Hiện nhiều du khách người Bắc Âu, Mỹ, Úc… đến Mũi Né (khu vực P.Mũi Né, Hàm Tiến và Tiến Thành thuộc TP.Phan Thiết, Bình Thuận) rất khó nắm bắt được giá cả, dịch vụ, đi lại... vì thông tin ở đây không được quảng bá, giới thiệu bằng tiếng phổ thông trên thế giới là tiếng Anh mà toàn bộ viết bằng tiếng… Nga.
Chị Minh Hương, một chủ tiệm chuyên bán nước mắm, mực khô cho du khách ngay trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết) giải thích về ba tấm biển hiệu viết bằng tiếng Nga trước cửa tiệm của mình: "Từ ngày viết bằng tiếng Nga thì bán đắt hơn rất nhiều, vì người Nga không biết tiếng Anh”.
Còn anh Igor Kavanov, một người Nga làm hướng dẫn viên du lịch ở Mũi Né, cho biết người Nga đến du lịch tại đây đa phần là cán bộ hưu trí, công nhân cho các tập đoàn kinh tế, họ biết rất ít tiếng Anh. Một số ít biết thì cũng ngại dùng. Theo ông Trần Việt Hà - Giám đốc điều hành Pôsanư Resort, hiện nay nguồn khách Nga đến Mũi Né là kỷ lục, không có nguồn nào có thể thay thế.
Trong khi đó, ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Seahorse Resort thì lại cho rằng, với kiểu làm du lịch chụp giật như hiện nay, không chỉ các dòng khách khác mà ngay cả khách Nga cũng chỉ vài năm nữa thôi sẽ tụt giảm.
Việc này cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, một cán bộ Sở VH-TT-DL Bình Thuận nói trong buổi giao ban báo chí ngày 1.3 vừa qua: "Hàng chục công ty lữ hành, nhà hàng chui, rồi rất nhiều người Nga đến Mũi Né hoạt động hướng dẫn viên du lịch…không phép vì có quá nhiều khách Nga, trong khi đội ngũ nhân viên du lịch biết tiếng Nga ở Bình Thuận chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Công tác xúc tiến có vấn đề
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thành Tâm khẳng định dù hiện trạng khách Nga đến Mũi Né là “số một”, nhưng tỉnh vẫn muốn phải đa dạng hóa tất cả các dòng khách.
Ông Lý Minh Khoa, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh của Công ty du lịch Lữ Hành Xanh (Hà Nội) khẳng khái: "Nhìn con số các dòng khách đang bị lệch ở Mũi Né, cho thấy công tác xúc tiến quảng bá của Bình Thuận đang “có vấn đề”. "Anh" làm thế nào mà có thị trường khách dứt hẳn với "anh", không đến nữa thì cũng phải xem lại. Không phải cứ dòng khách nào đến đông, có lợi nhuận trước mắt thì hăm hở làm.
Đến khi xảy ra sự cố (như vụ Lanta Tour bị đổ bể đúng một năm trước) thì anh mới “vắt chân lên cổ” mà chạy. Khi ấy, tìm lại dòng khách khác với ngành du lịch là rất khó, chưa nói là làm mất đi hình ảnh Mũi Né điểm đến thân thiện mà họ từng yêu mến”.