Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi thỏa thuận vũ khí là "thời khắc lịch sử phi thường", cho phép nước này hiện đại hóa vũ khí và tăng khả năng phòng thủ.
"Đó là một món tiền lớn, nhưng chúng tôi cũng biết từ kinh nghiệm lịch sử của mình rằng an ninh là vô giá" - tờ Newsweek dẫn lời ông Duda nói.
Công ty Raytheon sẽ bắt đầu cung cấp tên lửa và các thiết bị cho Ba Lan vào năm 2022, hệ thống dự kiến đưa vào hoạt động năm 2024.
Ba Lan là thành viên NATO và EU, nhưng phần lớn vũ khí của nước này vẫn từ thời Ba Lan thuộc khối Hiệp ước Warsaw.
Năm 2010, Mỹ đưa tên lửa đất đối không đến Ba Lan cùng 100 binh sĩ với nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Ba Lan. Việc triển khai này bị Nga chỉ trích là hành động vi phạm lòng tin.
Việc Ba Lan quyết định mua vũ khí của Mỹ chắc chắn sẽ không được Nga hoan nghênh. Hồi tháng 12 năm ngoái, Nga cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận vũ khí khi đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản.
Nga cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng có thể phóng đi tên lửa, như vậy sẽ vi phạm hiệp ước 1987 Mỹ ký với Liên Xô mà vẫn còn hiệu lực đến ngày nay. Mỹ phủ nhận việc bán các hệ thống phòng thủ tên lửa là vi phạm hiệp ước.
Từ khi cuộc chiến ở Đông Ukraina năm 2014, Ba Lan có nhiều bước đi đề phòng Nga. Tháng 4 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Donald Trump điều hơn 1.000 lính Mỹ đến đóng quân để bảo vệ biên giới Ba Lan.
Các đồng minh trong NATO như Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Việc Ba Lan mua Patriot sẽ cho phép nước này tham gia vào các hoạt động phòng thủ cùng các nước đồng minh.
Ba Lan có biên giới giáp với vùng Kaliningrad của Nga.