Và, sự lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em là nguyên nhân chính khiến các vi khuẩn trở nên kháng thuốc và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác cho sức khoẻ của trẻ sau này…
Biểu hiện của lạm dụng kháng sinh
“Chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn” là nguyên tắc đầu tiên khi sử dụng kháng sinh. Nhưng đây cũng là nguyên tắc bị vi phạm nhiều nhất và gây nên nhiều hậu quả nhất, đặc biệt đối với trẻ nhỏ…
Thấy con trai (hơn 1 tuổi) vừa húng hắng ho, chị Lan (Hà Nội) liền chạy ra hiệu thuốc mua ngay thuốc kháng sinh về cho con uống.
Uống 3 ngày kháng sinh con không đỡ, chị Lan mới đưa con đi khám bệnh.
Bác sĩ cho biết, cháu chỉ bị ho do viêm mũi họng do virus và không cần phải dùng kháng sinh… làm chị ớ người ra vì đã trót dùng kháng sinh cho con trước đó mấy ngày rồi...
Thực tế, có đến 85-95% trẻ bị ho là do virus gây nên và với virus thì kháng sinh không có hiệu quả, thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Trong cộng đồng, rất nhiều bà mẹ (hay người chăm sóc trẻ) thường “tự kê đơn” kháng sinh mỗi khi trẻ có ho, sốt hoặc mua thuốc theo đơn cũ… dùng cho trẻ.
Cần nhớ rằng, kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn, mà bệnh trẻ mắc có phải do nhiễm khuẩn hay không, chỉ có thể do bác sĩ khám và đưa ra kết luận.
Do vậy, kháng sinh chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý sử dụng.
Ngoài nguyên nhân từ phía cộng đồng, còn nguyên nhân từ phía cán bộ y tế trong việc tuỳ tiện kê đơn thuốc kháng sinh.
Đó là việc dùng kháng sinh phổ rộng, bao vây, dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu khi bệnh chưa thật cần thiết dùng đến loại đó…
Hậu quả khi tự ý sử dụng kháng sinh là gì?
Dễ gây ngộ độc: Thuốc kháng sinh đưa vào cơ thể theo bất cứ đường nào như uống, tiêm, bôi ngoài da... đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận trong khi chức năng của gan và thận ở trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ còn rất yếu, do đó khả năng thải trừ thuốc chậm hơn nhiều so với người lớn và trẻ lớn.
Vì vậy thuốc dễ bị tích tụ trong cơ thể từ đó gây ra ngộ độc nhất là khi trẻ dùng thuốc kéo dài.
Nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc: Khi sử dụng kháng sinh không đúng, trẻ càng có nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ của thuốc.
Các tác dụng phụ thường gặp như: rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nôn, dị ứng, nhiễm độc gan, thận, sốc phản vệ, thậm chí tử vong…
Phạm vào chống chỉ định của thuốc
Có một số kháng sinh không được dùng cho trẻ em, ví dụ: Cloramphenicol có thể gây “hội chứng xanh xám” cho trẻ sơ sinh nhất là trẻ đẻ non. Đứa trẻ bị xanh tái dần rồi trụy tim mạch và tử vong.
Cloramphenicol còn gây ngộ độc cho tủy xương, nếu dùng kéo dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục.
Tetraxylin không nên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc này làm chậm phát triển của xương, làm cho răng vàng nâu vĩnh viễn. Tetraxyclin còn làm căng thóp ở trẻ sơ sinh.
Kháng sinh nhóm aminozid như streptomycin, gentamycin dùng cho trẻ sơ sinh dễ gây điếc. Các loại sulfonamid như bactrim, không nên dùng cho trẻ nhỏ vì dễ gây vàng da và độc với thận…
Vi khuẩn nhờn thuốc: Vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc là hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, không đúng phổ kháng khuẩn.
Trẻ có thể tái mắc chủng vi khuẩn trước đó, khi đó phải sử dụng loại kháng sinh khác phổ kháng khuẩn rộng hơn, nguy cơ gặp tác dụng phụ nhiều hơn.
Nghiêm trọng hơn các vi khuẩn kháng thuốc phát triển thành các chủng vi khuẩn mới mạnh hơn, độc tính cao hơn và chưa có thuốc điều trị.
Việc kê đơn thuốc có quá nhiều kháng sinh ở trẻ em và phụ nữ mang thai, có thể khiến thế hệ tiếp theo mất khả năng miễn dịch với các bệnh thông thường, thậm chí làm cho những bệnh nghiêm trọng như viêm phổi khó điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, những nghiên cứu trên thế giới gần đây tiếp tục cho thấy những nguy hại tiềm ẩn của việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ em:
Có thể gây béo phì và tiểu đường:
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, kháng sinh có thể làm hại vi khuẩn đường ruột của trẻ, khiến trẻ dễ bị béo phì và tiểu đường.
Nghiên cứu mô phỏng lại việc dùng thuốc ở trẻ em trên chuột con cho thấy những con chuột tăng cân và xương to hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tờ Nature Communications.Giáo sư Martin Blaser thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ cho biết, mặc dù nghiên cứu được thực hiện trên chuột, nhưng kết quả của nó giống với kết quả của nhiều nghiên cứu khác về tác hại của lạm dụng kháng sinh trên trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu trước đây của giáo sư Blaser cũng cho thấy, dùng kháng sinh quá sớm làm xáo trộn các vi khuẩn trong ruột và làm thay đổi sự trao đổi chất vĩnh viễn, khiến cơ thể dễ mắc béo phì hơn.
Nó cũng chỉ ra dùng tylosin liều cao, ngắn ngày có tác dụng làm tăng cân mạnh nhất và kéo dài nhất. Amoxicillin có tác dụng mạnh nhất đối với phát triển xương.
trẻ béo phì cũng có nguyên nhân từ việc lạm dụng kháng sinh.
Các thuốc này không chỉ thay đổi các loại vi khuẩn có trong ruột, mà còn thay đổi số lượng tương đối gen vi sinh vật điều hành một số hoạt động trao đổi chất.
Tylosin tác dụng lên vi khuẩn trong ruột mạnh hơn rất nhiều so với amoxicillin.
Các nhà khoa học tin rằng kháng sinh còn tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi trong dạ dày. Một giả thuyết khác được đưa ra là các thuốc này thay đổi khẩu vị của trẻ, hoặc các tác dụng phụ của nó khiến trẻ lười hoạt động…
Làm gia tăng các ca tử vong do tiêu chảy ở trẻ em:
Phần lớn các bệnh cảm cúm đều là do virus, bởi vậy kháng sinh không những không trị bệnh mà còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Dù vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra một nửa số kháng sinh được kê cho trẻ em để làm giảm viêm đường hô hấp trên do cảm cúm gây ra.
Một nghiên cứu của CDC (Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ) mới đây cho thấy những trẻ dùng kháng sinh để chữa viêm đường hô hấp trên do cảm cúm có nguy cơ nhiễm C.diff., một chủng vi khuẩn xâm lấn kháng kháng sinh cao hơn.
Nghiên cứu này cho thấy 71% số trẻ nhiễm C.diff dùng kháng sinh để chữa các bệnh về đường hô hấp, tai và mũi trong vòng 12 tuần trước khi nhiễm loại khuẩn này.
C.diff thường được tìm thấy trong ruột người, gây tiêu chảy nghiêm trọng, là nguyên nhân của 250.000 ca nhập viện và 14.000 ca tử vong mỗi năm ở cả trẻ em và người lớn.
Làm tăng số ca mắc bệnh lậu không chữa được:
Cùng với C.diff, CDC cũng đang theo dõi sát sao các ca bệnh lậu kháng thuốc.
Bệnh lậu kháng thuốc không chỉ gây đau đớn mà còn dẫn tới bệnh viêm khung chậu, mang thai ngoài tử cung, vô sinh ruột, và nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh.
Chủng lậu Neisseria gonorrhoeae đã trở nên kháng kháng sinh. Chỉ riêng năm 2012, trên toàn nước Mỹ có 334.826 ca bệnh lậu, phần lớn các ca nhiễm mới rơi vào độ tuổi từ 15 tới 24.
Gây dị ứng:
Khi dùng kháng sinh, trẻ em còn nuốt luôn các chất tạo ngọt, phẩm màu, hương liệu và các phụ gia khác.
Một số phẩm màu tương tác với ibuprofen và acetaminophen, là các thuốc hay dùng cho trẻ. Chỉ cần một lượng rất nhỏ phụ gia cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở trẻ mẫn cảm.
Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao:
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Yale (Mỹ) cho biết, trẻ em dưới 6 tháng tuổi uống nhiều kháng sinh dễ mắc hen suyễn khi lớn lên.
Nghiên cứu với 1.400 trẻ em, theo dõi số lần dùng kháng sinh và tiền sử bệnh hen của gia đình ở các trẻ em này.
Kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn 40 % so với trẻ không phải điều trị bằng thuốc trong thời gian này.
Tỷ lệ mắc hen suyễn có thể tăng lên 70% nếu trẻ uống hơn 2 liều thuốc kháng sinh trong thời gian này.
Lý giải điều này các nhà khoa học cho biết, khi kháng sinh vào cơ thể đã diệt một số vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hoá còn rất non nớt của trẻ, khiến trẻ dễ bị dị ứng với bụi và phấn hoa- một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh hen suyễn.
Điều này có thể giải thích tại sao cho dù gia đình (bố mẹ) không có tiền sử hen nhưng trẻ em vẫn có thể bị hen.
Vì vậy, khi trẻ bị ốm, nhất thiết phải khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế, không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc điều trị theo sự mách bảo của những người không có chuyên môn…