Trong mâm cơm hàng ngày của các gia đình hiện nay, bên cạnh nguồn dinh dưỡng đến từ các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hay chất xơ đến từ các loại rau xanh, thì còn có các món hải sản - được đánh giá cao bởi hàm lượng canxi hay các vitamin có sẵn, tốt cho sức khoẻ con người.
Thậm chí, nhiều chuyên gia về sức khoẻ còn nhấn mạnh rằng, tốt nhất mỗi gia đình nên ăn hải sản mỗi tuần. Nó phù hợp với hầu hết mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành hay người cao tuổi.
Quen thuộc là vậy song trên thực tế, không phải ai cũng biết cách chế biến hải sản sao cho đúng cách, từ công đoạn sơ chế. Sơ chế nói chung hay làm sạch nói riêng sẽ giúp hải sản có hương vị tươi ngon, an toàn với sức khoẻ các thành viên trong gia đình. Nhiều người thường chủ quan không cần làm sạch quá kỹ mà chỉ cần đem chế biến, làm chín luôn thì hải sản sẽ giữ được độ tươi. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo đây là một hành động sai lầm.
Dưới đây là một số phương pháp làm sạch hải sản hiệu quả mà trang aboluowang gợi ý, áp dụng với từng loại hải sản khác nhau. Người dùng có thể tham khảo và áp dụng tại nhà đơn giản, nhanh chóng.
1. Làm sạch hải sản có vỏ
Đầu tiên với các loại hải sản có vỏ như trai, sò, ốc, hến, sò điệp, hàu, tôm hùm, cua, bào ngư... dù vốn dĩ phần vỏ của các loại hải sản này không được con người sử dụng trực tiếp để ăn, tuy nhiên vẫn cần làm sạch thật kỹ ngay từ đầu.
Khi mua về, người dùng hãy ngâm trong nước sạch khoảng 1 giờ đồng hồ. Hết thời gian ngâm, lấy hải sản ra, dùng bàn chải hoặc miếng cọ rửa, chà xát vỏ của hải sản sao cho bụi bẩn, đất cát hay các tạp chất khác được làm sạch một cách tương đối.
Cuối cùng là rửa thêm hải sản với vài lần nước lã sạch, vớt ra các thau, chậu hoặc rổ để khô nước. Khi có nhu cầu chế biến, người dùng bóc, tách vỏ với thịt hải sản, có thể tuỳ cách chế biến mà làm sạch phần thịt bên trong bằng cách trần hoặc tráng qua nước sôi để vi khuẩn hay các loại sán không còn tồn đọng nữa. Kết thúc công đoạn này, người dùng có thể đem hải sản đi chế biến theo cách mình mong muốn, đem đến mâm cơm gia đình món ăn ngon miệng, bổ dưỡng.
2. Làm sạch hải sản vỏ mỏng
Bên cạnh các loại hải sản có vỏ dày, cứng thì có một số loại khác cũng có vỏ tuy nhiên phần vỏ mỏng hơn. Khi ăn, tuỳ theo khẩu vị và sở thích, người dùng có thể bỏ đi, hoặc thưởng thức trực tiếp phần vỏ này. Tiêu biểu có thể kể tới đó là tôm.
Cách vệ sinh tôm thực chất tương đối đơn giản. Cũng tương tự như các loại hải sản vỏ cứng, chỉ cần ngâm với nước khoảng 15-20 phút, sau đó rửa lại với nước sạch vài lần để chất bẩn bị loại bỏ hết là được. Khi ngâm, tốt nhất nên dùng nước ấm thay vì nước lạnh.
Người dùng cũng không nên sử dụng nước ở nhiệt độ quá cao, hay nói cách khác là nước quá nóng để ngâm tôm với mong muốn diệt sạch vi khuẩn. Ngược lại, cách làm này còn khiến tôm mất đi phần nào chất dinh dưỡng. Lý tưởng nhất chỉ nên ngâm tôm rồi làm sạch với nước ở nhiệt độ khoảng 40 độ C.
3. Làm sạch hải sản không có vỏ
Các loại hải sản không có vỏ tiêu biểu cần làm sạch thật kỹ đó chính là mực và các loại cá. Trong đó, mực được nhiều người yêu thích nhưng ít ai biết rằng nó là một trong những loại hải sản rất bẩn. Chất bẩn không chỉ ở phía bên ngoài thân, mình con mực mà còn nằm sâu ở những phần bên trong của con mực.
Khi mua về, người dùng cũng cần rửa qua phía bên ngoài của mực trước, sau đó ngâm với nước ấm. Khi vớt mực ra, đừng vội mang đi chế biến ngay mà hãy tiến hành cắt, mổ mình mực để lược bỏ được cả những chất bẩn bên trong. Có như vậy mực mới được sạch hoàn toàn, người dùng có thể yên tâm mang đi chế biến.
Còn đối với cá, người dùng cần cạo sạch lớp vảy bên ngoài mình cá rồi tiến hành rửa sạch nhiều lần. Cũng giống như mực, bên trong con cá vẫn chứa nhiều chất bẩn, tạp chất mà con người không thể ăn. Hãy mổ bụng cá, làm sạch phần nội tạng như dạ dày, ruột rồi rửa lại cả phần nội tạng với nước, tốt nhất nên rửa bằng nước muối để việc làm sạch được tối ưu, đồng thời cũng khử được phần nào mùi tanh cho cá.
Theo aboluowang