Và lần này lại nghe một diễn viên trẻ nổi tiếng, diễn viên Mai Phương, “con của Hai Lúa”, bị ung thư phổi giai đoạn IV với các triệu chứng bệnh xuất hiện trong vài tuần. Thật là sốc khi nghe tin này phải không các bạn?
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ung thư phổi với các vấn đề: nguyên nhân nào gây ra, cách phòng ngừa và làm sao phát hiện sớm.
Nguyên nhân nào gây ra và cách phòng ngừa?
Trong chúng ta ai cũng biết nguyên nhân hàng đầu là do hút thuốc lá nhiều, không những người hút mà người hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng bị.
Trong khói thuốc rất nhiều chất gây ra ung thư, không những gây ra ung thư phổi mà còn gây nhiều loại ung thư khác nữa như ung thư hốc miệng, họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, bọng đái, cổ tử cung...và nhiều bệnh lý không phải ung thư.
Các nguyên nhân ung thư phổi khác ít gặp hơn như:
Hít phải một số chất nơi làm việc như bụi abestos chất này sử dụng trong xây dựng để chống nhiệt chống cháy; một số chất khác như chromium, beryllium, nickel, bồ hóng (nhọ nồi), nhựa đường.
Bệnh sử gia đình có người ung thư phổi, tiếp xúc bức xạ, sống nơi ô nhiễm không khí.
Sử dụng thực phẩm sổ sung Beta caroten, một dạng vitamin A, cho người hút thuốc là nhiều cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Lớn tuổi cũng là một nguy cơ.
Có thể có nhiều yếu tố kết hợp gây ra ung thư phổi.
Ngoài ra, sức đề kháng suy yếu do làm việc quá sức, không rèn luyện thể chất, dinh dưỡng không đạt yêu cầu về chất và năng lượngcũng là yếu tố góp phần gây nên ung thư nói chung.
Qua các nguyên nhân trên, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh các yếu tố nguy cơ thay đổi được nêu ở trên, ngoại trừ tuổi tác, đồng thời với tăng cường sức đề kháng.
Cũng như bao loại ung thư khác, phòng ngừa và tầm soát là hai biện pháp hữu hiệu nhất kiểm soát bệnh ung thư
Làm sao phát hiện sớm?
Phát hiện sớm ung thư phổi lý tưởng nhất là tầm soát ung thư định kỳ mỗi năm cho đối tượng nguy cơ cao có các nguyên nhân kể trên.
Phương tiện tầm soát có khả năng phát hiện bệnh cao là CT xoắn ốc liều thấp, loại này ít nhiễm bức xạ, tránh được ảnh hưởng lâu dài có thể gây ung thư bởi liều xạ cao khi chụp CT thông thường qua nhiều năm.
Nếu không có CT xoắn ốc thì chụp X-quang ngực mỗi năm một lần, nhưng khả năng phát hiện tổn thương nhỏ không bằng CT nói trên.
Một sai lầm hiện nay là đa số tầm soát bằng xét nghiệm máu như CEA, NSE, Cyfra-21,... khả năng phát hiện bệnh rất thấp vì bướu nhỏ không sản xuất ra đủ lượng các dấu ấn bướu trên để tăng trong máu, đó đó bỏ sót bệnh rất nhiều.
Ngoài ra, giữa hai lần tầm soát hay những người không thuộc nhóm nguy cơ cao mà không tầm soát thì hãy cảnh giác những dấu hiệu sớm ung thư ung thư phổi như mệt mỏi, ho, đau ngực âm ỉ... cần đi khám ngay không nên để kéo dài quá hoặc điều trị kéo dài.
Khi đi khám quan trọng đầu tiên nhất là phải chụp X-quang ngực.
Đừng đợi khi có triệu chứng nhiều rồi như ho nhiều, ho ra máu, đau ngực nhiều, khó thở, sụt cân, đau nhức xương (di căn xương), nhức đầu kèm ói (di căn não) mới đi khám thì thường đã ở giai đoạn quá trễ.
Thực tế, một tình huống hay gặp là điều trị nơi này không khỏi rồi đi nơi khác tiếp tục điều trị, kéo dài nhiều tháng mà không chụp X-quang ngực dù chỉ một lần, dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ.
Tóm lại, cũng như bao loại ung thư khác, phòng ngừa và tầm soát là hai biện pháp hữu hiệu nhất kiểm soát bệnh ung thư.