Trưởng thành và có quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống, tất cả mọi người đều từng ít nhất một lần thốt lên rằng: "Tôi mệt mỏi lắm rồi, tôi cần một giấc ngủ". Ngủ hóa ra là một liều thuốc rẻ tiền và có tác dụng nhất giúpbạn cảm thấy tươi mới và khỏe khoắn trở lại.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại vậy không? Thật khó để hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ cho đến khi bạn thực sự cần chúng. Đa số người trưởng thành hiện đại không ngủ đủ giấc. Nếu trung bình ngủ 8 tiếng một ngày, bạn phải dành tới 1/3 cuộc đời để ngủ.
Rõ ràng, giấc ngủ phải đóng một vai trò cực kỳ quan trọng nào đó, thì chúng ta mới phải ngủ nhiều đến vậy.
Không loài động vật nào có thể sống mà không cần ngủ, vậy vai trò của giấc ngủ là gì?
Không có loài động vật nào có thể tồn tại mà không cần ngủ, bao gồm cả con người. Năm 1894, bác sĩ, nhà khoa học người Nga Marie de Manacéine đã làm một thí nghiệm. Bà giữ cho những con chó con của mình hoạt động liên tục và không cho chúng ngủ, những con chó chết chỉ sau vài ngày.
Năm 1898, hai nhà sinh lý học người Ý Lamberto Daddi và Giulio Tarozzi lặp lại thí nghiệm, họ dắt những con chó trưởng thành đi dạo liên tục để giữ cho chúng thức toàn bộ thời gian. Những con chó này cuối cùng cũng chết sau 9-17 ngày.
Tác động của việc mất ngủ kéo dài rất khủng khiếp, đến nỗi các nhà khoa học không dám thực hiện những thí nghiệm này trên người mà không kiểm soát chúng một cách cực kỳ chặt chẽ.
Những tình nguyện viên tham gia vào các thí nghiệm thức xuyên suốt nhiều ngày báo cáo các triệu chứng bao gồm: giảm chức năng tâm thần, thiếu nhận thức và chú ý về thế giới xung quanh, cảm giác thời gian bị bóp méo và tất cả đều vô cùng mệt mỏi.
Đáng chú ý nhất là trường hợp của Randy Gardner , tình nguyện viên giữ kỷ lục là người thức lâu nhất trong lịch sử thế giới. Năm 1965, khi còn là một học sinh trung học 16 tuổi, Gardner đã tham gia vào một thí nghiệm và thức suốt 11 ngày 24 phút.
Kết thúc thời gian thí nghiệm nguy hiểm, các nhà khoa học nhận thấy anh ta không còn có thể nói lưu loát, suy nghĩ của Gardner bị phân mảnh đến nỗi anh ta không thể thực hiện được những phép toán đơn giản trong thời gian dài hơn vài phút.
Randy Gardner, người thiếu ngủ nhiều nhất trong lịch sử thế giới
Trong nhiều thí nghiệm khác, các nhà khoa học dẫn tình nguyện viên của họ vào trạng thái thiếu ngủ từ vài tiếng đồng hồ cho tới vài ngày, sau đó đánh giá não bộ của họ bằng các bài kiểm tra nhận thức. Kết quả chỉ ra khi các tình nguyện viên càng thiếu ngủ trầm trọng bao nhiêu, thì kết quả kiểm tra của họ càng tệ hại bấy nhiêu.
Những người được ngủ một đêm ngon giấc và thoải mái nhất là những người có chức năng não bộ tốt nhất. Bởi vậy, lý tưởng nhất là tất cả chúng ta nên ngủ đủ.
Nhiều nhà khoa học đã suy nghĩ về câu hỏi: "Tại sao giấc ngủ lại giúp não bộ của chúng ta khỏe mạnh như vậy?". Một nghịch lý là con người không ngủ thì sẽ lý tưởng hơn. Từ thời tiền sử, việc nhắm mắt sẽ dễ khiến chúng ta bị tấn công bất ngờ bởi những con thú săn mồi. Còn bây giờ, ngủ khiến chúng ta không thể làm việc và bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Thế nhưng, các nhà khoa học đã tìm ra hai lý do chính khiến giấc ngủ trở nên quan trọng: Thứ nhất, nó giúp chúng ta sửa chữa và phục hồi các hệ thống cơ quan bao gồm cơ bắp, hệ thống miễn dịch và nhiều loại hooc-môn khác.
Thứ hai, giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng với trí nhớ. Thời gian ngủ là thời gian bạn giữ lại được những ký ức trong ngày, lưu trữ những gì bạn đã học được ở trường, cơ quan hay trong cuộc sống để sau này có thể truy cập lại và sử dụng.
Nếu ngủ đủ giấc và đủ ngon, các nhà khoa học cho biết bạn sẽ tăng cường được hệ miễn dịch cơ thể. Trong khi bạn đang nghỉ ngơi, các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T dành thời gian đó để tổ chức một cuộc đua quanh cơ thể. Nghĩa là chúng sẽ len lỏi đến từng ngóc ngách tế bào trong bạn, lùng sục và tiêu diệt những tác nhân gây bệnh.
Các tế bào miễn dịch khác cũng hoạt động tốt hơn khi bạn ngủ tốt hơn. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cách cơ thể chúng ta phản ứng với vắc-xin, thuốc nhắm vào hệ thống miễn dịch, trên 2 nhóm tình nguyện viên, một nhóm được nghỉ ngơi cả đêm và một nhóm không ngủ. Họ phát hiện ngủ đủ giấc vào đêm sau khi tiêm vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn đối với virus.
Ngủ giúp bạn có trí nhớ tốt hơn
Các nhà khoa học khác cũng đã xem xét giấc ngủ ảnh hưởng đến việc học và trí nhớ của bạn. Mỗi ngày, tại nơi làm việc hoặc trường học, chúng ta đều học được vô vàn những điều mới. Nhưng khả năng nhớ lại và sử dụng những thông tin học được đó dường như phụ thuộc lớn vào giấc ngủ.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã chia những thanh thiếu niên tình nguyện tham gia thành 2 nhóm. Cả hai đều được cung cấp những mẫu thông tin giống nhau và các nhà khoa học muốn tìm hiểu khả năng ghi nhớ thông tin của họ.
Một nhóm đầu tiên học những thông tin đó vào lúc 9 giờ sáng và làm bài kiểm tra vào lúc 9 giờ tối. Nhóm còn lại được cung cấp thông tin lúc 9 giờ tối, sau đó được ngủ một đêm trọn vẹn và làm bài kiểm tra lúc 9 giờ sáng hôm sau.
Kết quả chỉ ra nhóm thứ hai đã làm tốt hơn nhóm thứ nhất 20%. Điều này khá vô lý, bởi rõ ràng nhóm thứ nhất có tận 12 tiếng thức để có thể ôn lại bài tùy ý, còn nhóm thứ hai phải dành phần lớn thời gian để ngủ mà vẫn làm tốt hơn. Thí nghiệm đã chỉ ra, giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng nào đó với trí nhớ.
Bây giờ, vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết hết về lợi ích tiềm năng của giấc ngủ, nhưng có một điều chắc chắn: Chúng ta không thể sống sót khi không ngủ. Và khi càng ngủ tốt bao nhiêu, chúng ta sẽ càng khỏe mạnh bấy nhiêu.
Tham khảo Popsci, NCBI