Tờ Onet của Ba Lan dẫn lời các nguồn tin tiết lộ, người Mỹ không muốn đặt căn cứ quân sự Fort Trump trên lãnh thổ Ba Lan.
"Ba Lan sẵn sàng từ bỏ định dạng ban đầu của căn cứ Fort Trump để sử dụng một hình thức khác cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ. Theo nguồn tin của chúng tôi, vấn đề gia tăng lực lượng của quân đội Mỹ gần như chắc chắn đã được giải quyết, nhưng người Mỹ đang đưa ra một số điều kiện".
Trang tin này cho biết thêm, "kho vũ khí và đạn dược, các thành phần của bộ máy chỉ huy và tình báo Hoa Kỳ" có thể sẽ được đặt tại Ba Lan. Theo các nguồn tin, đây chính xác là mô hình mà Warsaw và Washington hiện đang thảo luận.
Tờ Onet lưu ý rằng ý tưởng đặt một căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ Ba Lan, như đã giả định trước đây, "hầu như không có cơ hội thực hiện". "Tuy nhiên, cả hai bên vẫn đang tìm kiếm một lựa chọn thỏa hiệp nhằm tăng sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của Mỹ ở Ba Lan", tờ báo nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Hồi tháng 9 vừa rồi, sau nhiều cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề nghị Hoa Kỳ thành lập một căn cứ quân sự lâu dài tại Ba Lan với tên gọi là Fort Trump. Dù cho khi đó Tổng thống Donald Trump nói rằng, Hoa Kỳ vẫn đang cân nhắc về đề nghị này, nhưng Warsaw tuyên bố sẵn sàng chi trả "hàng tỷ đô la" cho ý tưởng nói trên.
Được biết, trong tuần này Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blasczak đã đến thăm Hoa Kỳ, đặc biệt, ông Blasczak còn thảo luận về vấn đề căn cứ quân sự với người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Trả lời phỏng vấn với các phóng viên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ba Lan khẳng định: "Đề nghị của chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi cũng đã nhận được các đề xuất cụ thể từ Hoa Kỳ và chúng tôi sẽ cân nhắc chúng".
Trước đó, Ba Lan đã đề nghị Hoa Kỳ thành lập một căn cứ quân sự tại lãnh thổ nước này, theo đó họ sẽ tự gánh lấy phần chi phí trị giá đến 2 tỷ USD để hỗ trợ công tác xây dựng hạ tầng cho sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ. Đây là đề xuất được đưa ra trên cơ sở song phương, bên ngoài phạm vi NATO.