Khu trục hạm Porter vây bắt tàu dầu Iran: Kế "chọc vào mắt Mỹ" của Tehran đã thành công?

DK |

Thượng nghị sĩ Mỹ Memendez từng nhận định rằng việc Venezuela "ngả nghiêng trước lời tán tỉnh" có thể biến chiến thuật "chọc ngón tay vào mắt nước Mỹ" của Iran thành sự thật.

Tại sao khu trục hạm Mỹ truy đuổi "con dê cuối đàn" của toán tàu dầu Iran

Sáng 23/5 , khi Fortune, tàu chở dầu đầu tiên trong nhóm 5 tàu Iran tiếp cận Biển Caribbean và được các tàu chiến Venezuela tiếp cận với mục đích bảo vệ, tờ el-Politico dẫn tuyên bố của thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido về cuộc khủng hoảng tàu chở dầu như sau:

"Chúng ta không thể biết được những chiếc tàu này chỉ mang theo nhiên liệu hay không - nên nhớ rằng Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2, đồng thời cũng là một trong những nước tài trợ cho các nhóm khủng bố".

Khu trục hạm Porter vây bắt tàu dầu Iran: Kế chọc vào mắt Mỹ của Tehran đã thành công? - Ảnh 1.

Tàu dầu Fortune (Iran) được tàu hải quân Venezuela hộ tống di chuyển về nhà máy lọc dầu El Palito.

Trước đó 2 ngày, Đại sứ Mỹ ở Venezuela ông James B. Story (mặc dù Mỹ và Venezuela đã không duy trì quan hệ ngoại giao từ tháng 1/2019, ông Story vẫn phụ trách các vấn đề liên quan tới quốc gia Nam Mỹ này từ Đại sứ quán Mỹ ở Colombia) đưa ra bình luận:

" Điều có thể chắc chắn là 5 tàu chở nhiên liệu Iran tới Venezuela không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng (ở Venezuela) hiện tại.

Không có gì đảm bảo rằng các tàu nói trên chỉ chở nhiên liệu, chúng có thể chứa đầy bất cứ thứ gì, tuy nhiên chừng đó xăng dầu không đủ để đáp ứng nhu cầu (của Venezuela)".

Ông Story kết luận: "Các nước Châu Mỹ cần thận trọng trong quan hệ với Iran, vì đây là quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế".

Cho tới thời điểm hiện tại, khi 2 tàu dầu Fortune và Forest đã cập cảng và bơm nhiên liệu cho Venezuela có thể tạm thời kết luận rằng ít nhất là phân nửa các tàu dầu Iran chở đúng loại mặt hàng trong thỏa thuận "đổi vàng lấy nhiên liệu" giữa Caracas và Tehran.

Tuy vậy, sáng 27/5, theo nguồn tin từ South Wind, động thái di chuyển ở tốc độ cao nhằm truy đuổi tàu dầu Iran cuối cùng Clavel của khu trục hạm USS Porter cho thấy "con dê cuối đàn" này có thứ gì đó mà Hải quân Mỹ quan tâm.

Khu trục hạm Porter vây bắt tàu dầu Iran: Kế chọc vào mắt Mỹ của Tehran đã thành công? - Ảnh 2.

Vị trí gần nhất được cập nhật của "con dê cuối đàn" tàu chở dầu Clavel là khu vực ở Tây Đại Tây Dương và gần bờ biển Tây Sahara, khu vực nằm trong Danh sách những lãnh thổ không tự chủ của Liên Hiệp Quốc.

Iran có thể chở "hàng nóng" gì cho Venezuela?

Vào tháng 5/2011, nhật báo Die Welt của Đức đưa tin các kỹ sư Iran từ một công ty "bình phong" của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã "nhúng tay" vào việc thiết lập một căn cứ quân sự của Lực lượng Vũ trang Bolivar của Venezuela (FANB) trên Bán đảo Paraguaná.

Tờ báo Đức miêu tả rằng dự án căn cứ quân sự được IRGC chi trả gần như toàn bộ phần cơ sở hạ tầng bao gồm doanh trại, tháp canh, các vị trí phòng không và đáng chú ý là các hầm ngầm chứa bệ phóng tên lửa tầm trung Ashoura có thể uy hiếp Miami của Mỹ.

Mặc dù vào năm 2012, hãng tin CNN căn cứ vào các nguồn tin Mỹ và Venezuela đã bác bỏ thông tin nói trên, tuy nhiên sân bay Josefa Camejo trên Bán đảo Paraguaná cũng chính là nơi Venezuela vận chuyển vàng tới Iran để đổi lấy nhiên liệu.

Khu trục hạm Porter vây bắt tàu dầu Iran: Kế chọc vào mắt Mỹ của Tehran đã thành công? - Ảnh 3.

Vị trí được cho là căn cứ quân sự của FANB tại Bán đảo Paraguaná và hành trình của các chuyến bay chở vàng của Venezuela cũng từ bán đảo này tới Iran đầu tháng 5/2020.

Vào năm 2012, Thượng nghị sĩ Robert Memendez đã mở đầu phiên điều trần số 112-369 trước Lưỡng viện Mỹ bằng tuyên bố của Tổng thống Iran khi đó là ông Mahmoud Ahmadinejad rằng "Khi các nước Phương Tây cố gắng cô lập Iran, chúng tôi đã đến "sân sau" của Mỹ".

Trong tài liệu được lưu trữ lại sau phiên điều trần nói trên, ông Memendez nhận định rằng "việc các nước như Venezuela, Nicaragua, Ecuador và Bolivia "ngả nghiêng" trước sự "tán tỉnh" của Tehran có thể biến việc "Iran chọc ngón tay vào mắt nước Mỹ" thành sự thật.

Được đóng vào năm 2018, Clavel thường được miêu tả là một tàu chở dầu - chế phẩm dầu mỏ, với tải trọng 282 tấn, tàu cũng có thể chở theo các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, chưa thể kết luận rằng tàu Iran đang chở theo "thứ đáng quan tâm".

Không loại trừ khả năng Clavel cũng chỉ chở theo lượng nhiên liệu nhất định trong tổng số 1,5 triệu thùng mà Tehran đã cam kết với Venezuela và việc khu trục hạm USS Porter truy đuổi nó có thể chỉ là động thái "gỡ gạc" của Mỹ sau khi 4/5 tàu dầu tới Venezuela một cách "trót lọt".

Những sự kiện trước Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JPCOA) cũng như hành trình của các tàu dầu Iran hiện tại cho thấy truyền thông cũng như một bộ phận chính trị Mỹ có thể đã một lần nữa trúng "hỏa mù" của Tehran nhằm tạo ra một "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba lần 2"?

Tiêm kích Su-30MK2 và F-16 Venezuela hộ tống tàu dầu Iran

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba lần 2?

Các nhà phân tích Fen Osler Hampson và I. William Zartman từng đưa ra nhận định rằng Tehran đã rút ra "bài học xương máu" từ sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo Saddam Hussein và Muammar Gaddafi rằng chỉ khi có được năng lực tấn công hạt nhân, họ mới có cơ hội tiếp tục cầm quyền.

Việc duy trì tăng tốc làm giàu Uranium lên cấp độ vũ khí bất kỳ lúc nào cùng kho tên lửa đạn đạo tầm trung của Tehran có thể đảm bảo rằng họ khó có khả năng phải đối đầu với một cuộc xâm lược của Mỹ.

Nhưng để giải phóng họ khỏi "gông cùm" của các biện pháp bao vây - cấm vận mà Washington gọi là "chiến dịch gây sức ép tối đa" họ cần làm nhiều hơn thế với những gì đang có trong tay - bao gồm năng lực quân sự và dầu mỏ.

Việc đưa ra "tín hiệu nguy hiểm" bằng cách phóng vệ tinh quân sự "giám sát" Bắc Mỹ và tiếp theo là "thỏa thuận kinh tế" với Venezuela là "sức ép" để Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận ra rằng "sân sau" của Mỹ có thể trở thành bàn đạp cho các hoạt động quân sự của Iran.

Rõ ràng người Ba Tư đã áp dụng thành công chiến thuật gây áp lực mà Liên Xô đã sử dụng trong "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" nhưng theo cách "nhẹ nhàng" và "bài bản" hơn.

Ngoài các tuyên bố sặc mùi chiến tranh của Tehran, các tuyên bố và hành động có phần "nhẹ nhàng" của Washington ở thời điểm hiện tại cho thấy Mỹ đang tìm cách "giơ cao - đánh khẽ" nhằm tránh đẩy cao xung đột với Iran.

Ông Trump hiện đang "mắc kẹt" trong đại dịch Covid-19 và cuộc chạy đua giành chiếc ghế "ông chủ Nhà Trắng" với đại diện Đảng Dân chủ Joe Biden, và một cuộc chiến không có chiến tuyến với Iran có thể sẽ là "dấu chấm hết" cho sự nghiệp chính trị của ông.

Còn đối với đại diện Đảng Dân chủ, cần nhớ rằng ông Biden là một trong những người đã tham gia vào quá trình ký kết JPCOA và có thể ông sẽ sử dụng các "tín hiệu" này để ra đòn quyết định bằng tuyên bố cam kết theo đuổi thỏa thuận với Iran khi ông đắc cử.

Vụ phóng vệ tinh quân sự hôm 22/4/2020 không những giúp Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trinh sát khu vực Bắc Mỹ mà còn mở ra cơ hội cho Tehran sở hữu công nghệ Tên lửa đạn đạo liên lục địa - ICBM (Nguồn Press TV).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại