Lặn, "tông" vào sứa biển, du khách chằng chịt thương tích

Khánh Anh |

Gần 2 tuần sau khi “đâm sầm” vào sứa biển khi lặn, nam bệnh nhân hơn 40 tuổi ở Hà Nội vẫn phải nằm viện điều trị với chằng chịt vết thương trên mặt, cổ và lưng.

Liên tiếp "chạm mặt" sứa biển

Đến thời điểm này, bệnh nhân T.S. (42 tuổi, ở Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại cảm giác khủng khiếp sau ít phút "chạm mặt" với sứa biển.

Nằm điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện (BV) Bạch Mai) gần 2 tuần, nam bệnh nhân hơn 40 tuổi vẫn chằng chịt tổn thương vùng mặt, cổ và lưng.

Lặn, tông vào sứa biển, du khách chằng chịt thương tích - Ảnh 1.

Dù điều trị gần 2 tuần nhưng tổn thương của bệnh nhân bị sứa tấn công vẫn khá nặng nề

"Khoảng 17 giờ giờ chiều 25-6, tôi cùng cháu nhỏ 5 tuổi xuống tắm biển Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh. Vừa xuống biển, tôi có trêu đùa cháu là bác thi lặn.

Vừa bơi và lặn xuống, tôi cảm thấy mặt mình đâm sầm vào cái gì đó rất to và sau đó là cảm giác ngứa rát.

Ngay lập tức, tôi trồi lên mặt nước, dắt cháu chạy thẳng lên bờ. Biết bị va chạm với sứa biển, người thì nói xát chanh, người thì nói tắm nước ngọt để trôi hết nọc của sứa biển.

Thế nhưng, khi đứng dưới vòi nước ngọt để xả nước thì một cảm giác buốt đến thấu xương.

Dù được người dân địa phương hướng dẫn sơ cứu nhưng khuôn mặt của tôi phù nề, mắt híp lại và đến khi về Hà Nội vào chiều cùng ngày thì tổn thương lan hết mặt, lưng, cổ với cảm giác đau rát, nhức nhối như bị gai đâm hay lông con sâu bọ nẹt đâm vào người.

Nghĩ lại vẫn sợ, không biết bao giờ dám đi tắm biển lại"- nam bệnh nhân rùng mình kể.

Theo ông S., ngoài ông bị sứa biển tấn công thì trong đoàn còn có thêm 3 người bị sứa đốt nhưng nhẹ hơn.

Lặn, tông vào sứa biển, du khách chằng chịt thương tích - Ảnh 2.

Thời điểm sau khi bị sứa tấn công và sau gần 2 tuần điều trị

Cũng va chạm phải sứa biển khi đi tắm ở biển ở Quảng Ninh, bệnh nhân nữ ở Hải Dương xuất hiện tổn thương khá muộn.

Trước đó, chị đi du lịch cùng gia đình nhưng ngay khi xuống tắm, chị thấy nhói nhói nên đã lên tàu ngay.

Chồng chị cũng có cảm giác này nhưng vẫn ở dưới nước ngâm, kì cọ nên không biểu hiện nặng như chị.

"Lên tàu, tôi nghe theo lời khuyên của dân địa phương, xát chanh vào vết thương nhưng đến hơn 1 tuần sau, trên cổ tay, ngón tay của chị mới bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nước li ti, ngứa, rát, chỉ muốn gãi rách da thịt.

Vì không thể chịu đựng thêm tôi mới lên chị mới lên BV Bạch Mai khám và được chỉ định nhập viện"- nữ bệnh nhân kể.

Dùng nước biển để tẩy độc do sứa cắn

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), cho biết cả hai bệnh nhân trên đều đang được điều trị vì tổn thương sau khi bị sứa đốt.

Riêng với bệnh nhân nam là trường hợp rất điển hình khi bị các xúc tu hay phần cơ thể của sứa cắn và cuốn lấy cổ và lưng bệnh nhân.

Khi sứa đốt, cảm giác sẽ rất đau và ngứa rát bởi nó phóng ra hàng ngàn cái gai cực nhỏ cắm vào da và giải phóng chất độc.

Đây là nguyên nhân của tình trạng xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da. Thông thường, vết đốt bị ngứa, rát, phỏng nước nhưng cũng có những vết đốt gây ra những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, hoặc tim đập nhanh.

Khi bị sứa đốt cần sớm rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt.

Tuyệt đối không rửa bằng nước ngọt hoặc nước nóng vì sẽ làm tổn thương nặng hơn, gây rát buốt.

Hãy dùng nước muối biển để rửa vết thương bằng cách ngâm mình trong nước biển để kỳ cọ thay vì lao lên bờ tắm tráng. Nếu có thể, hãy làm dịu cơn đau bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa.

Ngoài ra, có thể dùng vật có cạnh như thìa, vỏ sò, dao... chà xát để lấy hết gai sứa ra khỏi vết thương; chườm đá lên vùng bị thương nhằm giảm đau, bớt sưng tấy và ngăn không cho nọc độc sứa lan rộng.

Lặn, tông vào sứa biển, du khách chằng chịt thương tích - Ảnh 3.

Vết thương của nữ bệnh nhân ở Hải Dương 9 ngày sau khi bị sứa đốt

Theo giới chuyên môn, chỗ bị sứa đốt thường sưng đỏ, có cảm giác nóng xung quanh, trường hợp nhẹ không đáng ngại nhưng nếu nặng sẽ có những triệu chứng nhức đầu, co thắt cơ bắp, dị ứng, đau rát hơn, hãy đến cơ sở y tế gần nhất.

Du khách khi đi du lịch biển nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc chữa tiêu chảy và một chai giấm để khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý để bảo vệ mình và người thân khi tắm biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại