Nhiều bộ phận làm thuốc
TS.DS Nguyễn Thành Triết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3), cho biết, đu đủ là loại cây dễ trồng, phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, cho nhiều quả có năng suất cao. Quả đu đủ là loại trái cây phổ biến, có nhiều giá trị dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như các tiền tố vitamin A, vitamin B5, vitamin B6, vitamin E, acid folic…
Nhiều bộ phận khác nhau của cây đu đủ đều được sử dụng làm thuốc như: lá, hoa, hạt, rễ,….
Theo kinh nghiệm dân gian, lá đu đủ được sử dụng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Trong lá đu đủ có chất carpain có tác dụng làm chậm nhịp tim.
Hoa đu đủ
Chất mủ trắng của đu đủ có chứa một loại enzyme gọi là "papain" có khả năng thủy giải protein và thường được sử dụng để làm mềm thịt, dùng trong trường hợp khó tiêu, nấm ngoài da.
Ở Việt Nam, theo tài liệu "Những cây thuốc và vị thuốc của Việt Nam" của GS. Đỗ Tất Lợi, người dân thường sử dụng nhựa đu đủ để làm thuốc trị giun như giun kim, giun đũa, sán lợn nhưng nhựa đu đủ lại không có tác dụng với giun móc.
Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận. Trong dân gian dùng nước hãm từ rễ cây đu đủ giúp điều trị các bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc.
Hạt đu đủ cũng cho thấy khả năng kháng khuẩn mạnh. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn có thể dùng để chữa bệnh ho, viêm ống phổi, mất tiếng.
Tác dụng "diệt" ung thư chỉ là tế bào ngoài cơ thể
Dược sĩ Triết cho biết, đu đủ vừa là thực phẩm vừa là một dược liệu đa chức năng. Tuy nhiên, các tài liệu ghi nhận trước kia đều không đề cập đến tác dụng điều trị ung thư của lá và hoa đu đủ. Thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng lá và hoa đu đủ, đặc biệt là hoa đu đủ được được xem là một 'thần dược' có tác dụng chữa nhiều loại ung thư khác nhau.
TS.DS Triết khẳng định: "Sau khi tìm các tài liệu trong nước và nước ngoài về hoa đu đủ đực, kết quả cho thấy hầu như các nghiên cứu về khả năng 'diệt' ung thư của lá và hoa đu đủ đực đều là các thử nghiệm in vitro (nghiên cứu trong phòng thí nghiệm) trên các dòng tế bào ung thư được nuôi cấy bên ngoài cơ thể sống.Chưa có nhiều nghiên cứu trên cơ thể động vật (trừ một báo cáo nghiên cứu trên chuột từ nhóm nghiên cứu tại Hà Tĩnh) và đặc biệt không thấy các nghiên cứu trên người (nghiên cứu lâm sàng).
Các nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài cho thấy lá đu đủ có tác dụng ức chế trung bình trên một số dòng tế bào ung thư nuôi cấy in vitro và đều kiến nghị cần phải có những nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định".
Về liều sử dụng, các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy lá đu đủ ít độc, chưa tìm thấy liều gây độc tính cấp.
"Đối với hoa đu đủ, các kết quả nghiên cứu hiện nay chủ yếu đến từ Việt Nam và chưa có sự thống nhất với nhau.Chẳng hạn nghiên cứu của nhóm tác giả ở TPHCM và Hà Tĩnh đều đi đến kết luận caochiết ethanol của hoa đu đủ không thể hiện hoạt tính gây độc trên các dòng tế bào ung thư được thử nghiệm.
Trong khi nghiên cứu của nhóm tác giả tại Đà Nẵng lại cho thấy caochiết phân đoạn của dược liệu này có tác dụng trung bình trên một số dòng tế bào ung thư được thử. Nguyên nhân có thể donguồn nguyên liệu, cách chuẩn bị cao chiết và nồng độ thử khác nhau", dược sĩ Triết nói.
Dược sĩ Triết cũng khẳng định chưa đủ căn cứ khoa học cho việc sử dụng hoa đu đủ đực để chữa ung thư. Hiện nay, độc tính của lá và hoa đu đủ chưa được đánh giá đầy đủ. Mọi người vẫn có thể dùng lá và hoa hãm trà uống theo liều thông thường khoảng 4-12g/ngày trong một khoảng thời gian nhất định (không uống thay nước).
Lưu ý, trẻ em, phụ nữ có thai và người bị loét dạ dày không nên sử dụng nước trà làm từ hoa và lá đu đủ. Khi sử dụng lá và hoa đu đủ cho mục đích điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh thì người dân cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền để có cách sử dụng phù hợp.