Tình trạng khó chịu khi bị hóc xương cá sẽ nhanh chóng trôi qua nếu cơ thể tiêu hóa miếng xương và ngay sau đó bị đào thải ra ngoài bằng đường đại tiện. Cũng có ca, nó sẽ nằm trong ruột, nhưng vài ngày sau có thể sẽ bị bài tiết.
Tiến sĩ Shalini Arulanandam, chuyên gia tư vấn thuộc Khoa Tai mũi họng của Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH) cho biết tin tốt là xương cá hiếm khi gây ra các hậu quả khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa và axit.
Nhưng nếu mảnh xương bị mắc kẹt trong cổ họng, tốt nhất là bạn nên đi đến cơ sở y tế ngay lập tức. Đừng cố ăn bất cứ thứ gì để "đẩy" dị vật xuống cổ họng, các bác sĩ khuyến cáo.
Mọi người cũng đừng nên thực hiện theo thông tin được đồn thổi rằng uống giấm cũng giúp làm mềm và phá hủy xương cá.
Giáo sư Siow Jin Keat, chuyên gia tư vấn cao cấp tại phòng khám ENT tại Bệnh viện Tan Tock Seng nói rằng một khi xương cá đã trôi qua cổ họng, các bác sĩ rất khó để tìm ra vị trí chính xác của nó.
Các xương cá cũng có thể bị đẩy xuống sâu hơn, tức là nó có khả năng không còn dính vào niêm mạc. Điều này có nghĩa là các bác sĩ không thể nhìn thấy cái xương bị hóc và chỉ ra vị trí của nó, theo bác sĩ Barrie Tan, chuyên gia tư vấn cao cấp của khoa tai mũi họng tại SGH.
Thức ăn cũng có thể dính vào cái xương và từ đó làm cản trở việc lấy xương ra khỏi vùng họng.
"Ngay cả khi mẩu xương đã bị trôi đi , nó vẫn có thể bị ảnh hưởng tới thực quản. Vị trí này rất còn nguy hiểm hơn rất nhiều", bác sĩ Tan cho biết.
Một khi đã được nuốt, quá trình di chuyển của mảnh xương trở nên rất khó dự đoán. "Mảnh xương không gây ra đau đớn vì vậy bệnh nhân không đến cơ sở y tế ", giáo sư Siow nhấn mạnh.
Hầu hết mọi người đều bị mắc xương cá nhỏ nên 99% trường hợp miếng xương tự tiêu hoặc tự đào thải ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có những ca để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân như đâm thủng động mạch chủ, động mạch chính trong cơ thể.
Thật trớ trêu, nuốt một miếng xương to và có hình dạng kỳ dị sẽ "an toàn hơn" so với miếng xương nhỏ hơn và có hình dáng giống như một chiếc kim, giáo sư Siow nói.
"Những mảnh xương to thường rất khó đi qua cổ họng để xuống thực quản. Chúng gây nhiều đau đớn, khiến bệnh nhân phải đến cơ sở y tế ngay lập tức. Còn các mẩu xương nhỏ như cái kim có thể di chuyển đến các mô khác, chẳng hạn như vào cổ và gây ra những vấn đề nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong".
Lời khuyên khi ăn cá
Giáo sư Siow, bác sĩ Tan và bác sĩ Tay Sok Yan, một chuyên gia về tai mũi họng tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra một số biện pháp phòng tránh để tránh nuốt xương cá.
- Hạn chế vừa cười, vừa nói mỗi khi đang ăn cá.
- Gỡ bỏ xương cá ngay trong đĩa (bát), không nên cho cả miếng cá vào miệng, rồi sử dụng lưỡi và răng để gỡ xương ra.
- Những người đeo răng giả càng phải cẩn thận hơn mỗi khi ăn cá. Hãy nhai cẩn thận.
- Nên ăn cá phi-lê vì hầu hết xương đã được gỡ bỏ trong quá trình chế biến.
- Không nên ăn cá cùng với cơm hoặc bún (mỳ). Hãy ăn riêng cá.
- Xé cá thành những miếng nhỏ để bạn có thể cảm nhận hoặc thấy được những mẩu xương nhỏ li ti. Đừng nhai dối và nuốt vội mỗi khi ăn cá.
Những ca mắc xương cá nghiêm trọng nhưng hiếm khi xảy ra
Xương cá bị mắc ở trong cổ họng hoặc thực quản
- Đâm thủng thực quản, khiến nước bọt hoặc thức ăn thấm vào phần cổ họng hoặc khoang ngực, từ đó có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Nếu miếng xương cá di chuyển đến các mô xung quanh, chúng có thể gây thương tích cho mạch máu, chẳng hạn như động mạch chủ, một động mạch lớn trong cơ thể. Đã có trường hợp ở đây bệnh nhân chết vì chảy máu.
- Nó cũng có thể gây ra nhiễm trùng ở các mô ngực mà đe dọa đến tính mạng như viêm trung thất (viêm các mô ở giữa ngực). Áp xe ngực hoặc cổ, tức là các vùng này chứa rất nhiều mủ.
Xương cá mắc trong ruột
- Đâm thủng mô ruột.
- Một miếng xương cá khá to có thể mắc kẹt trong những chỗ hẹp trong ruột, điều này có thể dẫn tới sự hình thành mủ và nhiễm trùng nguy hiểm.
- Xương cá có thể bị mắc kẹt trong trực tràng và không thể thoát ra ngoài, gây ra đau đớn hoặc nhiễm trùng nặng.
Lưu ý khi bị mắc xương cá
- Bạn không nên ăn một miếng cơm to hoặc nuốt thức ăn để xương theo đồ ăn trôi xuống vì điều này có thể làm xương có thể cắm sâu hơn vào họng hoặc rơi xuống thấp hơn khiến rất khó xử lý.
- Một khi bị hóc xương cá, bạn nên dừng lại tất cả các hoạt động ăn uống vì có thể khiến dị vật có nguy cơ đâm sâu vào cổ họng gây tổn thương.
- Hãy đến cơ sở y tế nếu bị hóc xương cá. Vì nếu để lâu, dị vật này có gây nhiễm trùng ở cổ họng. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân phải làm phẫu thuật để loại bỏ xương cá.
* Theo Straits Times