Ký ức về dịch SARS và câu chuyện y đức sáng ngời của nhân viên y tế trong các mùa dịch

Ngọc Anh |

PGS Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, sự hy sinh của bác sĩ thường là hy sinh thầm lặng, hầu như không ai được khắc ghi chiến công.

Người ta chỉ quan tâm tới mặt trái

Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 với đội ngũ nhân viên bác sĩ trong bối cảnh thiếu thốn các trang thiết bị bảo hộ, phòng dịch là rất cao.

Theo TS Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự trước những con số đồng nghiệp ở Trung Quốc lây bệnh và tử vong, ai cũng buồn. Nhưng đốira tuyến đầu của dịch bệnh luôn là nhiệm vụ.

Vào vụ dịch sởi năm 2014, TS Hùng là người chứng kiến rất nhiều y, bác sĩ có con bị sởi đành để con ở nhà với bố, ông bà đã già và lao vào bệnh viện để cứu con của những người khác. Những người làm nghề y, khi bước vào cổng trường y học đã xác định sẵn sàng phải hi sinh, phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Ký ức về dịch SARS và câu chuyện y đức sáng ngời của nhân viên y tế trong các mùa dịch - Ảnh 1.

BS Lý Văn Lượng người cảnh báo dịch Covid - 19 đầu tiên đã qua đời do chính virus Corona mới

TS Hùng buồn bã vì từ xưa tới nay truyền thông thường khai thác những mặt chưa tốt của xã hội để đáp ứng thị hiếu của người đọc, tin người tốt việc tốt ít người quan tâm hơn. Về y tế, người ta chỉ thích bới móc tai biến này nọ nhưng gương người tốt việc tốt rất ít.

TS Hùng kể cách đây 3- 4 năm, có ca cấp cứu bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 vào viện trong tình trạng ngừng tim. Lúc đó, GS Nguyễn Gia Bình còn làm trưởng khoa Hồi sức tích cực gọi điện cho TS Hùng thông báo có ca bệnh nhiễm A/H1N1 vào cấp cứu.

Bệnh nhân này là nhà báo. Khi TS Hùng đến thì GS Bình đang cố ép tim còn TS Hùng nhanh chóng mở động mạch đùi để chạy ECMO cho bệnh nhân. Trên người không có phòng hộ nào thậm chí khẩu trang, găng tay. Trong tình trạng cấp cứu từng giây, từng phút, bác sĩ phải tranh thủ cứu người bệnh họ bất chấp nguy cơ lây bệnh.

TS Hùng cho biết, các bác sĩ có thể mang virus cho cả gia đình. Lúc cứu bệnh nhân không ai nghĩ đến chuyện được bệnh nhân cảm ơn, được nhận phong bì như thế nào. Tất cả nhân viên y tế khi xác định thi vào trường y họ đều xác định đức hi sinh. Nhưng khi bệnh nhân khỏi bệnh thì không ít người lại chỉ chăm chăm hỏi xem bồi dưỡng, cảm ơn bác sĩ như thế nào?

Y đức chưa bao giờ xuống cấp

PGS Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ sự hi sinh của bác sĩ thầm lặng và hầu như không ai được khắc ghi chiến công của mình.

Tại Việt Nam, PGS Duệ cho biết khi nghe thông tin về dịch Covid- 19 xảy ra trên thế giới, qua thông tin báo chí, tài liệu và cả những thông tin trên truyền hình đang phát đi phát lại hàng ngày, ký ức về dịch SARS trong PGS Duệ lại sống lại.

Ký ức về dịch SARS và câu chuyện y đức sáng ngời của nhân viên y tế trong các mùa dịch - Ảnh 3.

Bác sĩ có thể hi sinh vì nghề nghiệp nhưng đều bị lãng quên

PGS Duệ không khỏi xót xa mỗi khi nghe câu cửa miệng của nhiều người thậm chí người có chức có quyền trong xã hội ta là "y đức xuống cấp".

Mỗi lần có sự cố y khoa nào đó người ta nhắc đi nhắc lại vấn đề y đức xuống cấp. Điều đó ít nhiều khiến các bác sĩ day dứt.

PGS Duệ cho biết, trong dịch SARS cách đây 17 năm, may mắn là dịch SARS xảy ra đầu tiên ở Bệnh viện Việt Pháp đã giúp hạn chế sự lây lan rộng và có chuyên gia WHO giúp nhận diện bệnh sớm.

Lúc ấy, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khoanh vùng cách ly sớm không nhận bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Pháp sang mà cử nhân viên của bệnh viện là các trưởng phó khoa hệ hồi sức, cấp cứu, chống độc sang tăng cường, góp ý tham gia điều trị tại Bệnh viện Việt Pháp.

Đồng thời Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị khu cách ly để tiếp nhận các bệnh nhân người Việt lây nhiễm từ bệnh nhân đầu tiên đến từ Hồng Kông, lên sẵn phương án điều trị với các nguyên tắc:

1) Khoanh vùng cách ly, cả khu vực của viện các bệnh nhiệt đới cũng trở thành khu vực cách ly khi nhận bệnh nhân SARS.

2) Bảo vệ nhân viên bằng các trang bị bảo hộ kín như quần áo giấy và khẩu trang y tế

3) Làm giảm mật độ và diệt virus bằng mở cửa tận dụng nắng gió

4) Với người bệnh: điều trị triệu chứng, bảo đảm, dinh dưỡng, vitamin nâng thể trạng

Chống nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng sinh mạnh liều cao phổ rộng ngay từ đầu, hạn chế đặt nội khí quản bằng thở máy không xâm nhập.

Nhờ đó, tất cả các bệnh nhân nhiễm SARS vào Viện bệnh nhiệt đới (lúc đó còn trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai) đều khỏi bệnh, các nhân viên y tế không ai bị lây bệnh. Trước thành công ngăn chặn dịch SASR của Việt Nam, thế giới còn thán phục.

Dịch SARS năm 2003 đã khiến 2 bác sĩ và 2 y tá Việt Nam tử vong. Các nhân viên y tế hy sinh trong khi chăm sóc bệnh nhân không được công nhận liệt sĩ cũng như chế độ gì đặc biệt và chiến thắng dịch SARS nhanh chóng bị lãng quên, thay thế vào đó là sự nhắc nhở về "y đức xuống cấp".

PGS Duệ khẳng định, y đức Việt Nam chưa bao giờ xuống cấp mà luôn luôn sáng ngời. Một số cá nhân, một vài hiện tượng tiêu cực đều bị đổ cho cái gọi là y đức xuống cấp kể cả thiếu giường thiếu thuốc là không đúng.

"Tôi muốn hét lên vạn lần không, y đức Việt Nam luôn luôn ngời sáng trong trái tim các bác sĩ y tá chân chính và trong con tim, ánh mắt các bạn bè thế giới" – PGS Duệ chia sẻ.

Và giờ đây, trong cơn khủng hoảng dịch Covid-19, cả ngành y Việt Nam bình tĩnh, bản lĩnh và sáng tạo trong cuộc chiến với bệnh dịch. Một lần nữa, y đức Việt Nam và cả trí tuệ thầy thuốc Việt Nam, một lần nữa lại đang thăng hoa.

Ký ức về dịch SARS và câu chuyện y đức sáng ngời của nhân viên y tế trong các mùa dịch - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại