Bộ Công thương loay hoay đối phó với 'con hư'

Khi quyền lợi bị ảnh hưởng các doanh nghiệp quay sang mắng mỏ, dọa bộ, dọa dân, Thứ trưởng Bộ Công thương thẳng thắn thừa nhận doanh nghiệp nhà nước chiều lắm cũng hư.

Việc Công ty đường Biên Hòa có đơn xin nhập 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào đã bị Hiệp hội Mía đường (VSSA) ra sức phản đối. Tuy nhiên, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý và cấp hạn ngạch xuất - nhập khẩu đường lại công khai đồng tình.

Ngay sau đó, Hiệp hội Mía đường đại diện các doanh nghiệp mía đường trong nước đã dọa dẫm sẽ không thu mua mía của dân. Trước đó, để được hưởng ưu đãi, Hiệp hội mía đường liên tục đưa ra những con số không chính xác về khối lượng hàng tồn kho.

"Hiệp hội Mía đường luôn luôn nói hai giọng. Khi nào vào vụ mía, bắt đầu vào vụ đường thì ông kêu “ôi giời ôi nhanh nhanh bán, đường thừa nhiều lắm, buôn lậu nhiều lắm”, để cố gắng đẩy ra thật sớm. Nhưng đến khi nào vào cuối vụ thì ông lại nói khác, giọng ông lại khác, ông đẩy giá lên. Không có hiệp hội nào như hiệp hội Mía đường", Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, đây chính là lợi ích nhóm. "Tôi khẳng định tất cả các con cưng đều hư, chiều quá thì hư. Doanh nghiệp nhà nước chiều lắm cũng hư", ông Tú nói.

Hiệp hội Mía đường dọa không thu mua mía của dân
Hiệp hội Mía đường dọa không thu mua mía của dân

Như vậy, sau khi đại diện Bộ Công thương bóc mẽ những chiêu bài Hiệp hội Mía đường vẫn dùng để được xin hưởng ưu đãi, quyền lợi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, "miếng bánh" có thể bị chia nhỏ thành nhiều phần, Hiệp hội Mía đường quay sang mắng mỏ bộ, dọa bộ. Sự việc cũng xảy ra tương tự trong trường hợp Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trước đây.

Tháng 9/2013 vừa qua, trước áp lực dư luận yêu cầu Tập đoàn xăng dầu Petrolimex phải minh bạch giá xăng dầu, Petrolimex cũng đã từng hờn dỗi và dọa Nhà nước thoái vốn, không muốn nhận trách nhiệm kinh doanh xăng dầu.

Trả lời trên báo chí, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimnex cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi.

"Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này.

Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích", ông Năm nói.

Trong trường hợp khác, khi Bộ Công Thương "bật đèn xanh" cho EVN áp dụng khung giá bán điện cao hơn các ngành sản xuất khác từ 2-16% cho 2 ngành thép, xi măng vào tháng 7/2013 với lý do công nghệ sản xuất thép, xi măng lạc hậu tiêu tốn nhiều điện năng. Đại diện 2 Hiệp hội Thép và Xi măng đã lên tiếng tố Bộ Công thương không công bằng.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép phản bác lại việc Bộ Công thương cho rằng Thép sử dụng công nghệ lạc hậu và chỉ ra những công nghệ lạc hậu ngành điện sử dụng.

Đại diện ngành xi măng, ông Thiện cho rằng: "Các DN nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Theo tôi, nghịch lý đó thì phải chấp nhận nhưng Hiệp hội Xi măng không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại