"Hun nóng" tầng điện ly lên 100 độ C: Âm mưu độc chiếm bầu trời của bộ ba Nga-Trung-Mỹ?

Trang Ly |

Với chương trình HAARP của Mỹ cùng sự hợp tác "bất thường" giữa Nga và Trung Quốc cho thấy, các nước này có thể đang trong cuộc đua thao túng bầu trời.

Tờ SCMP dẫn lời những nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án cho biết, Trung Quốc và Nga bắt tay nhau sửa đổi một tầng quan trọng của bầu khí quyển phía bên trên châu Âu để thử nghiệm một công nghệ mới, gây tranh cãi.

Cụ thể, vào tháng 6/2018, tổng cộng 5 thí nghiệm đã được các nhà khoa học hai nước lần lượt thực hiện. Trong đó có hai thí nghiệm do căn cứ Sura thực hiện. Đây là một căn cứ sưởi ấm khí quyển ở Vasilsursk do quân đội Liên Xô xây dựng thời Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989).

Thí nghiệm thứ nhất diễn ra ngày 7/6: Gây ra xáo trộn vật lý trên một vùng diện tích rộng 126.000 km2, tương đương khoảng một nửa kích thước của Anh. Khu vực rộng lớn này trải qua một xung điện, tạo ra các hạt hạ nguyên tử mang điện tích âm lớn gấp 10 lần so với khu vực xung quanh.

Thí nghiệm thực hiện ngày 12/6: Nga và Trung Quốc tiến hành "đốt nóng" bầu khí quyển, khiến nhiệt độ tại một phần tầng điện ly tăng lên 100 độ C so với khu vực xung quanh.

Để làm nóng tầng điện ly (cách 80-6.400 km so với mặt đất), căn cứ Sura đã bắn năng lượng mạnh vào lớp plasma ion hóa của tầng này. Ước tính, năng lượng này có thể đạt tới 260 megawatt, đủ để thắp sáng một thành phố nhỏ.

Nếu như Nga chuyên trách việc làm nóng tầng điện ly thì Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát điện từ có tên Zhangheng-1 để quan sát và thu thập dữ liệu sau thí nghiệm.

Kết quả đạt được sau 5 thí nghiệm được kết luận là "đạt yêu cầu". Toàn bộ báo cáo được xuất bản trong số mới nhất của Tạp chí Trái Đất và Vật lý hành tinh của Trung Quốc.

Kiểm soát tầng điện ly: Kế hoạch thâm sâu của Nga và Trung Quốc?

Sau khi kết quả thí nghiệm được đăng trên Tạp chí Trái Đất và Vật lý hành tinh, Inverse đã đưa ra báo động về kế hoạch gây tranh cãi của Nga-Trung nhằm kiểm soát tầng điện ly, và lo ngại rằng hai quốc gia có thể lập kế hoạch điều khiển thời tiết, thiên tai và thậm chí cả tâm trí con người.

Hun nóng tầng điện ly lên 100 độ C: Âm mưu độc chiếm bầu trời của bộ ba Nga-Trung-Mỹ? - Ảnh 1.

Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát điện từ Zhangheng-1 ngày 2/2/2018 từ bãi phóng ở Jiuquan, tỉnh Gansu. Nguồn: Wang Jiangbo/China News Service/VCG.

Trong khi các nhà khoa học không mấy làm lo lắng về kết quả của các thí nghiệm mà Nga và Trung Quốc thực hiện, bởi họ cho rằng "tầng điện ly của Trái Đất rất lớn. Việc bơm vào đó một lượng năng lượng lớn thì nó cũng chẳng hề hấn gì" - Inverse trích dẫn nhận xét của chuyên gia về tầng điện ly Meers Oppenheim thuộc Đại học Boston (Mỹ).

"Những thí nghiệm này nghe có vẻ đáng lo ngại, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chưa không có gì phải lo lắng." - Giáo sư vật lý không gian và khí quyển Christopher Scott thuộc Đại học Reading (Anh) nói.

Tuy nhiên, các nhà lập luận thuyết âm mưu không thỏa mãn với những nhận định của các nhà khoa học. Họ cho rằng, Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch thâm sâu hơn nhằm kiểm soát tầng điện ly. Bởi như Zing đã trình bày, tầng điện ly có tác dụng dội sóng vô tuyến về bề mặt Trái Đất, đóng vai trò quan trọng với các phương tiện liên lạc.

Và người ta có thể chặn thông tin liên lạc bằng cách tăng mật độ plasma hoặc bằng cách tạo ra các cấu trúc phân tán sóng vô tuyến. Không quân thậm chí còn muốn tăng cường phạm vi tín hiệu vô tuyến bằng cách kích nổ “bom plasma” từ vệ tinh siêu nhỏ.

Giáo sư Guo Lixin, trưởng khoa vật lý và kỹ thuật quang điện tử tại Đại học Xidian ở Tây An và là nhà khoa học hàng đầu về công nghệ tầng điện ly ở Trung Quốc, cho biết thí nghiệm chung giữa Nga và Trung Quốc là vô cùng bất thường. "Sự hợp tác quốc tế như vậy là rất hiếm đối với Trung Quốc." - Ông nói.

Cuộc đua thao túng bầu trời: Đã diễn ra từ lâu, Mỹ cũng không ngoại lệ

Inverse cho biết, nghiên cứu về tầng điện ly đã diễn ra trong hơn một thế kỷ và các nhà khoa học đã sử dụng máy sưởi để chế tạo và thử nghiệm tại đây từ những năm 1950. 

Do tầng điện ly phản xạ và điều chỉnh sóng vô tuyến được sử dụng để liên lạc và điều hướng, nên các nghiên cứu về nó đặc biệt có lợi cho quân đội và hệ thống GPS của họ. Và bởi vì tầng điện ly bên trên nước Nga không giống như tầng điện ly bên trên bang Alaska (Mỹ), sự hợp tác quốc tế giữa Nga-Trung là cần thiết để hiểu toàn bộ về nó.

Và dĩ nhiên, Mỹ không phải là người ngoài cuộc trong lĩnh vực này: Chương trình nghiên cứu tầng điện ly dày công nhất, và gây nhiều tranh cãi nhất của nước này là Chương trình Nghiên cứu Hoạt động Cực quang Cao tần (HAARP) ở Alaska, được Mỹ xây dựng vào năm 1993. 

Hun nóng tầng điện ly lên 100 độ C: Âm mưu độc chiếm bầu trời của bộ ba Nga-Trung-Mỹ? - Ảnh 2.

HAARP bị nghi ngờ là nơi chuyên nghiên cứu cách thức gây ra các thảm họa "rất tự nhiên" như siêu bão, động đất, lốc xoáy, lũ lụt... Ảnh: Internet.

Chương trình này được tài trợi bởi Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ, trường Đại học Alaska Fairbanks, và Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) Mỹ.

Còn đối với Liên Xô, căn cứ Sura ở Vasilsursk được cho là cơ sở quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng cho mục đích này. Đi vào hoạt động năm 1981, căn cứ Sura cho phép các nhà khoa học Liên Xô "thao túng" bầu trời như một công cụ cho các hoạt động quân sự, như liên lạc với tàu ngầm...

Âm mưu nào đang diễn ra trên tầng điện ly?

Cũng giống như Vùng 51 với những đồn đoán liên quan đến UFO và người ngoài hành tinh nổi tiếng ở Mỹ, HAARP cũng được nhiều nhà lý luận thuyết âm mưu tin rằng nó là "đế chế ngầm" Mỹ dùng để thao túng Trái Đất và con người!

Việc bỏ ra 290 triệu USD để xây dựng chương trình HAARP khiến nhiều người cho rằng, mục đích nắm rõ được những hoạt động tại tầng điện ly giúp giảm nhẹ những tác hại khủng khiếp từ các cơn bão Mặt Trời đến Trái Đất chỉ là cái cớ.

Nhiều cáo buộc đưa ra, HAARP có thể là "tác nhân" đứng sau hàng loạt các thảm họa và những hiện tượng được cho là của thiên nhiên đầy bí ẩn, như sự nóng lên toàn cầu, hay những âm thanh kỳ lạ xuất hiện từ bầu trời, sa mạc...

HAARP còn bị nghi ngờ là nơi chuyên nghiên cứu cách thức gây ra các thảm họa "rất tự nhiên" như siêu bão, động đất, lốc xoáy, lũ lụt...

Bài báo của RT đăng tải hồi tháng 5/2014, cho biết, trong một cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2010, cựu Tống thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cáo buộc HAARP đã gây ra trận lụt hủy diệt tại Pakistan.

Một điều đáng chú ý là, sau khi xây dựng một "cỗ máy" tại Alaska, hai "cỗ máy" tương tự HAARP cũng lần lượt được xây dựng tại Na Uy và Greenland với tổng công suất gần 1 tỷ W. Nếu nối 3 cơ sở này lại với nhau thì nó giống như hình cái cung chĩa thẳng về hướng Nga. (Đọc chi tiết, tại đây).

Liệu việc Nga-Trung bắt tay hợp tác có phải là để đối phó với một nước Mỹ đầy âm mưu?

Xem hình: Các tầng khí quyển của Trái Đất

Hun nóng tầng điện ly lên 100 độ C: Âm mưu độc chiếm bầu trời của bộ ba Nga-Trung-Mỹ? - Ảnh 4.

Các tầng khí quyển của Trái Đất. Đồ họa: MQ

Đọc các bài về hồ sơ Mỹ - Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh - Tại đây.

Bài viết sử dụng nguồn: Inverse, SCMP 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại