Các khảo sát cho thấy cứ 10.000 thai phụ thì có 1 đến 10 người bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung trong thai kỳ; trong khi đó ung thư vú được xác định chiếm khoảng 39% các ca thai phụ bị ung thư.
Các số liệu trên được báo cáo trong 2 nghiên cứu liên tiếp về ung thư ở bà bầu, được trình bày trong chiều 18-5 tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp – châu Á Thái Bình Dương, do Bệnh viện Từ Dũ và Khoa Y thuộc Đại học Paris Descartes (Pháp) tổ chức tại TP HCM.
Hãy bàn bạc với bác sĩ sản khoa để được theo dõi, điều trị và chuẩn bị cho cuộc sinh an toàn cho cả mẹ lẫn bé. Trong ảnh: Một cuộc mổ lấy thai tại Bệnh viện Từ Dũ
"Thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến điều trị ung thư và ung thư cũng sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ" – bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Nhân, Khoa Ung bướu phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ, trình bày trong nghiên cứu về ung thư cổ tử cung.
Không có hướng dẫn điều trị cụ thể cho mọi ca ung thư cổ tử cung ở thai phụ mà bác sĩ sẽ phải cân nhắc nhiều khuyến cáo trên thế giới cũng như hiện trạng của bệnh nhân để quyết định việc điều trị và dưỡng thai.
Xử trí ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào các yếu tố: giai đoạn bệnh, kích thước khối u, tình trạng hạch, mô học bướu, tuổi thai và nguyện vọng của bệnh nhân. Một số trường hợp khối u nhỏ, không di căn thì việc điều trị có thể trì hoãn đến sau sinh. Nếu khối u trong giai đoạn nguy hiểm mà vẫn muốn giữ thai thì cần sự cân nhắc.
Tương tự, nghiên cứu về ung thư vú của nhóm tác giả đến từ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương cho biết khoảng 21,6% bệnh nhân được phát hiện ung thư vào 3 tháng đầu thai kỳ, 43,4% vào 3 tháng giữa và 35,1% vào 3 tháng cuối.
Trong các biện pháp điều trị ung thư vú, liệu pháp nội tiết và nhắm trúng đích hoàn toàn chống chỉ định cho người muối giữ thai. Phẫu thuật có thể áp dụng trong tất cả các giai đoạn thai, hóa trị chỉ có thể dùng ở 3 tháng giữa và cuối, xạ trị chỉ có thể dùng trong 3 tháng đầu và giữa.
Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp nào còn tùy thuộc vào bệnh cảnh. Một số phụ nữ được yêu cầu chấm dứt thai kỳ nếu như bệnh cần kíp phải điều trị và việc điều trị ảnh hưởng lớn đến thai nhi.
Lời khuyên chung của các bác sĩ là thai phụ phải thật bình tĩnh sau khi nhận được "tin dữ" là mình bị ung thư. Hãy bàn bạc kỹ lưỡng với bác sĩ, vì bác sĩ sẽ tìm mọi cách để bạn giữ con, hạn chế độc tính lên thai nhi khi điều trị và bảo toàn tính mạng của mẹ.
Trong tình huống bệnh quá nặng, bắt buộc điều trị ngay hoặc cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ để điều trị, không nên né tránh bởi nếu mẹ bị đánh bại ở căn bệnh thì con cũng nguy.