Khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus: EU và NATO 'sắp' hành động, Nga sẵn sàng hỗ trợ

Đình Nam |

Để đối phó với làn sóng di cư từ Belarus, Liên minh châu Âu (EU) hôm 15/11 nhiều khả năng sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào quốc gia này trong một cuộc họp cấp Ngoại trưởng. Ba Lan đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hành động, chứ không chỉ lên án Belarus.

Căng thẳng vấn đề người di cư tại biên giới Belarus đang leo thang chưa từng thấy; trong khi thế giới vẫn hy vọng tình hình có thể hạ nhiệt sau lời đề nghị hỗ trợ các bên đối thoại từ Nga và cánh cửa đối thoại đang mở từ phía Belarus.

Khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus: EU và NATO sắp hành động, Nga sẵn sàng hỗ trợ - Ảnh 1.

Hàng rào thép gai ở biên giới Belarus-Litva. Ảnh: Reuters.

Một nhóm người di cư từ biên giới Belarus đã tràn sang Ba Lan, bất chấp hàng rào thép gai kiên cố và an ninh Ba Lan được thắt chặt. Tuy nhiên, họ đã bị cảnh sát Ba Lan bắt lại sau đó hoặc đang bị truy lùng. Còn hàng nghìn người di cư chưa thể tới Ba Lan, họ vẫn cắm trại sống tạm bợ, trong điều kiện thời tiết lạnh khắc nghiệt tại Belarus và đã có những báo cáo tử vong.

Hôm qua (14/11), người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – ông Josep Borrell đã cảnh báo Belarus không nên dùng con người như một vũ khí để gây sức ép với EU. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Belarus Vladimir Make, ông Josep Borrell nhấn mạnh: "Tình hình nhân đạo rất bấp bênh ở biên giới của EU". Mạng sống của con người cần được bảo vệ và các cơ quan nhân đạo cần được tiếp cận. Tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được và phải dừng lại.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Belarus cho biết, EU cần phải thực hiện một số bước đi, bao gồm cả việc gỡ bỏ trừng phạt "vô ích và phản tác dụng". Ngoại trưởng Belarus nhấn mạnh, nước này sẵn sàng đối thoại trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau với EU.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố Moscow sẵn sàng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trên biên giới giữa Belarus và Ba Lan bằng "mọi khả năng" có thể. Tuy nhiên, ông cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng, Nga và Belarus đã có lỗi trong vấn đề này.

"Tôi muốn mọi người biết rằng: chúng tôi không liên quan gì đến việc đó. Mọi người đều cố gắng bắt chúng tôi phải chịu trách nhiệm về điều gì đó mỗi khi có cơ hội, kể cả khi không có. Không có hãng hàng không Nga hay Belarus chở người di cư. Người di cư đã đi các chuyến bay thương mại tới Belarus."

Ông Putin nhận định phương Tây cũng có trách nhiệm với cuộc khủng hoảng di cư này này vì đứng sau những xung đột ở Iraq và Afghanistan. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng các cuộc đối thoại giữa các bên sẽ sớm diễn ra.

Thực tế, cánh cửa đối thoại cho các bên vẫn đang mở, song cuộc khủng hoảng đến nay chưa có bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt nào. Những cảnh báo cuộc khủng hoảng sẽ lan rộng đã được đưa ra, thậm chí còn dẫn đến xung đột quân sự.

Hôm qua, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, nước này đang thảo luận với Latvia và đặc biệt là với Litva về việc liệu có nên sử dụng Điều 4 (hiệp ước NATO) hay không, trong bối cảnh tính toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của một quốc gia thành viên đang bị xâm phạm. Hiện các nước châu Âu đã tăng cường quân đội tới biên giới của Ba Lan, nhằm kiểm soát an ninh. Belarus cũng tăng cường quân đội tới biên giới và đề nghị Nga hỗ trợ giám sát an ninh.

Một điểm sáng duy nhất giữa lúc khủng hoảng hiện nay là nhiều hãng hàng không quốc tế đã ngừng chở người di cư từ Trung Đông, châu Phi và Afghanistan tới Belarus, do lo ngại người di cư ùn ứ tại quốc gia này, cộng thêm những lo ngại bị trừng phạt. Hôm qua, Iraq thậm chí còn thông báo sẽ điều một chuyến bay tới Belarus để hồi hương người di cư vào ngày 18/11./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại