Lá bài cao tay của Nga chặn đứng khả năng S-400 lọt vào tay Mỹ qua “nước cờ” Thổ Nhĩ Kỳ

Vũ Thu Hương |

Khách hàng không thể chuyển giao hoặc tái xuất khẩu những vũ khí mua từ Nga sang nước thứ ba nếu thiếu giấy phép chính thức từ Nga, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga hôm 30/6 ra thông cáo cho biết trước ý kiến Thổ Nhĩ Kỳ có thể bán S-400 cho Mỹ.

Theo Defense News, khi mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục căng thẳng vì Ankara mua hệ thống S-400 của Nga , đề xuất thành viên NATO bán lại hệ thống phòng thủ tân tiến này cho Mỹ gây nhiều tranh luận.

Thượng nghị sĩ Mỹ Whip John Thune mới đây đưa ra đề xuất chỉnh sửa Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng 2021 theo hướng cho phép Mỹ mua hệ thống tên lửa S-400 dưới danh nghĩa mua sắm tên lửa cho lục quân.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch đề xuất một thay đổi cứng rắn hơn với việc áp dụng Đạo luật CAATSA đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 30 ngày kể từ khi thông qua Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng.

Đạo luật CAATSA do Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8/2017, ủy quyền cho chính quyền Mỹ trừng phạt các bên có giao dịch lớn với những bên thuộc chính quyền Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo.

Động thái này diễn ra một năm sau khi Mỹ loại đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 đa quốc gia vì Ankara nhận hệ thống phòng không của Nga theo thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD.

Mỹ vẫn thường mua công nghệ nước ngoài nên có thể khai thác công nghệ của S-400 và thử nghiệm các chiến thuật của Mỹ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chịu hợp tác thì mối quan hệ giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục trở ngại, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Townsend nhận định.

"Tôi cho rằng việc Mỹ mua tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là cách hay để đưa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ra khỏi tình trạng mắc kẹt mà ông ấy tự đặt vào. Chúng ta chỉ muốn lấy hệ thống đó khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép nước này tham gia vào chương trình F-35 trở lại", ông Jim Townsend phân tích.

Tuy nhiên, Nga khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không được tự ý tái xuất khẩu tên lửa S-400.

"Để xuất khẩu sản phẩm quốc phòng, khách hàng mua vũ khí của chúng tôi phải cung cấp tờ khai người dùng cuối cho phía Nga. Đó là lý do khách hàng không thể chuyển giao hoặc tái xuất khẩu những khí tài đó sang nước thứ ba nếu thiếu giấy phép chính thức từ Nga", Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga hôm 30/6 ra thông cáo cho biết.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga khiến Mỹ nổi giận. Washington nhiều lần yêu cầu Ankara chấm dứt hợp đồng, phá hủy hoặc trả lại những tổ hợp S-400 đã nhận.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận yêu cầu và quyết vận hành hệ thống S-400. Washington đáp trả bằng cách gạt Ankara khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35.

Washington cũng rút lại đề xuất bán các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đe dọa mua tiêm kích Nga để thay thế F-35 và cảnh báo đóng cửa hai căn cứ chiến lược của Mỹ trên lãnh thổ nước này.

Liên quan tới đề xuất của ông Thune, thư ký báo chí của đảng cầm quyền AKP Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik hôm 30/6 nói rằng không có căn cứ pháp lý nào để Ankara có thể tái xuất khẩu S-400 sang Mỹ. Ông Celik nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "người dùng cuối" của hệ thống phòng không và vì vậy, không có bất cứ cơ sở nào để nước này bán lại hệ thống vũ khí.

Mỹ có bị ảnh hưởng nếu cấm Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất F-35?

Việc Washington gạt Ankara ra khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35 đang làm dấy lên câu hỏi: Liệu chương trình sản xuất máy bay này có bị ảnh hưởng nhiều khi Thổ Nhĩ Kỳ bị rút khỏi cuộc chơi?

Lá bài cao tay của Nga chặn đứng khả năng S-400 lọt vào tay Mỹ qua “nước cờ” Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 2.

S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) hiện được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất


Bàn luận về vấn đề này, một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ, Mỹ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sản xuất các bộ phận chính của tiêm kích tàng hình F-35 từ Thổ Nhĩ Kỳ tới năm 2022, theo Bloomberg.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục bị cấm mua tiêm kích F-35 sau khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, quyết định được đưa ra cuối năm 2019 là "tôn trọng các sắp xếp theo hợp đồng hiện hành và chấp nhận chuyển giao các bộ phận đã có trong hợp đồng", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Andrews cho hay.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, mục đích của động thái này là để "tránh chấm dứt hợp đồng tốn kém, gây rối loạn và lãng phí".

Phát ngôn viên Mike Andrews cũng thông tin thêm, các nguồn thay thế "đã được xác định cho tất cả các bộ phận do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và sẽ được sử dụng khi hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ hết hiệu lực và vật liệu được chuyển giao".

Hiện có 10 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia sản xuất các bộ phận của tiêm kích F-35, trong đó có phần thân máy giữa do công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, theo phân tích năm 2018 của Bloomberg.

Các dữ liệu của Lầu Năm Góc cho thấy, các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 817 trong tổng số gần 24.000 loại bộ phận máy bay và 188 trong tổng số 3.000 loại bộ phận động cơ.

S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) hiện được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 4,8 km/s.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại