Kinh nghiệm thực chiến ở Syria được Nga áp dụng trong tập trận CETER-2019 như thế nào?

Trịnh Ngọc Tiến |

Trong cuộc diễn tập Center-2019 vừa diễn ra, QĐ Nga lần đầu sử dụng chiến thuật đổ bộ đường không tập thể và một số chiến thuật dựa trên những kinh nghiệm thực chiến ở Syria.

Theo hãng tin Nga TASS cung cấp thông tin cho biết: Cuộc tập trận chỉ huy - tham mưu chiến lược Center-2019 (Trung tâm-2019) có 128.000 binh sĩ, hơn 20.000 loại vũ khí và thiết bị quân sự, khoảng 600 máy bay và 15 tàu chiến các loại. Các bài tập trận chính trong Center-2019 sẽ được diễn ra tại 8 thao trường.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chỉ riêng tại 3 thao trường Donguz, Totsky và Adanak thuộc lãnh thổ phần châu Âu của Nga, sẽ có tới 12.950 binh lính, trong đó có 10.700 binh sĩ Nga và 2.250 binh lính từ các nước; 250 xe tăng, 450 xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân, 200 khẩu pháo được triển khai.

Tổng thống Nga Putin và nhiều quan chức cấp cao của Nga và Kyrgyzstan đã tham quan cuộc diễn tập.

Cuộc tập trận Center-2019 được chia thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu là tập trận chống khủng bố, đẩy lùi các cuộc không kích, trinh sát và hoạt động phòng thủ. Sang giai đoạn hai, lực lượng tham gia tập trận sẽ chuyển sang thế tấn công để đánh bại kẻ thù giả định.

Kinh nghiệm thực chiến ở Syria được Nga áp dụng trong tập trận CETER-2019 như thế nào? - Ảnh 2.

Cuộc tập trận Center-2019

Lần đầu tiên sau thời Liên Xô, tiến hành đổ bộ đường không cấp chiến dịch

Trong cuộc diễn tập này, Quân đội Nga đã đưa vào thử nghiệm nhiều chiến thuật hoàn toàn mới, dựa trên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn tại chiến trường Syria.

Vào ngày thứ 5 của cuộc diễn tập, hơn hai nghìn lính nhảy dù và 200 xe bọc thép đã thực hiện cuộc đổ bộ đồng loạt. Lần đầu tiên quân đội Nga thực hiện một cuộc đổ bộ với đầy đủ quân số, vũ khí, trang bị quân sự cấp lữ đoàn trong cùng một thời gian.

Theo bình luận của kênh truyền hình Zvezda (Nga), đây là cuộc đổ bộ đường không lớn nhất trong lịch sử quân đội Nga.

Không quân Nga đã huy động 71 máy bay vận tải quân sự hạng nặng Il-76, 1 lữ đoàn dù thực hiện cuộc đổ bộ vu hồi chiến dịch xuống phía sau hậu phương của "địch" được cho là "rất mạnh".

Tiếp đó, đơn vị này thực hiện tiến công vào sườn của "địch", chiếm được một sân bay dã chiến và các căn cứ quân sự quan trọng xung quanh, làm "đầu cầu" để thực hiện đổ bộ đường không chiến lược.

Chuyên gia quân sự cao cấp Vladislav Shurygin bình luận về sự kiện này như sau: Điểm nổi bật của cuộc đổ bộ ở thao trường Donguz là quân đội Nga đã áp dụng chiến thuật mới được phát triển trong thời gian gần đây, lần đầu tiên thực hiện đổ bộ đường không chiến dịch cấp lữ đoàn với đầy đủ vũ khí trang bị vào sâu hậu phương "địch".

Đây là bước tiến lớn của quân đội Nga cả về lý luận và thực tiễn.

Giáo sư của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga Vadim Kozyulin nói với tờ VZGLYAD (Tầm nhìn), việc đổ bộ đường không quy mô lớn như vậy thường được thực hiện trong những năm Liên Xô còn tồn tại, nhưng bây giờ chúng hiếm khi được thực hiện.

Đó là một minh chứng rõ ràng về khả năng chiến đấu cao của quân đội Nga, bao gồm cả hoạt động đổ bộ đường không; đây là kịch bản đối phó với các kẻ thù tiềm năng, tôi xem cuộc diễn tập này ở Donguz là một khóa huấn luyện hơn là một thông điệp gửi đến phương Tây.

Kinh nghiệm từ chiến trường Syria được áp dụng xuyên suốt Center-2019

Đáng chú ý là một số chiến thuật pháo binh mới cũng được áp dụng tại thao trường Donguz; một đại đội pháo phản lực bắn đạn nhiệt áp TOS-1A vào vị trí bắn; sau khi bắn hết đạn, đại đội này lùi về phía sau để đơn vị khác tiếp tục vào vị trí bắn phá; tạo hỏa lực đạn nhiệt áp dày đặc trong một thời gian ngắn, không cho đối phương cơ hội sống sót.

Đây là kinh nghiệm tiến công các mục tiêu trong đô thị tại chiến trường Syria được quân đội Nga áp dụng.

Việc áp dụng những chiến thuật mới qua tổng kết kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Syria được Ban chỉ đạo diễn tập áp dụng xuyên suốt trong Center-2019.

Trong đó, quân đội Nga lần đầu tiên sử dụng hệ thống pháo - tên lửa phòng không Tunguska (trước kia là lực lượng phòng không chuyên trách bảo vệ các đơn vị bộ binh cơ giới), để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, các mục tiêu ẩn nấp trong các tòa nhà đô thị.

Kinh nghiệm thực chiến ở Syria được Nga áp dụng trong tập trận CETER-2019 như thế nào? - Ảnh 4.

Cuộc tập trận Center-2019

Thực tiễn từ chiến trường Syria cho thấy, các lực lượng tham chiến thường dùng pháo (súng máy) phòng không làm hỏa lực hỗ trợ bộ binh chiến đấu và hỏa lực này tỏ ra rất hiệu quả.

Theo kịch bản của cuộc diễn tập, các đơn vị phòng không được trang bị hệ thống Tunguska có nhiệm vụ bảo vệ các khẩu đội tên lửa đường đạn Iskander-M trước các cuộc tiến công bằng không quân và tên lửa của đối phương.

Tuy nhiên tình huống là "địch" được trang bị súng máy và xe địa hình, tập kích bất ngờ vào các xe phóng Iskander-M; các khẩu đội Tunguska có nhiệm vụ bảo vệ các bệ phóng đã hạ nòng pháo 30 mm, nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu "địch", bảo vệ an toàn các bệ phóng Iskander-M.

Không giống như các cuộc diễn tập, trong chiến đấu, các hệ thống pháo phòng không và tên lửa tiêu diệt các mục tiêu mặt đất đã được sử dụng từ lâu, Đại tá Sergey Khatylev, cựu lãnh đạo lực lượng tên lửa phòng không của Bộ tư lệnh lực lượng đặc biệt của Không quân Nga, giải thích với tờ VZGLYAD.

Súng máy hạng nặng DSHK 12,7 mm của Liên Xô, theo thiết kế ban đầu chủ yếu nhằm tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp, nhưng súng đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột chống lại các mục tiêu mặt đất.

Hệ thống pháo-tên lửa Tunguska cũng thường sử dụng tiêu diệt trực tiếp mục tiêu và chi viện hỏa lực cho bộ binh ở chiến trường Afghanistan, khi quân đội Liên Xô hiện diện ở đây, chuyên gia Khatylev cho biết.

Bây giờ hầu như tất cả các hệ thống phòng không của Nga đều có thể tấn công các mục tiêu mặt đất; ngay cả các hệ thống phòng không tầm xa S-300 và S-400 nổi tiếng cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và mặt nước khi cần thiết.

Những kinh nghiệm quý báu từ chiến trường Syria luôn được đưa vào thiết kế vũ khí, Bộ Quốc phòng Nga rất chú ý đến vấn đề này, ông Khatylev nói thêm.

Tương tự của Tunguska là pháo tự hành phòng không Shilka, hoạt động theo cách tương tự không chỉ ở Syria, mà còn trong một số cuộc xung đột địa phương khác, ví dụ ở Chechnya, Afghanistan, nơi những vũ khí này phát huy rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, chi viện hỏa lực cho bộ binh.

Các chiến binh Trung Đông đã gọi pháo phòng không tự hành Shilka là "vũ khí của quỷ Satan", để ám chỉ hỏa lực mạnh mẽ của hệ thống, ông Shurygin cho biết thêm.

Như tờ VZGLYAD đã đưa tin, lần đầu tiên hơn 50 máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc đã tấn công kẻ địch giả định tại cuộc tập trận ở thao trường Donguz.

Việc sử dụng các loại vũ khí dẫn đường chính xác cho phép máy bay sử dụng bom và tên lửa mà không cần bay vào khu vực phòng không của "địch".

Phía quân đội Trung Quốc tham gia tập trận Center-2019 gồm các loại máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không J-11 (bản sao của Su-27) và tiêm kích bom JH-7A.

Sau 6 ngày, cuộc diễn tập Center-2019 đã kết thúc, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết: Tất cả các mục tiêu của cuộc tập trận đã hoàn thành xuất sắc và nhận được "phản ứng tích cực" từ Tổng thống Nga Putin. Ông Putin đã tới thăm các binh lính ở khu vực Orenburg, giáp biên giới với Kazakhstan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại