“Lái súng” hưởng lợi nhiều nhất ở Syria và Trung Đông: Quốc gia không ai ngờ nhất

Minh Châu |

“Cái rốn” của những dòng vũ khí đổ vào kho tàng của những phần tử chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad không đâu khác chính là từ Bulgaria.

Một dòng vũ khí không rõ ràng xuất phát từ Đông Âu tới Trung Đông từ năm 2013 đã bị các tổ chức quan sát phát hiện. Chúng được lý giải là Mỹ và một số đồng minh, cụ thể là Ả Rập Xê Út và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã mua một lượng lớn vũ khí kiểu Xô Viết nhằm trang bị cho lực lượng đối lập Syria.

Nền tảng sản xuất từ thời kỳ Xô Viết

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bulgaria là một thành viên của Khối Warsaw và Cộng đồng tương trợ kinh tế, vì vậy họ được Liên Xô chia sẻ các dây truyền sản xuất những loại vũ khí theo giấy phép Liên Xô.

Một loạt các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đã được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vũ khí cho quân đội Bulgaria nói chung và xuất khẩu nói riêng.

Điển hình trong số này là tổ hợp công nghiệp quốc phòng Arsenal ở Kazanlak (trước kia gọi là Xí nghiệp máy móc mang tên Friedrich Engels), với chức năng là sản xuất các loại vũ khí cá nhân, súng phóng lựu, súng cối và đạn dược theo tiêu chuẩn Xô Viết.

Một tổ hợp công nghiệp quốc phòng khác cũng có quy mô đáng kể là Vazov (VAZ) ở Sopot, nơi sản xuất các loại tên lửa chống tăng như Malyutka, Fagot, Konkurs và Metis. Ngoài ra, tổ hợp này còn sản xuất các loại lựu pháo, rốc két và súng phóng lựu các cỡ.

Khách hàng thân thuộc của các xí nghiệp vũ khí này là Mỹ, UAE và Ả Rập Xê Út.

Từ năm 2014 - 2016, để trang bị cho quân đối lập Syria, Ả Rập Xê Út đã mua từ Bulgaria một lượng vũ khí khổng lồ bao gồm:

- 19 xe bọc thép MT-LB, 1.295 súng cối, 80 tổ hợp tên lửa chống tăng 9P135M "Fagot", 28 pháo 23 mm ZSU-23-2, 290 súng SPG-9, 736 súng chống tăng ATGL-N (phiên bản RPG-7 của Bulgaria);

- 700 súng RPG-7 kiểu Trung Quốc và 100 súng ATGL đã qua sử dụng, 1.970 súng phóng lựu 40 mm RBG-6, 2.300 súng phóng lựu các cỡ khác, 210 súng máy 14,5 mm, 370 súng máy 12,7 mm, 4.190 súng trung liên, 36.950 súng tiểu liên.

Hoa Kỳ cũng đặt mua 769 súng cối, 227 tổ hợp tên lửa 9K111 "Fagot", 8 tổ hợp 9K115 "Metis" cùng 8 đạn 9M115, 296 súng chống tăng SPG-9, 170 súng chống tăng ATGL-N. Số vũ khí này cũng được trang bị cho lực lượng chống chính quyền Assad tại Syria.

Trong cùng giai đoạn, UAE cũng đặt mua vũ khí ở mức nhỏ và vừa từ Bulgaria nhằm trang bị cho các lực lượng chống Houthi ở Yemen. Số lượng vũ khí này bao gồm 4 tổ hợp tên lửa "Metis", 160 súng máy 14,5 mm, 213 súng chống tăng ATGL.

"Đến từ Bulgaria"

“Lái súng” hưởng lợi nhiều nhất ở Syria và Trung Đông: Quốc gia không ai ngờ nhất - Ảnh 1.

Những hòm đạn 122 mm của pháo phản lực Grad có in dòng chữ "Đến từ Bulgaria" được tìm thấy ở Aleppo, Syria năm 2016. Ảnh: South Front

Đa số các vũ khí ở Bulgaria được đưa sang một quốc gia thứ ba chứ không đến thẳng "khách hàng" của nó.

Cụ thể, theo báo cáo của Bulgaria gửi cơ quan đăng kiểm vũ khí quy ước của Liên Hiệp Quốc thì khách hàng, chủng loại, số lượng vũ khí mà họ xuất khẩu trong 2 năm 2015-2016 như sau:

- Albania: 350 súng cối, 400 súng máy DShK 12,7 mm, 500 súng chống tăng RPG-7 kiểu Trung Quốc.

- Serbia: 1.993 súng cối, 2 tổ hợp tên lửa "Malyutka", 6 pháo 20 mm phòng không, súng phóng lựu tự động AGS, 800 súng phóng lựu RBG-6, 53 súng máy cỡ nòng 14,5 mm KPVT, 277 súng máy cỡ nòng 12,7 mm DShK, 1.385 súng trung liên và 3.009 súng tiểu liên.

- Montenegro: 110 súng máy DShK, 100 súng trung liên.

- Croatia: 1.000 súng phóng lựu RBG-6, 360 súng trung liên.

- Romania: 220 súng chống tăng SPG-9, 1.795 súng chống tăng RPG-7, 191 pháo 23mm ZU-23-2, 98 súng máy 4 nòng 14,5 mm, 276 súng máy phòng không ZPU, 22 súng máy KPV, 240 súng máy DShK.

- Ba Lan: 38 pháo 100 mm, 1 xe bọc thép BRDM-2, 12 tổ hợp tên lửa chống tăng lắp trên khung gầm BRDM-2, 1 pháo phòng không tự hành ZSU-23-4, 8 pháo 23 mm ZU-23-2, 10 pháo hàng không 23 mm loại 2A14, 28 tổ hợp tên lửa "Fagot", 4 tổ hợp tên lửa "Metis", 6 súng chống tăng RPG-7, 23 súng máy KPVT 14,5 mm, 50 súng máy DShK, 90 súng trung liên.

- Cộng hòa Séc: 12 xe BRDM-2, 41 súng chống tăng SPG-9, 1.100 súng trung liên, 8.500 súng tiểu liên.

- Slovakia: 9 xe BMP-1, 33 xe bọc thép không rõ chủng loại, 15 pháo phản lực BM-21, 6 lựu pháo 122 mm, 10 súng phóng lựu tự động AGS-17, 17 súng máy DShK.

- Belarus: 240 tổ hợp tên lửa "Fagot", 140 súng phóng lựu AGS.

- Áo: 1.700 súng tiểu liên, 830 súng trung liên.

- Anh Quốc: 600 súng máy DShK.

Số vũ khí nhập khẩu bởi Serbia, Albania, Montenegro, Croatia, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania, Ba Lan, Anh Quốc sau này lại được tái xuất cho Ả Rập Xê Út hoặc Mỹ. Số vũ khí được Áo đặt mua sau này lại chuyển sang Albania và tái xuất tới Trung Đông.

Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ chi trả lần lượt 239 triệu Euro và 97,8 triệu Euro cho Bulgaria thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí, chiếm tới 1/3 tổng vũ khí xuất khẩu ra nước ngoài của quốc gia Đông Âu này.

Nhờ những hợp đồng này mà trong năm 2016, Bulgaria đã lập kỷ lục về số lượng vũ khí xuất khẩu ra nước ngoài, vượt xa sản lượng thời kỳ Xô Viết.

"Con đường tơ lụa" đẫm máu

“Lái súng” hưởng lợi nhiều nhất ở Syria và Trung Đông: Quốc gia không ai ngờ nhất - Ảnh 2.

Tàu Marianne Danica của một công ty vận tải biển Đan Mạch chở hàng chục tấn hàng được xếp loại Hazard A (vũ khí và chất nổ) từ cảng Burgas, Bulgaria đến cảng Jeddah, Ả Rập Xê Út. Ảnh:South Front

Theo loạt bài điều tra của nhà báo người Bulgaria, Dilyana Gaytanjiyeva, Mỹ và Ả Rập Xê Út đã xây dựng một mạng lưới bí mật rộng khắp nhằm tìm mua vũ khí rồi gửi sang Trung Đông.

Với tiền tài trợ từ Ả Rập Xê Út và các công ty quân sự liên kết với Lầu Năm Góc, mạng lưới này lan tỏa ra các quốc gia Đông Âu, vùng Balkan, Nam Kavkaz để thu thập các vũ khí kiểu Xô Viết (cả cũ lẫn mới) và mua chúng dưới vỏ bọc cung cấp cho các cơ quan an ninh ở Iraq và Afghanistan.

Trên thực tế, số vũ khí này được xuất khẩu bằng đường hàng không sang một vài quốc gia trung chuyển tại Châu Âu, rồi lại được chuyển bằng tàu thủy qua Địa Trung Hải đến Ả Rập Xê Út, Azerbaijan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoặc chúng có thể chuyển thẳng bằng đường hàng không từ Đông Âu về Ả Rập Xê Út, được ngụy trang như các chuyến bay "ngoại giao" đến Jeddah và Riyadh. Năm 2016 và 2017, có đến 23 "chuyến bay ngoại giao" như thế này đã được ghi lại, chuyển hàng tấn vũ khí từ Serbia, Romania và Bulgaria về Ả Rập Saudi.

Các con đường tương tự cũng được Hoa Kỳ sử dụng để vũ trang cho lực lượng người Kurd ở Syria. Ít nhất 300 tấn vũ khí đã được Mỹ chuyển xuyên qua Iraq cho người Kurd.

Vào năm 2014, tình hình của nhà máy Vazov hoàn toàn trái ngược với hiện tại khi nó đang có nguy cơ phá sản với khoản nợ 60 triệu USD và thiếu thốn đơn đặt hàng. Chính quyền Bulgaria không thành công khi cố gắng bán tháo xí nghiệp, còn công nhân thì liên tục đình công.

Bây giờ, nền công nghiệp quốc phòng Bulgaria đã được "tái sinh", làm việc không mệt mỏi nhằm phục vụ nhu cầu của những tay súng nổi dậy vùng Trung Đông nói chung và Syria nói riêng.

Video vũ khí của phiến quân bị Tình báo Syria thu giữ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại