Khu trục hạm DDG-1000 sẽ không có vị trí trong biên chế Hải quân Mỹ?

TUẤN SƠN |

Theo thông tin từ Cổng thông tin Hải quân Mỹ, khu trục thứ 2 lớp Zumwalt - DDG-1001 Michael Monsoor đã tiếp nối “truyền thống” của người đàn anh khi lại gặp trục trặc trong quá trình chạy thử trên biển. Hệ thống cung cấp điện dừng hoạt động và biến chiến hạm tỷ đô này thành khối sắt trên biển.

Những vấn đề kỹ thuật phát hiện trên khu trục hạm lớp Zumwalt đang làm đau đầu giới chức quân sự Mỹ. Những chiến hạm trị giá hàng tỷ USD, có mức giá chỉ thua kém tàu sân bay lại dễ dàng bị “vô hiệu hóa” dễ dàng bởi các vấn đề vụn vặn như… hệ thống điện dừng hoạt động.

Quá hiện đại!

Thiết kế của khu trục hạm lớp Zumwalt nhằm mục đích biến nó trở thành dòng chiến hạm đa dụng vừa có khả năng tác chiến trên biển, săn ngầm, vừa có khả năng tấn công các mục tiêu trên cạn bằng vũ khí chính xác cao.

Với các loại tên lửa và pháo hạm hiện đại, khu trục hạm lớp Zumwalt được giới chức Hải quân Mỹ kỳ vọng sẽ thay thế các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga trong tương lai. Để có được khả năng như vậy, “cái giá” phải trả là hàng tỷ USD cho mỗi khu trục hạm hiện đại.

Khu trục hạm DDG-1000 sẽ không có vị trí trong biên chế Hải quân Mỹ? - Ảnh 1.

Các vấn đề phát sinh đang khiến chương trình phát triển khu trục hạm lớp Zumwalt đi vào ngõ cụt.

Khu trục hạm DDG-1000 sẽ không có vị trí trong biên chế Hải quân Mỹ? - Ảnh 2.

Chiến hạm DDG-1001 Michael Monsoor.

Theo tính toán của Hải quân Mỹ năm 2007, 2 chiếc khu trục hạm lớp Zumwalt đầu tiên có giá 2,7 tỷ USD và chương trình đóng toàn bộ 32 khu trục hạm lớp Zumwalt chỉ tiêu tốn khoảng 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, chương trình phát triển vũ khí tương lai đầy kỳ vọng của Mỹ không diễn ra đúng kế hoạch do chi phí phát sinh trong quá trình phát triển dự án. Từ 32 chiến hạm như kế hoạch ban đầu, con số này được giảm xuống 24, rồi 7 và cuối cùng tới năm 2008, số lượng chiến hạm lớp Zumwalt đóng mới chỉ còn 3 tàu.

Chi phí phát triển phát sinh kết hợp với số lượng tàu đóng mới quá ít đã làm giá thành đóng mới khu trục hạm lớp Zumwalt lên tới 4,4 tỷ USD. Nếu tính cả chi phí duy trì chiến hạm này trong suốt vòng đời, mức chi phí này có thể lên tới hơn 7 tỷ USD.

Mặc dù giá thành đóng mới rất cao, nhưng ngay từ khi xuất hiện khu trục hạm DDG-1000 đã gặp trục trặc. Ngay trong lần chạy thử đầu tiên năm 2016, chiến hạm DDG-1000 đã gặp vấn đề kỹ thuật khi đang trên hải trình từ kênh đào Panama tới thành phố San Diego.

4 khoang của chiếc DDG-1000 đã bị ngập nước khiến hệ thống động lực trên tàu bị hỏng và chiếc tàu đâm vào thành kênh đào Panama. Sau khi được sửa chữa sơ bộ để trở về Mỹ, các kỹ thuật viên còn phát hiện vấn đề trong hệ thống làm mát trên tàu.

Nguyên nhân của các vấn đề phát sinh trên chiếc DDG-1000 không được công bố, nhưng việc các chiến hạm lớp Zumwalt thứ 2 là DDG-1001 tiếp tục gặp vấn đề kỹ thuật liên quan tới hệ thống máy cung cấp điện cho thấy thiết kế của dòng chiến hạm tỷ đô này đang có vấn đề nghiêm trọng.

“Chúng ta có thể thấy rõ, người Mỹ có rất nhiều sáng tạo trên khu trục hạm lớp Zumwallt. Hệ thống động lực trên chiến hạm này có nhiều nét giống trên tàu ngầm lớp Ohio. Điểm khác biệt chỉ là trên tàu ngầm lớp Ohio sử dụng động cơ hạt nhân để chạy động cơ điện cung cấp động lực giúp tàu hoạt động, còn trên khu trục hạm lớp Zumwallt sử dụng động cơ turbin chạy diesel.

Về lý thuyết, phương thức này giúp tiết kiệm nhiên liệu khi tàu hoạt động ở tốc độ thấp, nhưng lại cần hệ thống động lực phức tạp, đắt đỏ và dễ gặp các vấn đề kỹ thuật”, chuyên gia quân sự Alex Leonkov đánh giá.

Theo lời ông A. Leonkov, phía Mỹ thường tìm ra cách giải quyết tốt nhất, nhưng chỉ khi họ mắc phải những sai lầm thảm hại. Vị chuyên gia này đã lấy ví dụ từ các nguyên mẫu khởi thủy của súng trường tấn công M16 và máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon.

Các nguyên mẫu này gặp các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, nhưng sau đó đã được sửa chữa, hoàn thiện và trở thành những loại vũ khí có độ tin cậy cao.

“Nhưng với chỉ 3 chiến hạm lớp Zumwallt được đóng mới, rất khó có thể hoàn thiện được loại vũ khí phức tạp này. Hiện tại, Zumwallt khó có thể là trang bị chính thức của Hải quân Mỹ”, chuyên gia A. Leonkov nhận định.

“Hố đen” hút ngân sách

Xét về mặt hỏa lực, khu trục hạm lớp Zumwallt rất đáng nể với các loại vũ khí mang theo. Trang bị tiêu chuẩn lớp khu trục hạm này là 80 đạn tên lửa bố trí trong các giếng phóng thẳng đứng trên khoang.

Tuy nhiên, vũ khí chính theo thiết kế của lớp chiến hạm này lại pháo ray điện từ. Để hoạt động được, 2 khẩu pháo ray điện sẽ hút hết toàn bộ nguồn điện trên tàu. Như vậy, khu trục hạm lớp Zumwallt sẽ biến thành khối sắt nổi sau mỗi lần pháo ray điện bắn. Chính vì sự không hợp lý này, pháo ray điện đã bị loại khỏi trang bị của dòng chiến hạm này.

Khu trục hạm DDG-1000 sẽ không có vị trí trong biên chế Hải quân Mỹ? - Ảnh 3.

Pháo ray điện từ đầy kỳ vọng, nhưng lại kém tin cậy.

Khu trục hạm DDG-1000 sẽ không có vị trí trong biên chế Hải quân Mỹ? - Ảnh 4.

Đạn pháo thông minh LRLAP lại quá đắt đỏ

Khu trục hạm DDG-1000 sẽ không có vị trí trong biên chế Hải quân Mỹ? - Ảnh 5.

Vũ khí còn lại của khu trục hạm lớp Zumwallt chỉ là 80 đạn tên lửa mang theo. Xét về điểm này, DDG-1000 thua xa các chiến hạm hiện có của Hải quân Mỹ.

Thay thế cho các pháo ray điện, khu trục hạm lớp Zumwallt được tái trang bị hệ thống pháo truyền thống AGS 155mm sử dụng đạn thông minh LRLAP do Lockheed Martin phát triển.

Theo quảng cáo của nhà sản xuất, đạn pháo LRLAP với động cơ tên lửa có thể tăng tầm bắn lên 148km và hệ thống dẫn đường tự động cho phép tấn công chính xác mục tiêu với sai số chỉ vài mét.

“Đạn LRLAP có thể tấn công chính xác các mục tiêu và hạn chế tối đa thiệt hại ngoài mong muốn với các công trình gần đó”, đại diện Lockheed Martin cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, giá thành của đạn LRLAP quá đắt với mức 800.000 USD/đạn. Có thể dễ dàng so sánh khi đạn tên lửa Tomahawk trị giá gần 1 triệu USD có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 2.500km. Giới chức quân sự Mỹ đang đau đầu tìm phương án thay thế dòng đạn pháo binh “có giá trên trời” này, nhưng vẫn chưa thành công.

“Như vậy, khu trục hạm lớp Zumwallt chỉ còn vũ khí đáng kể là 80 đạn tên lửa Tomahawk. Chúng ta có thể làm một phép tính đơn giản, một khu trục hạm trị giá tới 4,4 tỷ USD được làm ra chỉ để mang 80 đạn tên lửa Tomahawk".

"Trong khi đó, tuần dương hạm lớp Ticonderoga mang được 122 tên lửa và khu trục hạm lớp Arleigh Burke là 56 tên lửa kèm thêm khả năng phòng thủ tên lửa với hệ thống Aegis”, chuyên gia A. Leonkov đánh giá.

Khi nói về khả năng tàng hình của chiến hạm lớp Zumwallt, chuyên gia A. Leonkov coi đây chỉ là sự thổi phồng của người Mỹ.

Bất kỳ ai hiểu về kỹ thuật ra-đa đều hiểu rõ việc che giấu con tàu khổng lồ như một tòa nhà 13 tầng trên biển là không thể, có chăng chỉ giảm khả năng bộc lộ của nó ở khoảng cách nhất định. Xét về nhiều mặt, khả năng tác chiến của chiến hạm lớp Zumwallt hiện tại thua xa các dòng chiến hạm hiện có trong trang bị Hải quân Mỹ.

Với những vấn đề kỹ thuật chưa thể khắc phục trong ngắn hạn, khu trục hạm lớp Zumwallt chắc chắn sẽ không được sản xuất với quy mô lớn và sẽ chỉ là “đồ chơi đắt tiền và lãng phí” của Hải quân Mỹ.

Việc tồn tại của chương trình DDG-1000 tới thời điểm hiện tại là nhờ sự vận động hành lang trong giới cầm quyền Mỹ. Nhiều khả năng DDG-1000 sẽ sớm được thay thế bằng dòng chiến hạm mới rẻ, hiệu quả hơn, thay vì trang bị công nghệ cao mà lại thiếu tin cậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại