Khủng hoảng Nga-Ukraine: Giỏi hơn cả phương Tây, nhân vật duy nhất giúp hóa giải "nguy cơ chiến tranh" là ai?

Quốc Vinh |

Trong khi sự tham gia của phương Tây trong vụ va chạm giữa Nga và Ukraine không khác gì "đổ thêm dầu vào lửa", có một nhân vật đặc biệt có thể đưa hai quốc gia này bắt tay giảng hòa.

Căng thẳng Nga -Ukraine có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ

Một làn sóng căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine đã xuất hiện trong tuần này. Ngày 25/11, Nga đã bắt giữ 3 tàu của Ukraine khi đi qua eo biển Kerch, cửa ngõ nối Biển Đen với biển Azov và chạy giữa bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Moscow mô tả vụ việc như là một "sự khiêu khích" được sắp đặt từ trước của Ukraine cho mục đích chính trị trong nước. Về phần mình, phía Ukraine gọi hành động của Nga là "xâm lược", đồng thời nhận được sự bênh vực từ phương Tây.

Chính quyền Kiev sau đó đã rục rịch ban bố tình trạng thiết quân luật đối với các khu vực biên giới với Nga, trong khi Moscow tuyên bố đưa tổ hợp phòng không tiên tiến S-400 đến Crimea.

Triển vọng của một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước Xô Viết cũ đã làm cho các nước láng giềng ở vùng Biển Đen lo ngại. Một ngày sau vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ - một lực lượng quan trọng trong khu vực - đã tuyên bố kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

"Chúng tôi đang theo dõi sự phát triển tình hình và căng thẳng leo thang ở biển Azov và eo biển Kerch. Là một quốc gia duyên hải của Biển Đen, chúng tôi nhấn mạnh rằng tự do thông qua eo biển Kerch không nên bị cản trở.

Chúng tôi thúc giục tất cả các bên kiềm chế các bước gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động hạn chế để tránh gia tăng căng thẳng", bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cxung kêu gọi cả Nga và Ukraine giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn Biển Đen – khu vực mà quốc gia này giáp ranh - trở thành một "vùng biển hòa bình" và duy trì hợp tác với cả hai nước.

"Vào thời điểm khi thế giới đang ở trong các mối đe dọa nghiêm trọng, chúng tôi sẽ vui mừng khi thấy Nga và Ukraine đứng cùng nhau, không chống lại nhau", ông Erdogan bày tỏ.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một số chuyên gia thậm chí còn lo ngại về một cuộc chiến tranh lan rộng ra khu vực hơn là một cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine.

Ibrahim Karagul, một nhà bình luận chính trị từ tờ Yeni Safak chia sẻ suy nghĩ rằng, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine không phải là một cuộc khủng hoảng chỉ riêng giữa hai nước.

"Ukraine là một trong những mặt trận quan trọng nhất của cuộc đấu tranh quyền lực giữa phương Đông và phương Tây", nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ viết.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine cũng có thể mang lại một số lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ Ilyas Kemaloglu tin rằng tình hình đang mở ra những cơ hội lớn cho Ankara.

"Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất trong khu vực có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, cũng như rất mạnh mẽ và năng động trong các vấn đề quốc tế. Ankara có cơ hội tự chứng tỏ mình trong lĩnh vực ngoại giao", ông nêu quan điểm.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là trung gian giải quyết khủng hoảng?

Khủng hoảng Nga-Ukraine: Giỏi hơn cả phương Tây, nhân vật duy nhất giúp hóa giải nguy cơ chiến tranh là ai? - Ảnh 1.

Tổng thống Erdogan có quan hệ tốt với cả Nga lẫn Ukraine.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là một trong số ít các quốc gia đã quản lý mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine sau cuộc khủng hoảng cách đây 4 năm.

Ankara đã cố hết sức để giữ vai trò trung lập, tránh tham gia vào hành động của các bên. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận sự sáp nhập Crimea, nước này cũng không tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Moscow và Ankara lại đang hợp tác chặt chẽ ở Syria. Quan hệ kinh tế giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển nhanh chóng. Vào tháng 4, hai nước đã triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu tại tỉnh Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở quốc gia này.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm Istanbul để khánh thành một phần đường ống dẫn khí TurkStream.

Đối với Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ có hợp tác chặt chẽ trong ngành công nghiệp quốc phòng, chuyển giao phần mềm, dự án xe bọc thép, không gian và thiết kế máy bay. Kể từ năm 2012, một chế độ miễn thị thực giữa hai nước đã chính thức có hiệu lực.

Trong chuyến thăm chính thức gần đây của lãnh đạo Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra vào ngày 3-4/11, Tổng thống Petro Poroshenko đã mở Lãnh sự quán Ukraine tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói rằng hơn 1,3 triệu người Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm và con số này đang gia tăng.

Quan hệ trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ tốt đẹp của Tổng thống Erdogan với cả lãnh đạo Nga và Ukraine đã được nước này sử dụng khi leo thang gần đây xảy ra.

Vào ngày 28/11, ông Erdogan đã có ba cuộc điện thoại với lãnh đạo Nga, Ukraine và Mỹ để thảo luận về những căng thẳng ở Biển Đen. Theo dịch vụ báo chí của Điện Kremlin, hai bên đã trao đổi ý kiến ​​về các vấn đề ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đen.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan cũng đã thảo luận về tình hình ở Syria, đặc biệt là ở Idlib.

Theo truyền thông Ukraine, hai người đồng cấp Erdogan và Poroshenko đồng ý rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nêu vấn đề Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12.

Trong cuộc gọi với Tổng thống Trump, ông Erdogan đã nói về chi tiết các cuộc điện đàm của mình với các Tổng thống Nga và Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại