Lại có trẻ cấp cứu vì uống thuốc trừ sâu và cách xử trí giúp trẻ thoát chết

N. Huyền |

Uống nhầm xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axít, thuốc diệt cỏ... là tai nạn nguy hiểm, thường gặp ở trẻ nhỏ. Dù được cảnh báo nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.

 

Lại có trẻ cấp cứu vì uống thuốc trừ sâu và cách xử trí giúp trẻ thoát chết - Ảnh 1.

Loại thuốc khiến bé trai 2 tuổi phải nhập viện cấp cứu

Người lớn sơ sểnh, trẻ em đối diện cái chết

Ngày 21/11/2020, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận, cấp cứu bé trai 2 tuổi nhập viện vì bị ngộ độc thuốc trừ sâu.

Gia đình cho biết, đang chơi phía ngoài nhà đột nhiên nghe bé ho nhiều, sặc sụa, người nhà chạy ra thấy bé cầm lọ thuốc trừ sâu đã mở nắp. Sau đó trẻ nôn nhiều lần ra dịch màu xanh bẩn, có mùi thuốc trừ sâu, gia đình nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Tại phòng cấp cứu bé nhanh chóng được rửa dạ dày, uống hỗn dịch than hoạt tính, truyền dịch thải độc. Bé được nhập viện khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực, tiếp tục uống hỗn dịch than hoạt tính, truyền dịch thải độc.

Lọ thuốc trừ sâu bé uống nhầm được gia đình mang đến bệnh viện là thuốc trừ sâu Emaben có hoạt chất Emamectin benzoate 20g/l. Là một loại thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng diệt các loại sâu bệnh trên cây lúa, rau, cây ăn quả. Hiện tại sau 1 ngày điều trị tích cực sức khỏe của bé đã được cải thiện, không nôn, ăn uống tốt.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Trước đó, vào trung tuần tháng 4 chỉ trong 3 ngày liên tiếp (từ 17- 19/4), Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng tiếp nhận 2 bé Triệu Ngọc A (2 tuổi) và bé Triệu Kim H (4 tuổi) ở Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh nhập viện vì uống nhầm dẫn đến ngộ độc thuốc diệt trừ sâu, thuốc diệt cỏ.

Gia đình cho biết trước đó bé uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đựng trong một chai nước ngọt. Sau đó gia đình phát hiện nên đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, sau khi xác định được hoạt chất hóa chất gây ngộ độc ở trẻ, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu rửa dạ dày, bơm than hoạt tính và theo dõi biến chứng của hóa chất với các cơ quan nội tạng của trẻ. Rất may, cả hai trẻ đến viện sớm nên được cấp cứu kịp thời.

Để thuốc ngoài tầm với, không đựng vào chai nước ngọt

Nói về hai trường hợp trẻ uống nhầm thuốc trừ sâu, diệt cỏ mà bệnh viện từng cấp cứu, bác sĩ Phí Xuân Thi, Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh cho biết, khi mới uống vào, cơ thể trẻ chưa có biểu hiện gì ngoài rát họng. Tuy nhiên, nếu trẻ đến viện muộn, không kịp rửa dạ dày thì có thể độc chất đi vào trong máu nhiều, gây tổn thương các cơ quan như thần kinh, gan, thận,..

Thông thường, trẻ uống nhầm hóa chất sẽ ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt (loại chất độc có tính ăn mòn). Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.

Do đó, cha mẹ khi thấy trẻ uống nhầm hóa chất cần xử trí bình tĩnh, tránh hoảng loạn để hành động chính xác. Sai lầm trong sơ cứu có thể khiến tình trạng người bệnh trầm trọng hơn, để lại di chứng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều đáng lưu ý đó là các bậc phụ huynh cần giữ lại vỏ thuốc, hộp chứa các dung dịch uống phải và mang theo khi đi cấp cứu để các bác sĩ có hướng xử lý phù hợp.

Ngoài ra, với mỗi loại uống nhầm thì có cách xử lý khác nhau. Đối với trường hợp uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa: Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được gây nôn. Nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.

Nếu trẻ uống nhầm thuốc diệt cỏ thì lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Theo đó, người nhà cần cho trẻ uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu trẻ thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó cho trẻ uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.

Để tránh trẻ bị ngộ độc với hoá chất nêu trên, các bác sĩ lưu ý phụ huynh cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc ở trẻ nhỏ, như: Để thuốc và hóa chất ngoài tầm với của trẻ; đóng chặt nắp chai, hộp để trẻ không dễ dàng mở được; không để hóa chất trong vỏ chai các loại nước uống; luôn có người giữ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì tuổi này trẻ rất thích tìm hiểu thế giới xung quanh và “thử” bất cứ thứ gì trẻ cầm được.

Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn, không nên để thuốc, hóa chất gần thức ăn, thức uống; không cất giữ hóa chất nếu không cần đến; không đựng trong các chai nước ngọt tránh trẻ uống nhầm đặc biệt không nói dối với trẻ thuốc là kẹo, vì sau này trẻ nghĩ các loại thuốc là kẹo, có thể ăn và bị ngộ độc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại