"Chúng tôi không được nuông chiều"
Thời gian vừa qua dư luận và báo chí tranh cãi khá nhiều về việc nhập đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) về Việt Nam cho công ty đường Biên Hòa tinh chế để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã lên tiếng ủng hộ HAGL và tán đồng việc nhập đường từ Lào về Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó Hiệp hội mía đường đã có một công văn đầy "cảm xúc" gửi tới thứ trưởng Tú.
Trước đó, Thứ trưởng Tú cho rằng: “nhập đường từ Lào về vừa mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp vừa ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia... Hoàng Anh Gia Lai làm kinh tế, nhưng mục tiêu kinh tế của Hoàng Anh Gia Lai là mang lại lợi ích chính trị cho đất nước …”.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam “phản pháo”: “Chúng tôi không phản đối việc giúp đỡ nước bạn Lào, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào,… vì còn mối bang giao giữa 2 quốc gia. Nhưng phải với phương án không làm thiệt hại đến nền kinh tế đất nước, đến hàng triệu nông dân Việt Nam đang trồng mía chưa có điều kiện chống đỡ trước làn sóng hội nhập chứ? Họ đâu có lỗi, họ đang dựa vào sự bảo hộ của các Công ty đường trong nước qua giá mua mía”.
Khi được hỏi về tính cạnh tranh của các doanh nghiệp mía đường trong nước, Thứ trưởng có ví von rằng …“tất cả các đứa con cưng đều hư, tôi khẳng định như thế! là con cái chúng ta, cưng chiều lắm thì sẽ hư, doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy, chiều lắm cũng hư” !
Tuy nhiên, Hiệp hội mía đường khẳng định: “Chúng tôi không được nuông chiều”. Hơn nữa, “chúng tôi cũng không phải là doanh nghiệp Nhà nước”, mà là doanh nghiệp cổ phần gồm những người nghe theo lời vận động của Chính phủ, đã kề vai gánh lấy khoảng nợ khổng lồ của các nhà máy đường thuộc doanh nghiệp Nhà nước 10 năm trước đây liên tục thua lỗ đang bên bờ vực phá sản. Hiện nay, Nhà nước chỉ là cổ đông hoặc thậm chí không còn là cổ đông trong các doanh nghiệp này.
Một số doanh nghiệp mía đường hiện nay là tư nhân hoàn toàn, hoặc FDI, liên doanh nước ngoài.
Hiệp hội đấu tranh vì lợi ích của ai? Thứ trưởng đã trả lời báo chí “đây chính là lợi ích nhóm…”!
Liên quan tới vấn đề này, Hiệp hội phản pháo: “xin Thứ trưởng hiểu rằng sản xuất mía đường luôn gắn kết mật thiết quyền lợi của các nhà máy đường cả nước với người trồng mía cả nước. Quyền lợi giữa nhà máy đường và người trồng mía trong nước luôn luôn là một” – ông Long nhấn mạnh.
Ông Long phân tích thêm: Các nhà máy đường sản xuất kinh doanh có lãi thì mới có thể tồn tại để tiêu thụ mía cho dân; người dân trồng mía có lãi thì mới tiếp tục trồng mía cung cấp cho nhà máy.
“Chúng tôi dựa vào nhau để tồn tại. Thứ trưởng cho chúng tôi vì lợi ích nhóm nhưng nhóm của chúng tôi gồm các nhà máy đường cả nước và hàng triệu nông dân. Vậy có gọi là nhóm được không?" – đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam bày tỏ.
Hiệp hội mía đường: “Chúng tôi không dọa dẫm”
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương nói:“Hiệp hội dọa dẫm sẽ bỏ mua mía của dân”… “Đường Biên Hòa có đặc thù khi làm ra không có đường nguyên liệu, chủ yếu là sản xuất đường thô thôi, đó là điều Hiệp hội nói không đúng”.
Liên quan tới việc này, ông Long cho biết: “Hiệp hội Mía đường không dọa dẫm”, việc gì đến sẽ phải đến theo quy luật nhân quả.
Theo Hiệp hội mía đường, nếu Bộ Công thương dễ dãi trong việc cấp phép cho tạm nhập khẩu đường thô để chế biến rồi tái xuất khẩu qua cửa khẩu phụ thì các Công ty đường trong nước cũng sẽ xin tạm nhập khẩu đường thô giá rẽ từ Thái Lan, Brazil về để bổ sung vào dây chuyền sản xuất và tái xuất qua cửa khẩu phụ.
Như vậy, “điều tất yếu sẽ xảy ra là các Công ty đường buộc phải hạ giá mua mía và/hoặc giảm sản lượng mía mua, khi được phép nhập đường thô để bổ sung cho sản xuất, diện tích mía sẽ sụt giảm không nhỏ và một số không ít người nông dân trồng mía ở số vùng sâu, vùng xa, vùng đất có năng suất và chất lượng thấp sẽ tái nghèo, lao đao. Đây là điều hoàn toàn sẽ xảy ra chứ không phải “dọa dẫm” – Ông Long một lần nữa nhấn mạnh.
Tuy nhiên trước đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự ủng hộ với bầu Đức. Họ muốn ngành đường Việt nam phải biết cạnh tranh lành mạnh để phát triển: "Tôi ủng hộ bầu Đức, cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng được lợi là lợi toàn dân và ngay cả người dân trồng cũng được lợi nếu như các ông chủ trong nước ý thức được năng suất và đầu tư công nghệ quy trình tốt hơn như vậy giá thành thu mua thấp thay vào đấy là năng suất. Nên nhớ người lao động ở Lào rất đông người Việt Nam trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến xây dựng vv... Vậy tại sao họ sống được và có thu nhập gửi về? Đến lúc nên thay đổi tư duy, không o bế mà cạnh tranh lành mạnh nỗ lực hơn nữa để mang lại hiệu suất cao nhất cho ông chủ và người dân"