Kỹ sư Lê Xuân Cảnh, Phó phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế, là một trong thành viên của đội hình hơn 600 thầy thuốc BV Bạch Mai xây dựng, vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) COVID-19 tại TP.HCM, trung tâm được Bộ Y tế giao BV Bạch Mai trực tiếp quản lý và điều hành những ngày chống đại dịch.
Đại dịch COVID-19 - kỹ sư lên đường vào Nam
"Nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo BV, tôi và 3 cán bộ của phòng nghĩ rằng mình vào TP.HCM chỉ vài ngày, nhiều nhất là 1 tuần. Công việc chính là khảo sát và thiết kế trung tâm hồi sức tích cực. Thế rồi, đằng đẵng gần 3 tháng, chúng tôi miệt mài làm việc đến khi Trung tâm Hồi sức tích cực được bàn giao lại cho địa phương", kỹ sư Cảnh mở đầu câu chuyện.
Những ngày "nóng bỏng" của tháng 7/2021, ngoài Hà Nội bộn bề với công việc phòng và chống dịch ngay tại bệnh viện, kỹ sư Cảnh cùng đồng nghiệp không bỏ sót bất kỳ thông tin nào từ TP.HCM qua các phương tiện truyền thông. Lòng như lửa đốt. Vốn đã quen với các "chiến trường" Hải Dương, Bắc Giang, Điện Biên, "tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần có lệnh là lên máy bay vào Nam".
Bồn oxy lỏng và dàn hóa hơi đảm bảo công suất 45.000-46.000 lít /phút của Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 Bạch Mai tại TP.HCM.
Một ngày cuối tháng 7, nhận được lệnh của lãnh đạo BV và lãnh đạo Phòng Vật tư trang thiết bị y tế, kỹ sư Cảnh về nhà chào tạm biệt vợ, con. "Chồng chỉ đi TP.HCM nhiều nhất là 1 tuần, rồi trở ra ngay", anh Cảnh động viên gia đình trước lo lắng của vợ.
"Hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cảm giác buồn xâm chiếm. Trái tim như bị bóp nghẹt. Thành phố vắng. Tôi ngồi thu mình, bó gối chờ xe đến đón.
Phía xa, 1 xe cứu thương hú còi, chạy dẫn đường. Phía sau khoảng 10 xe 45 chỗ, kéo thành đoàn dài. Khi gặp người đến đón, tôi buột miệng: "TP đang phong tỏa sao có nhiều xe chở khách du lịch?! - Xe đưa người đến bệnh viện thu dung, điều trị COVID đấy! Lòng tôi quặn thắt. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận khi nhớ về sự "ngây thơ" của mình hôm đó".
Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 thuộc BV Bạch Mai được xây dựng trên nền nhà xưởng đóng tàu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trước đó, TP. HCM đã cải tạo thành Bệnh viện Dã chiến số 16 là nơi thu dung người bệnh COVID-19 (những người mắc bệnh nhẹ - ở tầng 1 trong mô hình tháp 3 tầng điều trị của Bộ Y tế). Vì vậy cơ sở vật chất của nơi này chỉ có giường Inox và một số đầu ra lấy khí oxy dạng dây dẫn mềm sử dụng cho bệnh nhân thở oxy kính.
Qua khảo sát nhanh, kỹ sư Cảnh và các cộng sự nhận thấy buồng bệnh không phù hợp với Trung tâm Hồi sức tích cực để điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch COVID-19 mà Bộ Y tế giao cho Bạch Mai điều hành.
Những ngày đầu tiên các kỹ sư đã làm việc với bác sĩ xin ý kiến chuyên môn phác đồ điều trị nhằm tìm hiểu về nhu cầu cần phải có khí y tế cho Trung tâm ICU 500 giường. Nhằm thiết lập hệ thống khí trung tâm y tế, lãnh đạo BV Bạch Mai tin tưởng tín nhiệm giao cán bộ Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế của bệnh viện trực tiếp thiết kế, giám sát thợ thi công.
Trước đó, một số bệnh viện của TP.HCM đã xây dựng hệ thống khí y tế nhưng chỉ dành điều trị cho bệnh thông thường, hệ thống đường dẫn khí oxy quá nhỏ, làm sụt áp khí oxy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị bệnh nhân đang thở máy.
Vùi mình ở phòng, sau 3 ngày, 4 kỹ sư của BV Bạch Mai đã có thiết kế tổng thể Trung tâm Hồi sức tích cực và hệ thống khí cho Trung tâm trình lãnh đạo BV và lãnh đạo TP. HCM. Trong đó, các kỹ sư đề xuất xây cùng lúc 3 bồn oxy y tế lớn: 22 m3; 30m3 và 1 bồn 7 m3.
Giải thích về điều này, kỹ sư Cảnh nói: "Trước đó, một số bệnh viện của TP.HCM đã xây dựng hệ thống khí y tế nhưng chỉ dành điều trị cho bệnh thông thường, hệ thống đường dẫn khí oxy quá nhỏ, làm sụt áp khí oxy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị bệnh nhân đang thở máy. Thêm nữa, trong điều trị bệnh nhân COVID, oxy y tế luôn không được ngắt quãng và phải có 1 bồn dự phòng".
Khu điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 có 4 khối nhà, quy mô 3.000 giường, trong đó có 500 giường bệnh ICU để điều trị bệnh nhân nặng trên nền cơ sở hạ tầng sẵn có của Bệnh viện dã chiến số 16 TP.HCM.
Trong điều trị bệnh nhân COVID, hệ thống khí trung tâm y tế được coi như "trái tim" của cơ sở điều trị. Hệ thống khí trung tâm này có 3 phần: oxy y tế, khí nén và chân không.
"Oxy và khí nén là quan trọng nhất. Oxy y tế rất cần cho bệnh nhân COVID. Bởi liên quan đến máy thở dòng cao. Với bệnh COVID-19, bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, nồng độ oxy trong máu sụt giảm dễ hôn mê sâu. Do vậy, kiểm soát tốt công suất của oxy y tế được quan tâm đặc biệt", kỹ sư Cảnh nói.
Yêu cầu được lãnh đạo bệnh viện đề ra là phải đủ công suất, đủ áp lực đảm bảo cho hệ thống ICU 500 giường hoạt động đồng thời. Không được ngắt quãng. Không được để sụt áp khí oxy ảnh hưởng đến quá trình thở máy của bệnh nhân.
Hệ thống bồn và công suất khí y tế đáp ứng đủ nhu cầu cho 500 máy thở oxy dòng cao (HFNC) hoạt động cùng lúc. "Chúng tôi đã thiết kế hệ thống khí y tế đảm bảo tiêu chuẩn tốt nhất. Lưu lượng đạt 60-80 lit/phút/bệnh nhân. Công suất của hệ thống khí trung tâm lên tới 45.000 – 46.000 lít/phút", kỹ sư Cảnh kể lại với giọng đầy tự hào.
Hệ thống máy được đưa vào Nam tập kết chuẩn bị lắp đặt.
Đảm bảo yêu cầu cao nhất trong điều trị bệnh nhân COVID nặng phải thở oxy dòng cao (HFNC) là một bài toán rất khó khăn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Khó nhất khi xây dựng Trung tâm này là thời điểm đó TP.HCM đang phong tỏa toàn bộ. Mua vật tư để thi công rất khó. "Nhân công không tìm được, vật tư rất hiếm, nguy cơ chậm tiến độ là hiện hữu. Chúng tôi đã vận dụng các mối quan hệ, tìm thêm nguồn lực đảm bảo thi công ngày đêm" - anh Cảnh nói.
Sau 6 ngày đêm liên tục làm việc cùng với hàng trăm công nhân của các nhà thầu, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 do BV Bạch Mai trực tiếp xây dựng, vận hành đi vào hoạt động trong sự chờ đón của bệnh nhân và lãnh đạo TP.
Ngày đầu tiên Trung tâm đi vào hoạt động, cả 1 dãy dài hơn cây số là xe cấp cứu xếp hàng đưa bệnh nhân đến. Chúng tôi hiểu, một ngày sớm đưa đơn vị hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID vào hoạt động là thêm nhiều người dân có cơ hội được cứu sống.
Sau khi Trung tâm đón những bệnh nhân đầu tiên vào điều trị, một thông báo từ phía nhà thầu xây dựng cho biết, 2/3 công nhân xây dựng mắc COVID-19 phải đến cơ sở y tế điều trị.
"Nhận tin chúng tôi bàng hoàng. Vì cả quá trình xây dựng, phải tranh luận, trao đổi nên anh em bỏ khẩu trang nói chuyện cùng công nhân. Nay nghe tin vậy, tất cả đều lo lắng. Rất may, sau 2 tuần thực hiện xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ chúng tôi đều âm tính và lại lao ngay công việc đang bộn bề" - vị kỹ sư nhớ lại.
Không chỉ tham gia thiết kế hệ thống khi trung tâm, 4 cán bộ đầu tiên của Phòng Vật tư- Trang thiết bị y tế BV Bạch Mai đã tham gia tư vấn, thiết kế lập Trung tâm Xét nghiệm trên cơ sở của 3 khoa Hóa sinh, Huyết học, Vi sinh ngay tại Trung tâm.
Sau 4 ngày, các chuyên gia đã triển khai đầy đủ các xét nghiệm cơ bản phục vụ bệnh nhân ngay tại Trung tâm mà không phải gửi mẫu xét nghiệm đến nhờ đơn vị bạn. Chỉ ít ngay sau một hệ thống labo xét nghiệm PCR được lắp đặt ngay tại chỗ giúp Trung tâm chủ động hoàn toàn việc xét nghiệm cho bệnh nhân cũng như toàn bộ nhân viên y tế.
Kỹ sư đi buồng
Khi Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai tại TP.HCM đi hoạt động chính thức từ 11/8/2021, BV điều động tăng cường thêm 3 kỹ sư và 1 điều dưỡng nâng nguồn nhân lực của Phòng Vật tư thiết bị y tế lên 8 người trực tiếp vận hành, sửa chữa hàng nghìn máy móc, trang thiết bị y tế.
Các cuộc giao ban chớp nhoáng trong những đại dịch.
Sau thời gian xây dựng "thần tốc", Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc BV Bạch Mai đã có đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại nhất để điều trị cho người bệnh như hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục, máy phá rung tim, máy ép tim, máy X-Quang di động, máy siêu âm Dopller màu, máy thở chức năng cao, máy HFNC, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy theo dõi bệnh nhân… và rất nhiều các trang thiết bị khác nâng tổng số các trang thiết bị lên đến hơn 1.000 thiết bị và hàng nghìn hạng mục vật tư tiêu hao và hóa chất cần thiết cũng được tiếp nhận và tập trung để phục vụ điều trị cho người bệnh.
"Vật tư tiêu hao của trang thiết bị như hệ thống ECMO, lọc máu liên tục… sử dụng trong những ngày chống dịch rất tốn kém. Một tháng sử dụng tại Trung tâm ở TP.HCM bằng cả năm BV Bạch Mai ngoài Hà Nội sử dụng. Tốn rất nhiều về các xét nghiệm, vật tư tiêu hao", kỹ sư Cảnh nhớ lại.
Chính vì vậy việc quản lý, cấp phát vật tư tiêu hao và sửa các trang thiết bị y tế đảm bảo vận hành thường xuyên, liên tục điều trị cho bệnh nhân là yêu cầu quan trọng nhất của các kỹ sư. 8 cán bộ Phòng Vật tư - TTBYT chia lịch đi buồng hàng ngày trong khu ICU để kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các loại máy để có thể tối ưu hóa việc sử dụng trang thiết bị. Sắp xếp các trang thiết bị đã sử dụng xong vào các kho máy để vệ sinh bề mặt và kiểm tra máy để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân khác.
Hỗ trợ xử lý tại chỗ những máy gặp sự cố hoặc báo lỗi, hướng dẫn vận hành một số trang thiết bị y tế cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên để vận hành đúng các bước, đảm bảo máy hoạt động tốt nhất, đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Từ những tính chất đặc thù của công việc 8 kỹ sư luôn luôn đảm bảo 100% ứng trực không có ngày nghỉ.
"Ngoài giờ làm hành chính chúng tôi phân lịch trực 2 người/đêm để đảm bảo công việc cấp phát trang thiết bị y tế cũng như vật tư tiêu hao khi có nhu cầu của bên chuyên môn", anh Cảnh nói.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có một số vật tư tiêu hao phục vụ thở oxy dòng cao (HFNC) tại thời điểm đó không mua được hàng và giá quá cao. Từ bất cập đó kỹ sư ở vùng dịch tự mày mò nghiên cứu cải tiến thành công bộ dây thở từ dùng được một lần thành dùng được nhiều lần, đảm bảo không bị nhiễm khuẩn chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân kia, làm giảm chi phí cho bệnh viện và bệnh nhân hàng tỷ đồng.
"Y lệnh của kỹ sư vào vùng dịch là không được để bệnh nhân thiếu máy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đó là yêu cầu của lãnh đạo BV đặt ra cho chúng tôi. Bác sĩ điều trị bệnh nhân. Kỹ sư điều trị cho máy. Công việc vất vả, thầm lặng là khối cận lâm sàng, trong đó có những kỹ sư vận hành trang thiết bị y tế", kỹ sư Cảnh trầm ngâm.
BV Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt. Trong 4 làn sóng dịch COVID-19 xảy ra năm 2021, thầy thuốc của bệnh viện đã có mặt tại các "điểm nóng", thiết lập hàng loạt kỷ lục về thời gian thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, khi đó là Phó giám đốc BV Bạch Mai có mặt tại Điện Biên trực tiếp chỉ đạo thiết lập đơn vị ICU
Tại tỉnh miền núi Điện Biên, khi đó giáp Tết Tân Sửu, doanh nghiệp đã nghỉ Tết sớm vì có dịch. Vật tư không có để thi công, muốn thuê nhân công cũng không có. PGS.TS Đào Xuân Cơ khi đó là Phó giám đốc BV Bạch Mai đã chỉ đạo cán bộ Phòng Vật tư- TTBYT với sự giúp đỡ của ngành hàng không, thiết lập "cầu hàng không" vận chuyển ống đồng, mỏ hàn, bình oxy... từ Hà Nội lên. Sau 12 tiếng, với sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân Trung tâm ICU ở Điện Biên sớm hoàn thành.
Các Trung tâm ICU do Bạch Mai đảm trách như ở Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương hay cả nước bạn Lào đều có dấu ấn của kỹ sư trang thiết bị y tế.