Máy bay tấn công không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đang có chuyến thăm chính thức Ankara, người đồng cấp nước chủ nhà Erdogan nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu thiết bị bay không người lái cho một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Ông nêu rõ thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cả xuất khẩu.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tại lễ ký thỏa thuận mua bán máy bay không người lái ở Ankara ngày 24/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, theo kênh truyền hình nhà nước TRT Haber của Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan sẽ nhập 24 máy bay không người lái Bayraktar TB2. Máy bay là sản phẩm của công ty tư nhân Baykar này hiện đã được xuất khẩu sang Ukraine, Qatar và Azerbaijan.
Trước đó, ngày 22/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ bàn giao lô máy bay trinh sát - tấn công không người lái Bayraktar TB2 đầu tiên vào năm 2022. Mẫu máy bay này sẽ được trang bị các vũ khí chống tăng. Ba Lan cũng sẽ mua kèm một gói huấn luyện và hậu cần.
Nhiều nước đã đánh giá cao những lợi thế to lớn của phương tiện bay không người lái, từ trinh sát đến tấn công cảm tử (kamikaze). Ngoài ra, các phương tiện này có giá rẻ hơn các máy bay chiến đấu cùng loại và được chế tạo nhanh hơn nhiều, có thể ở trên không trong thời gian dài để chờ lệnh tấn công mà không bị radar đối phương phát hiện.
Do kích thước nhỏ hơn và đặc tính kỹ thuật tốt, máy bay không người lái thường là mục tiêu khó bị bắn hạ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu có người lái.