Từ vụ đổ nát của The Manor, năng lực thực sự của Savills tới đâu?

Ly Ly |

(Soha.vn) - Là tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới nhưng Savills lại bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp khi vận hành tòa The Manor.

>>> Xem toàn bộ thông tin về Lùm xùm tại The Manor tại đây
>>> Vụ "Paris trong lòng HN" đổ nát, tan hoang: Savills quá yếu kém?
>>>"Paris trong lòng HN" tan nát: Savills có quyền khởi kiện Bitexco
>>> Chung cư The Manor tan nát, Bitexco nói bị bôi xấu, hạ bệ uy tín
>>> "Thượng đế" rao bán để chạy tháo thân khỏi The Manor

Tự giới thiệu là tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới, được niêm yết trên Sàn Chứng khoán London, Savills có mạng lưới quốc tế với hơn 500 văn phòng và công ty thành viên trên khắp Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi và Trung Đông, cung cấp một lượng lớn những ý kiến chuyên môn, quản trị và các dịch vụ giao dịch bất động sản chuyên nghiệp cho khách hàng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, với hơn 940 nhân viên, Savills được biết đến là công ty tư vấn bất động sản lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất với văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM. Công ty cung cấp các dịch vụ bất động sản toàn diện như: Kinh doanh Bất động sản nhà ở, cho thuê thương mại, cho thuê bất động sản nhà ở, nghiên cứu & tư vấn, định giá & nghiên cứu khả thi, quản lý bất động sản & tài sản,...

Savills Việt Nam đã vinh hạnh nhận Giải thưởng Bất động sản Châu Á Thái Bình Dương 2013 cho các hạng mục: “Đại lý bất động sản xuất sắc nhất Việt Nam”, “Công ty tư vấn bất động sản xuất sắc nhất Việt Nam”, “Đại lý cho thuê bất động sản xuất sắc nhất Việt Nam”, “Website Đại lý bất động sản xuất sắc nhất” và được vinh dự trao giải “ Đại Lý Bất Động Sản xuất sắc nhất Châu Á - Thái Bình Dương” trong khuôn khổ Giải Thưởng Bất Động Sản Quốc tế.

Trên website chính thức của mình, Savills khẳng định: “Chúng tôi kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần làm việc trách nhiệm, sự hiểu biết sâu sắc về từng lĩnh vực bất động sản đặc trưng và sự quan tâm cao nhất đến nhu cầu của khách hàng”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Savills dính vào không ít các vụ lùm xùm đình đám có liên quan tới các bất động sản danh tiếng.

Được biết đến là công ty tư vấn bất động sản lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất với văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM nhưng Savills gần đây lại dính nhiều vụ lùm xùm.
Được biết đến là công ty tư vấn bất động sản lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất với văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM nhưng Savills gần đây lại dính nhiều vụ lùm xùm.

Vào tháng 9/2012, ghi nhận trên báo Công an nhân dân Online, nhiều chủ sở hữu căn hộ thuộc chung cư cao cấp Saigon Pearl (nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo việc chủ đầu tư (Công ty TNHH Vietnam Land SSG) cùng Công ty quản lý Savills và một doanh nghiệp ở bên ngoài cung cấp gas có dấu hiệu trốn thuế và nguồn gốc không rõ ràng.

Cư dân yêu cầu Công ty quản lý Savills có trách nhiệm cung cấp giấy phép kinh doanh của công ty cung cấp gas cho tòa nhà nhưng không được đáp ứng.

Thêm vào đó, cư dân tố hàng tháng Công ty quản lý Savills phát hành phiếu thu tiền nước (do công ty tự in ra, không phải hóa đơn GTGT nhưng thể hiện thu 5% VAT) với hai mức giá 4.800 đồng/m3 (sử dụng dưới 4m3/người/tháng) và 15.200 đồng/m3đối với sử dụng trên 4m3/người/tháng. Trong khi đó, theo Quyết định 103/2009/QĐ-UBND ngày 24/12/2009, thì vào thời điểm 2012, giá nước sinh hoạt đối với các hộ dân cư chỉ từ 9.200 đồng/m3 (sử dụng từ 4-6m3/người/tháng) đến 11.000 đồng (sử dụng từ 6m3/người/tháng trở lên). Như vậy, cư dân không khỏi tự đặt câu hỏi: khoản chênh lệnh là rất lớn trên đã vào túi ai?!

Vào tháng 10/2013, chủ nhân của 10 căn hộ tại dự án Keangnam Hà Nội Landmark Tower đã xảy ra tranh chấp về diện tích với chủ đầu tư Công ty TNHH Một thành viên Keangnam Vina (gọi tắt là Cty Keangnam). Đang bức xúc về việc diện tích bị thiếu hụt, bỗng dưng các hộ dân ở Keangnam lại nhận được xác nhận đã giao dịch mua bán căn hộ qua sàn Savills khiến các chủ căn hộ càng bức bối hơn, họ cho rằng Công ty TNHH Savills Việt Nam (gọi tắt là Cty Savills) và sàn Savills đã làm “khống” giấy xác nhận giao dịch qua sàn để cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước và các khách hàng. Bởi trên thực tế, các hộ dân này khẳng định họ không giao dịch qua Savills. Và điều đó đồng nghĩa với việc Savills đã “tiếp tay” cho Keangnam để hợp thức hóa việc bán nhà qua sàn cho đúng luật.

Để chứng minh việc không xác nhận khống và đáp ứng đúng yêu cầu pháp luật, công ty Savills đã cung cấp tới Tòa án huyện Từ Liêm bản photo trích nội dung đăng thông báo bán nhà Khu căn hộ Keangnam Landmark Tower trên Báo Thời báo Kinh tế Việt Nam vào các ngày 31/7, 1/8 và 2/8/2008 và hóa đơn giá trị gia tăng ngày 8/8/2008 của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội cấp cho người mua là Công ty TNHH 1TV Keangnam Vina.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, giảng viên Học viện Tư Pháp (Bộ Tư pháp) – người đại diện ủy quyền của một số chủ căn hộ cho biết: những chứng cứ trên không đúng theo quy định tại mục 3 phần 3 Thông tư 13/2008/BXD. Theo quy định này, thời gian thực hiện công khai các thông tin về bất động sản tối thiểu là 7 ngày tại Sàn giao dịch.

Savills bị cư dân Keangnam tố tiếp tay với chủ đầu tư làm “khống” giấy xác nhận giao dịch qua sàn.
Savills bị cư dân Keangnam tố "tiếp tay" với chủ đầu tư làm “khống” giấy xác nhận giao dịch qua sàn.

Trong thời hạn nêu trên các thông tin về tên dự án, loại, số lượng bất động sản, địa điểm và thời gian tổ chức việc bán phải được Sàn giao dịch đăng tải trên 3 số báo liên tiếp và 1 lần trên đài truyền hình địa phương. Do không bán căn hộ Dự án Keangnam Landmark Tower nên Sàn Savills không có các chứng cứ thể hiện việc Sàn đã công khai các thông tin về căn hộ dự án Keangnam tối thiểu 7 ngày tại Sàn.

Mặt khác, theo hóa đơn giá trị gia tăng ngày 8/8/2008 của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội thì người mua dịch vụ là Công ty TNHH 1TV Keangnam Vina (gọi tắt là Cty Keangnam) chứ không phải là Sàn Savills như quy định tại mục 3 phần 3 Thông tư 13/2008/BXD.

Hơn nữa, nội dung đăng tải trên truyền hình không phải là thông báo bán nhà mà là quảng cáo logo khu căn hộ Keangnam Landmark Tower. Điều này có thể khẳng định Sàn Savills không thực hiện các nghĩa vụ về việc công bố thông tin tại Sàn cũng như trên báo chí, truyền hình về Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower như quy định tại mục 3 phần 3 Thông tư 13/2008/BXD.

Hơn nữa, các chủ căn hộ cũng không đến địa điểm đăng ký của Sàn Savills mà đã ký bản đăng ký với Cty Keangnam. Sàn Savills không bán căn hộ của dự án Keangnam Landmark Tower nên Sàn Savills không có các chứng cứ thể hiện việc Sàn đã công khai các thông tin về bất động sản theo đúng quy định tại mục 3 phần III Thông tư 13/2008/BXD của Bộ Xây dựng tại Sàn giao dịch.

Mặt khác, theo quy định, sau khi khách hàng ký hợp đồng và thanh toán lần đầu, giám đốc Sàn sẽ ký xác nhận qua sàn và gửi cho chủ đầu tư và Sở Xây dựng. Các chủ căn hộ đã thanh toán lần đầu tiền mua căn hộ vào ngày ký hợp đồng (từ tháng 8/2008 đến tháng 5/2010) nhưng Sàn Savills đã không gửi giấy xác nhận qua sàn đến Sở Xây dựng để báo cáo nhằm khẳng định các căn hộ đã được giao dịch theo đúng quy định của pháp luật như quy định tại Thông tư 13/2008/BXD của Bộ Xây dựng.

Điều đáng nói, chỉ sau khi các chủ căn hộ khởi kiện về việc Cty Keangnam đã không bán các căn hộ qua Sàn giao dịch BĐS vào ngày 4/3/2013 thì Sàn Savills đột nhiên cấp xác nhận đã giao dịch qua sàn cho các căn hộ sau khi các chủ căn hộ đã ký hợp đồng mua bán từ 3 đến 5 năm.

“Điều này lại thêm một lần nữa chứng minh Giấy xác nhận qua sàn chỉ là việc cấp khống để Cty Keangnam và Cty Savills hợp thức hóa một việc làm vi phạm pháp luật”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga nói.

Ngoài nghi án “tiếp tay” cho Keangnam để hợp thức hóa việc bán nhà, mới đây, Savills còn bị đánh giá thiếu năng lực quản trị trong việc quản lý tòa nhà chung cư cao cấp The Manor.

Từ vụ đổ nát của The Manor, đặt dấu chấm hỏi về năng lực thực sự của Savills. (Ảnh chụp máy móc hoen rỉ tại The Manor)
Từ vụ đổ nát của The Manor, đặt dấu chấm hỏi về năng lực thực sự của Savills. (Ảnh chụp máy móc hoen rỉ tại The Manor)

Có 7 ngày để tiếp nhận bàn giao lại hệ thống kỹ thuật của tòa nhà The Manor từ ban quản lý cũ (Công ty Bình Minh Thăng Long) nhưng Savills lại cho rằng: Thời gian đó quá ngắn để có thể kiểm tra chất lượng toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật. Chính vì vậy, Savills cùng với ban quản trị dân cư chỉ đồng ý nhận bàn giao theo kiểu kiểm đếm số lượng. Sau một thời gian vận hành sau đó, Savills mới phát hiện ra sự xuống dốc trầm trọng của hệ thống kỹ thuật toà nhà The Manor.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Khoa - CEO Greem Standard nhận xét: Savills đã thiếu chuyên nghiệp khi nói 7 ngày để chuyển giao cả dự án là ngắn. Bởi ở nước ngoài, không ít những trường hợp chuyển giao nhanh hơn thế, công ty được chuyển giao phải huy động một lượng lớn nhân sự để đảm bảo việc chuyển giao tòa nhà được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Và nếu như trong trường hợp chuyển giao quá nhanh và quá sức, công ty nhận chuyển giao phải tiến hành đàm phán trước khi ký vào hợp đồng.

Từ những “sự cố” trên, nhiều người đang băn khoăn tự hỏi: Năng lực thực sự của Savills Việt Nam tới đâu? Liệu các khách hàng có thể tiếp tục tin tưởng để bỏ tiền ra thuê dịch vụ của Savills? Và Savills có xứng đáng là “công ty tư vấn bất động sản lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất” tại Việt Nam như Savills vẫn luôn quảng cáo hay không?!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại