Vụ nhập đường của HAGL: Chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối cho hay: Quyết định có hay không cho phép nhập đường Lào của HAGL vào Việt Nam phải chờ ý kiến của Thủ tướng CP.

Chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định

Thời gian vừa qua dư luận và báo chí tranh cãi khá nhiều về việc nhập đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) về Việt Nam cho công ty đường Biên Hòa tinh chế để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt, cuộc “khẩu chiến” giữa 2 bên là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức – Chủ tịch HAGL) và Hiệp hội mía đường Việt Nam diễn ra vô cùng căng thẳng, tới mức Bầu Đức phải kêu lên “không nên sát phạt chúng tôi”.

Cần phải nhắc lại điều này, ban đầu, kiến nghị đưa đường sản xuất tại Lào của HAGL về Việt Nam nhằm mục đích tiêu thụ trong nước, chứ không phải là xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong Công thư gửi của Phó Thủ tướng Lào gửi cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/9/2013 có nêu rõ nguyện vọng: “Đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường sản xuất tại tỉnh Ất-ta-pư, CHDCND Lào về tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013 – 2014 và sẽ tăng theo mức độ hàng năm, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mục tiêu mà hai bên đã đề ra…”.

Với kiến nghị từ Công thư này, văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan báo cáo Phó Thủ tướng phương án xử lý.

Tuy nhiên, theo quy định tại thông tư 04/2013/TT-BCT ngày 8/2/2013 quy định về nguyên điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 đối với mặt hàng đường, muối, trứng, gia cầm, Bộ Công thương cho biết: “Công ty cổ phần HAGL không thuộc đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan đường”.

Ngoài ra, ngày 20/9/2013, Bộ Công thương cũng đã phân giao hết lượng hạn ngạch thuế quan đường năm 2013 cho 30 doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất (73.500 tấn). Do đó, việc nhập đường về Việt Nam để tiêu thụ trong nước đối với HAGL là không thể.

Từ thế bí này, công ty Đường Biên Hòa và HAGL đã cùng ngồi lại với nhau để tìm ra phương án mới. Biên bản cuộc họp giữa 2 bên diễn ra vào ngày 24/09/2013 có ghi rõ: “Do việc tiêu thụ đường trong nước đang gặp khó khăn, việc hợp tác trên đây chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp Công ty CP Đường Biên Hòa được chấp thuận xuất khẩu qua lối mở biên giới/cửa khẩu phụ”.

Do vậy, hai công ty đã cùng kiến nghị đến các cơ quan quản lý để “xin” được phép tạm nhập đường thô và tái xuất qua lối tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Việc Biên Hòa nhập đường thô của HAGL vào Việt Nam tinh chế để xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang gây tranh cãi trong thời gian qua.
Việc Biên Hòa nhập đường thô của HAGL vào Việt Nam tinh chế để xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang gây tranh cãi trong thời gian qua.

Nhận thấy điều này sẽ giúp cho công ty Đường Biên Hòa tận dụng công suất dư thừa của nhà máy, không ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, mặt khác, cũng tạo điều kiện cho HAGL tiêu thụ đường sản xuất tại Lào nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu giữa 2 nước, ngày 30/10/2013 trong công văn gửi các bộ, ngành liên quan, Bộ Công thương đã đề xuất phương án cho phép công ty CP Đường Biên Hòa được xuất khẩu qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai (tương tự như hiện nay vẫn cho phép đường sản xuất trong nước được xuất khẩu qua cửa khẩu này).

Bộ Công thương đề nghị các Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao) cùng tham gia ý kiến để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong phiên chất vấn Quốc hội vào chiều 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khi được hỏi về việc nhập đường của HAGL, đã bỏ ngỏ câu trả lời.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ nói “nước đôi” rằng: “đây là một tình huống cụ thể, tôi chưa được rõ những chi tiết, nên xin phép không trả lời”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết: “tinh thần là chúng tôi thấy rằng trong nước đã dư thừa và bây giờ ngành nông nghiệp, ngành công thương sẽ phải phối hợp để tham mưu cho Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ để tiêu thụ đường để giữ giá mía có lợi cho nông dân”.

Bộ Tài chính cũng tỏ vẻ ủng hộ việc tạm nhập và tái xuất đường của HAGL và Biên Hòa. “Đối với HAGL chúng tôi quản được tận gốc, vì họ có diện tích sản xuất mía tại Lào, nhập khẩu qua cung đường bộ nên có thể giám sát được” – Bộ Tài chính khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 27/11, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp cũng cho rằng: Quyết định cuối cùng có hay không cho phép việc nhập đường Lào của HAGL vào Việt Nam rồi tinh chế xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, cần phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Bởi việc làm này có liên quan tới lĩnh vực ngoại giao, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa 2 nước Việt Nam và Lào.

Hai bên sẽ gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn

Trong khi đó, cho tới thời điểm này, phía Bầu Đức và đường Biên Hòa đều muốn “né” các cơ quan báo chí. Bầu Đức nói, ông không muốn bình luận gì thêm, còn ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch HĐQT công ty Đường Biên Hòa đã thông báo đi công tác nước ngoài. Điện thoại của ông Bùi Văn Lang, Tổng giám đốc đường Biên Hòa có đổ chuông nhưng nhiều lần không nghe máy.

Đối với những người trồng mía, khi lượng đường trong nước dư thừa, họ đang như “chim sợ cành cong” khi biết sẽ có thêm 300.000 -  400.000 tấn đường từ Lào sẽ đổ về Việt Nam.

Những người nông dân trồng mía như
Những người nông dân trồng mía như "ngồi trên đống lửa" khi nghe thông tin nhập đường thô của HAGL về Việt Nam.

Theo khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hàng ngày có khoảng 20 xe vận chuyển gần 800 tấn đường lậu từ tỉnh Vĩnh Long về TPHCM. Ước tính mỗi năm khoảng 500.000 tấn đường lậu, chiếm 1/3 thị trường tiêu thụ trong nước.

Trong lúc mỗi năm lượng đường lậu bị tịch thu ở mức 1.000 tấn, từ năm 2011 đến tháng 6-2013 có tới 102 vụ vi phạm của hơn 100 doanh nghiệp tham gia kinh doanh tạm nhập tái xuất đường.

Những điều đó tăng sức ép lên ngành mía đường trong nước, cung vượt cầu, tồn kho cao, khi biết tin HAGL định bán 30 – 40.000 tấn đường sản xuất ở Lào cho công ty Biên Hòa, những người trồng mía như "ngồi trên đống lửa".

Xét về luật, HAGL và Biên Hòa đều không vi phạm luật, Việt Nam không thể cấm cửa HAGL. Vấn đề ở đây là bàn cách nào có thể giải quyết ổn thỏa cho cả đôi bên.

VSSA cho biết: Họ sẵn sàng gặp HAGL để tìm ra phương án tốt nhất cho cả hai. Còn Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức khi trả lời báo chí cũng nhấn mạnh sẽ gặp VSSA để trao đổi, tránh những hiểu lầm không đáng có.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại