Biến chứng vì tiêm filler làm đẹp
Mỹ là một trong những thị trường phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp lớn trên thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội phẫu thuật tạo hình Mỹ công bố báo cáo hàng năm cho thấy, năm 2016, Mỹ tiến hàng 1,8 triệu ca phẫu thuật phẩm mỹ và khoảng 15,5 triệu trường hợp tiến hành các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.
5 loại phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất tại Mỹ bao gồm nâng ngực, hút mỡ, phẫu thuật mũi, sửa mí và căng da mặt. Trong số các thủ thuật xâm lấn tối thiểu rất “đắt khách” tại xứ sở cờ hoa là làm đẹp bằng tiêm filler.
Thống kê năm 2016 cho thấy, tiêm filler ( chất làm đầy) thu hút 2,6 triệu người Mỹ tham gia, thậm chí vào dịp năm mới 2018, tiêm filler còn trở thành những “món quà năm mới” để mọi người tặng cho nhau.
Chi phí cho một ca tiêm filler tại Mỹ không rẻ, từ vài trăm cho đến vài nghìn USD. Trong khi đó, Anh vừa công bố con số “giật mình”, số các vụ kiện tụng liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2017 đã vượt hơn 1000 vụ, gấp đôi so với năm 2016.
Theo điều tra của phóng viên Dailymail, tại Anh, có trường hợp một cô gái trẻ tìm đường sang Mỹ tiêm filler với mong muốn có một vòng 3 nảy nở. Tuy nhiên đẹp đâu cô không bao giờ thấy được bởi cô đã qua đời do người tiến hành thủ thuật làm đẹp này là một bác sĩ giả mạo.
Những lời quảng cáo “có cánh” rằng tiêm chất làm đầy để làm tăng kích thước vòng mông, vòng ngực nhanh hơn và đặc biệt là không cần phẫu thuật đã khiến chị em phụ nữ đua nhau chọn phương pháp làm đẹp này. Họ quảng cáo, tiêm filler còn có thể làm đầy môi, tạo bọng mắt khi cười hay xóa nếp nhăn rất hiệu quả….
Một trong những nạn nhân của phương pháp tiêm filler, cô Roxanne Mc Genity, 31 tuổi, kể lại, cô đã quyết định tiêm filler ở mắt để xóa nếp nhăn. Nhưng hậu quả cô phải gánh thật tai hại, mắt cô sưng lên, cô không dám nhìn mình trong gương.
Cô Roxanne cho biết: “Hiện nay, lúc nào tôi cũng có triệu chứng của viêm xoang, do chất làm đầy di chuyển xung quanh khu vực mắt của tôi, vào cả xoang, bác sĩ nói tôi còn may mắn hơn nhiều người khác là không bị nhiễm trùng hoặc bị mù”.
Đôi môi sưng vều của Mc Carthy sau khi tiêm filler
Một bà mẹ 43 tuổi ở Bắc Narrabeen, Australia tên là Mc Carthy cũng từng là nạn nhân của tiêm filler, khiến công cuộc làm đẹp của cô kết thúc ở phòng cấp cứu. Cô phải trả cái giá 400 USD cho ca tiêm filler của mình mà kết quả nhận được là một đôi môi tím bầm, sưng vều.
Tuy nhiên cô Mc Carthy còn may mắn bởi trước đó, cô Jean Huang, 35 tuổi ở Chippendale đã qua đời tại bệnh viện do bị sốc thuốc gây tê tại chỗ trong ca tiêm filler làm nâng ngực.
Cảnh báo nhiều cơ sở làm đẹp không được chứng nhận y khoa
Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ cho biết, trường hợp của bà Mc Carthy chỉ là một trong những biến chứng có thể gặp khi tiêm filler. Nguy cơ tăng lên nếu mọi người làm đẹp tại những cơ sở không có các chuyên gia thẩm mỹ được đào tạo chính thống.
Tại Anh, nhiều bác sĩ đã lên tiếng, yêu cầu siết chặt các quy định về mở trung tâm thẩm mỹ. Theo điều tra của Dailymail, 80% các vụ khiếu nại đều liên quan đến bác sĩ, hoặc do bác sĩ không có bằng cấp y khoa. Thậm chí nhiều phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ bị cấm ở nước này nhưng lại hoạt động “chui” ở quốc gia khác.
Cựu Chủ tịch Hiệp hội thẩm mỹ học Anh (BAAPS) Rajiv Grover cho biết, nhiều chất làm đầy tôi không bao giờ dám sử dụng cho người bệnh bởi nó đã bị cấm ở nhiều quốc gia nhưng vẫn đang được sử dụng hàng ngày.
“Tôi biết rõ về những nguy hiểm của việc tiêm filler vào môi, ngay cả tôi cũng không cảm thấy tự tin khi tiến hành thủ thuật này cho bệnh nhân.”, ông Grover cho biết.
Một chuyên gia phẫu thuật giấu tên chia sẻ, việc tiêm chất làm đầy rất phổ biến, nhưng có những chất rất nguy hại cho sức khỏe vậy mà vẫn được sử dụng không phù hợp. Như chất có tên juvederm ultra 4 được nhà sản xuất Allergan khuyến cáo trên nhãn sản phẩm là không sử dụng ở những vùng nhạy cảm như mắt, nó chỉ được sử dụng ở những khu vực rộng như xương gò má, hàm.
Tuy nhiên nhiều “bác sĩ” đã phớt lờ các khuyến cáo đó và sử dụng vô tội vạ cho người bệnh.
Nguy hiểm hơn, nhiều người mạo danh là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng thực sự họ không được đào tạo bởi bất cứ ngôi trường nào. Nhờ đó, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở những bác sĩ này có giá rẻ bất thường nhưng lại rất đông khách.
Theo BAAPS, nếu không có một quy định cụ thể nào về việc hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ tại Anh thì nguy cơ các vụ kiện liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ sẽ không có hồi kết.
Trong bối cảnh các sở thẩm mỹ vườn mọc lên như “nấm sau mưa”, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “chuyên gia” phẫu thuật thẩm mỹ chỉ qua một vài tháng. Đã có rất nhiều nạn nhân hứng chịu hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ từ các cơ sở làm đẹp chui, không được cấp phép, đến khi quay đầu nhìn lại đã quá muộn.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”, Báo Điện tử Sức khỏe&Đời sống triển khai tuyến bài về vấn đề này.
Bạn đọc có thể phản ánh về các cơ sở làm đẹp trái phép về hòm thư Báo Điện tử bandientuskds@gmail.com.
(theo Dailymail, CNN)