“Không mua thảo dược như bà nội trợ mua rau”

Hường Lê |

Với thói quen dùng “thuốc truyền miệng”, đặc biệt, nhiều người cho rằng thuốc nam, thuốc đông y là lành tính nên thường sử dụng tràn lan. Không khó để bắt gặp những hàng bán thảo dược rải bạt trên vỉa hè trong các khu chợ cóc, chợ dân sinh, có thể dễ dàng mua bán.

Trao đổi với phóng viên VOV, TS.BS Nguyễn Tiến Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Đông, Hà Nội) không phủ nhận những tác dụng nhất định của mỗi loại thảo dược trong y học cổ truyền. Những bài thuốc bắt nguồn từ dân gian, được đúc kết từ kinh nghiệm của cha ông truyền lại và ngày nay đã được hệ thống hóa qua các nghiên cứu khoa học. Trong đó, một số phương pháp sử dụng các loại cây cỏ, thảo dược có thể tìm thấy trong vườn nhà để làm thuốc.

“Không mua thảo dược như bà nội trợ mua rau” - Ảnh 1.

Các loại thảo dược, thuốc nam được rải bạt bán trên vỉa hè

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc nam đã khiến nhiều trường phải nhập viện với ít nhiều biến chứng. Theo TS.BS Nguyễn Tiến Chung, thảo dược tốt hay không còn phụ thuộc vào cách người uống sử dụng. Cụ thể, vị thuốc sử dụng làm thuốc thì phải có liều lượng, có chỉ định hợp lý về thời gian sử dụng. Thuốc chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian điều trị nhất định, nếu sử dụng quá liều vẫn có thể có tác dụng phụ. Vì vậy, người dùng nên tham khảo bác sĩ thời gian sử dụng hợp lý.

“Mỗi một loài cây có tác dụng chữa bệnh nhất định chứ không phải khi đưa vào cơ thể là sức khỏe người bệnh sẽ tự khá hơn. Thuốc có thể hợp với tùy từng người và với từng cách chữa riêng của vị thuốc đó. Ví dụ, nhân trần giúp thanh nhiệt, sẽ hợp với người bị nóng trong; tâm sen, lạc tiên giúp an thần, có tác dụng cho người mất ngủ; hay cây bìm bịp chủ yếu có 2 công năng chính, một là thanh nhiệt, hai là trừ thấp nên cây bìm bịp chỉ hỗ trợ điều trị một số chứng viêm trong cơ thể chứ không có bằng chứng khoa học hay ghi nhận trong bất kỳ tài liệu nào là cây bìm bịp có thể điều trị ung thư”, BS Chung nói.

Do vậy, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh khuyến cáo, mỗi loại thảo dược có tác dụng gì thì cần phải có kiểm chứng, kiểm chứng qua dân gian truyền lại; hoặc kiểm chứng qua nghiên cứu khoa học. Từ những kiểm chứng đó, người thầy thuốc có nhiều thông tin hơn và sử dụng cây thuốc đó điều trị bệnh chính xác hơn.

Theo giới chuyên gia y tế, về nguyên tắc đã gọi là thuốc đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc và dẫn đến hậu quả khôn lường. Đặc biệt, trong thuốc đông y lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.

“Một loài cây, một loại thảo dược khi được ghi nhận hỗ trợ điều trị sức khỏe một số bệnh nào đó thì tác dụng này chỉ được chỉ định bởi người thầy thuốc có sự hiểu biết về 2 khía cạnh: Một là bệnh gì, hai là loài cây này được sử dụng như thế nào. Chính vì vậy, một loại cây được chỉ định sử dụng cho người A nhưng không vì thế mà người B được tùy tiện sử dụng vì đặc điểm bệnh tật của mỗi người khác nhau. Và cũng không có chuyện hy vọng người B sử dụng loại cây đó để sức khỏe tốt như người A. Vì vậy, không có chữ “thần dược” đúng cho tất cả mọi người”, TS.BS Nguyễn Tiến Chung lưu ý.

“Không mua thảo dược như bà nội trợ mua rau” - Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Tiến Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Đáng lưu ý, thảo dược nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc cho cho gan, thận, vào máu… Vì vậy, BS Chung khuyến cáo người bệnh không tự ý mua các loại thảo dược về trị bệnh.

“Bà nội trợ khi mua mớ rau ngoài chợ về phải nhặt bớt phần gốc rễ mới đưa vào xơ chế món ăn, thì với người thầy thuốc đông y để có thang thuốc cho người bệnh, chúng tôi phải qua khâu xử lý, khử độc nhằm loại bỏ những chất độc bảo quản dược liệu với nhiều công đoạn. Do vậy, để tránh những tai biến do dùng thuốc nam, người bệnh nên tìm đến những cơ sở uy tín và không tùy tiện sử dụng thuốc đông y khi không có chỉ định của thầy thuốc”, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại