Việc truyền dịch cần được thực hiện ở cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn có đầy đủ dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến có thể xảy ra. Ảnh: BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
Nhiều người tự ý truyền dịch
Bệnh viện Thanh Nhàn vừa tiếp nhận bệnh nhân 31 tuổi (Hà Nội) bị sốc phản vệ, tiên lượng tử vong cao do tự truyền dịch tại nhà. Cụ thể, bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng vật vã kích thích, huyết áp không đo được, mạch nhanh, kèm theo sốt rất cao (40 độ C).
Gia đình cho biết, bệnh nhân bị sốt từ trước đó 2 ngày. Tuy nhiên, thay vì đến viện thăm khám, bệnh nhân đã nhờ một điều dưỡng về nhà truyền dịch và tiêm thuốc vitamin tổng hợp. Ngay sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng như vật vã, mạch nhanh, huyết áp không đo được, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng với tỷ lệ tử vong cao. Ngay sau đó, bệnh nhân được sử dụng đúng phác đồ của Bộ Y tế như tiêm bắp 1/2 ống Adrenaline, các thuốc chống dị ứng và theo dõi liên tục. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng nên bệnh viện cho thở ô xy liều cao, lọc máu. Đến nay, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và đang được các y bác sĩ tiếp tục theo dõi.
Trước đó, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng thông tin nơi này đã cấp cứu cho một phụ nữ (56 tuổi) bị sốc phản vệ độ III, tiên lượng rất nặng do tự ý ra hiệu thuốc mua nước hoa quả để truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân cho biết, trước đây mỗi khi mệt mỏi, bà thường ra mua nước hoa quả hoặc gọi nôm na là “chai đạm” và về nhờ cháu có biết chuyên môn về cắm dịch truyền làm giúp. Lần này cũng vậy, nhưng sau cắm kim được khoảng 10 phút, bà thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run, gia đình vội vàng đưa đến viện. Các bác sĩ cho biết may mắn là người phụ nữ này đến viện cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Cần chỉ định từ bác sĩ
Trao đổi về nguy cơ có thể xảy ra của việc lạm dụng truyền dịch tại nhà, Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) giải thích, mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Nhiều người cứ mệt là truyền dịch và thông thường sẽ được tư vấn truyền nước biển, vitamin, đạm. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần truyền dịch và không phải ai cũng được phép thực hiện truyền dịch.
“Hiện đã có quy định rất rõ về việc quy định các cơ sở, bác sĩ được phép truyền dịch. Chỉ có bác sĩ được cấp chứng chỉ bác sĩ gia đình mới được phép truyền dịch tại nhà” - bác sĩ Hoàng khẳng định.
Nguy cơ càng đến nặng hơn trong thời điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) đang dần vào đỉnh dịch tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Không ít người dân có quan niệm sai lầm rằng có thể truyền dịch tại nhà để điều trị SXH dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai đã từng ghi nhận một thanh niên (17 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc, ngưng tim. Trước đó, bệnh nhân mắc SXH và truyền dịch tại nhà. Khi đến bệnh viện, người bệnh đã ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Mặc dù các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, người bệnh tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch truyền có khoảng 20 loại, có loại bổ sung chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, vitamin, đường, có loại bổ sung nước và chất điện giải dùng cho các trường hợp mất nước, mất máu. Cuối cùng là dịch albumin với dung dịch đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dextran… cho các trường hợp cần bù nhanh albumin hoặc dịch tuần hoàn cơ thể.
Về cơ bản, mục đích truyền dịch là nuôi dưỡng, bù đắp các phần dịch thiếu hụt trong cơ thể, dù tốt nhưng không được lạm dụng và bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, thực hiện truyền dịch tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu.
Nếu người dân tự ý truyền, tai biến nặng nhất có thể gặp phải là sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc bị nhiễm trùng máu, quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim.
Chỉ định truyền dịch chỉ áp dụng với bệnh nhân sốt cao, nôn trớ nhiều, mệt mỏi không thể bù nước, đạm, dinh dưỡng qua đường ăn uống. Khi truyền dịch, nhân viên y tế sẽ theo sát bệnh nhân để điều chỉnh tốc độ nếu cần và sớm phát hiện các biến chứng nếu có.
Cũng theo chuyên gia y tế, trước khi truyền dịch cần phải khám tim, phổi, đo mạch... Với những người có vấn đề về tim mạch việc truyền dịch rất nguy hiểm, có thể xảy ra biến chứng suy tim, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trước khi truyền dịch nên xét nghiệm công thức máu. Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Đối với những bệnh lý thông thường, người bệnh nên bổ sung các dưỡng chất bằng đường ăn uống. Như vậy, không chỉ giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh mà còn tránh được nguy cơ có thể gặp phải khi truyền dịch.
Trước việc không ít trường hợp tự ý điều trị SXH tại nhà, Bộ Y tế chỉ rõ đây là việc làm rất nguy hiểm có thể dẫn tới các biến chứng nặng như thiếu máu, tổn thương phổi, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu nặng, suy thận. Khi truyền dịch tại nhà, người mắc SXH có thể bị sốc phản vệ với dịch truyền. Hơn nữa, không phải bệnh nhân SXH nào cũng cần truyền dịch vì dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp.