
Có hai máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỉ đồng "đắp chiếu" nằm kho trong 8 năm qua.
Cơ sở 2 Trung tâm Y tế Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) có hai máy chạy thận đắt tiền trong tình trạng "đắp chiếu" lãng phí, chưa một ngày đưa vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, năm gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở công lập thuộc Sở Y tế Hải Dương năm 2018 và 2019 với tổng trị giá hơn 277 tỉ đồng.
T hời điểm kiểm tra, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và năm trung tâm y tế Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, nhiều trang thiết bị ít được sử dụng, thậm chí có hàng chục thiết bị chưa sử dụng, tổng giá trị số thiết bị "đắp chiếu" trên 50 tỉ đồng, trong đó có trang thiết bị mua từ năm 2016, 2018 nhưng thời điểm kiểm tra chưa đưa vào sử dụng.
Nhiều máy móc, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) mua về nhiều năm chưa một lần sử dụng, hoặc bị “bỏ xó”, thỉnh thoảng “chạy 1 lần” cho đỡ hỏng.
Báo cáo cũng dẫn chứng dự án bệnh viện đa khoa 1.500 giường của Bình Dương (dự kiến tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng, khởi công xây dựng phần móng từ cuối năm 2014 đến năm 2016 xong móng, dừng thi công 3 năm, đến đầu năm 2019 mới khởi công trở lại).
Báo cáo chỉ ra việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học - công nghệ chưa triệt để tiết kiệm, chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí. Giai đoạn 2016-2021 nhiều bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí cho nhiều nhiệm vụ, đề tài chưa cấp thiết, chưa có tính thực tiễn, một số nhiệm vụ, đề tài chậm tiến độ hoặc phải dừng thực hiện.
Chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro, trách nhiệm, quyền lợi giữa Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, đặc biệt còn để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.
Điển hình trong số này là đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)" liên quan đến Công ty Việt Á.