Về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
PV: Là chuyên gia đầu ngành về y tế dự phòng, ông có nhận định gì về dự báo “Các dịch bệnh mới nổi có thể gia tăng trong năm 2024, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân” từ cơ quan y tế mới đây?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đây là dự báo có căn cứ. Hiện nay biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, đến sức đề kháng của người dân, đặc biệt là chúng ta vừa trải qua những năm tháng chống dịch COVID-19 và rất nhiều người cũng đã bị nhiễm COVID-19.
Hệ thống miễn dịch bị tổn thương, cộng với biến đổi khí hậu hết sức khốc liệt. Điều kiện như thế sẽ có dịch bệnh xuất hiện, chẳng hạn như là virus, vi khuẩn, dịch bệnh khác mà chúng ta chưa biết cũng có thể bùng phát.
Đối với bệnh sốt xuất huyết thì người ta cũng coi là một bệnh mới nổi mà nó liên quan rất chặt chẽ với biến đổi khí hậu cũng như tất cả các loại bệnh lây truyền qua côn trùng, qua các trung gian truyền bệnh thì biến đổi khí hậu làm tăng sinh sản của muỗi sinh sản.
Vừa rồi cũng bị thiếu vaccine, đặc biệt là vaccine cho trẻ em nên có thể bùng phát bệnh sởi, bệnh bạch hầu, ho gà, đặc biệt là ở những trẻ em miền núi, những nơi xa xôi. Nhưng có lẽ trong năm 2024 thì chưa có nguy cơ lớn bùng phát đại dịch như covid-19.
PV: Vậy những khó khăn thách thức trong công tác phòng ngừa dịch bệnh trong năm 2024 là gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Dịch bệnh thì khó lường, có thể xuất hiện dịch bùng phát nhưng đấy là những cái khách quan. Còn về chủ quan thì chúng ta biết rằng hệ thống y tế dự phòng những năm chống dịch covid 19 đã có biểu hiện của sự mệt mỏi và đặc biệt hiện nay, hệ thống phòng, chống dịch bệnh thì chế độ, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu.
Cho nên nhiều bác sĩ trong hệ thống y tế dự phòng đã chuyển sang làm công tác điều trị, làm phòng khám, bệnh viện nơi có thu nhập cao hơn. Cho nên những chuyên gia phòng, chống dịch bệnh ngày càng ít đi và chúng ta khó thu hút người giỏi vào hệ thống y tế dự phòng.
Hiện nay người ta chống dịch bằng biện pháp hiện đại, khi xuất hiện ổ dịch ở cơ sở thì từ Trung ương, bằng công nghệ 4.0 đã biết và được tư vấn để phát hiện và khống chế dịch ngay. Nhưng Việt Nam thì nhiều nơi báo cáo dịch phải cần đóng dấu, giấy tờ… rất mất thời gian và chưa linh hoạt.
Chúng ta cũng đặt ra ngân sách cho y tế là dành 20% cho y tế dự phòng, nhưng các địa phương hầu như chỉ tiêu đó không đạt được, và đặc biệt ngân sách phòng, chống dịch thì lại không cho từ đầu năm để chúng ta giám sát, theo dõi. Lúc bùng dịch thì mới cấp tập đưa ra rồi bắt đầu đấu thầu, mua sắm rồi bắt đầu cho người đi chống dịch. Như vậy là cách chống dịch chưa hợp lý.
PV: Vậy ông có đề xuất gì với ngành Y tế và các ban ngành khác nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đề nghị chính quyền cấp cơ sở cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh để có thể đảm bảo được công tác y tế dự phòng thường xuyên và đặc biệt là công tác đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch từ giám sát, theo dõi trong thời gian chưa có dịch bệnh.
Chúng ta cần phải có chính sách thu hút những cán bộ có năng lực vào hệ thống y tế dự phòng và thứ ba là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bởi vì cộng đồng bình thường thì họ cũng không quan tâm đến những thông tin phòng, chống dịch, chẳng hạn như chống dịch sốt xuất huyết, tháng ba tháng tư là phải bắt đầu chống dịch rồi nhưng người dân đến lúc bị sốt xuất huyết mới gọi cán bộ đến để phun hóa chất, lúc ấy mới điều trị.
Để họ nhận thức được là chống dịch nào nguy hiểm, cách chống dịch như thế nào, tham gia của cộng đồng vào phòng, chống dịch như thế nào, để mỗi gia đình, cá nhân đều có đóng góp vào công tác phòng, chống dịch cho đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!