"Không khoan nhượng" với Mỹ, nhưng Iran sẵn sàng đàm phán với "kẻ thù" Vùng Vịnh?

DK |

Áp lực quân sự của Mỹ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ đồng minh Arab Saudi, nếu Iran và nước này "đóng băng" xung đột thì đồng nghĩa với nỗ lực của Mỹ cũng không còn ý nghĩa.

Iran "không khoan nhượng" với Mỹ nhưng sẵn sàng đàm phán với các quốc gia Vùng Vịnh

Hôm 27/5, tờ Sputnik đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Iran về các vấn đề chính trị Abbas Araghchi cho biết Tehran đã sẵn sàng hội đàm với tất cả các quốc gia Vùng Vịnh thông qua mạng xã hội Twitter:

"Đây là chuyến viếng thăm Oman, (tôi) sẽ tới Kuwait và Qatar tiếp theo.

Sẽ không có đàm phán trực tiếp hay gián tiếp với Mỹ, nhưng (Iran) sẵn sàng đàm phán với mọi quốc gia ở Vịnh Ba Tư để có mối quan hệ cân bằng và mang tính xây dựng, dựa trên sự tôn trọng lợi ích của nhau".

Không khoan nhượng với Mỹ, nhưng Iran sẵn sàng đàm phán với kẻ thù Vùng Vịnh? - Ảnh 1.

Bức ảnh được ông Abbas Araghchi chia sẻ về chuyến viếng thăm Iran.

Ông Araghchi hiện đang trong một chuyến đi ngoại giao trong khu vực với các điểm dừng ở Oman, Kuwait và Qatar.

Theo Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA), ông Araghchi sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các sự kiện xảy ra trong và xung quanh Vịnh Ba Tư gần đây.

Hiện Mỹ đang tăng cường gây sức ép với Iran bằng cụm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, nhóm đặc nhiệm ném bom B-52 hay các tên lửa phòng không Patriot PAC-3 và mới đây nhất là bổ sung thêm 1.500 quân tới khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Oman Yusuf bin Alawi ngỏ ý định trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hồi đầu tuần này rằng Oman sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Tehran và Washington để xoa dịu căng thẳng.

IRNA cho biết thêm rằng sự sẵn sàng làm trung gian giữa hai quốc gia của Oman cũng đã được Đại sứ Oman tại Washington Hunaina Al-Mughurine khẳng định.

Bà Al-Mughurine nói rằng Oman muốn giúp Iran và Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng nếu cả hai bên sẽ thấy sự giúp đỡ đó hữu ích, tuy nhiên Oman không tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của các quốc gia khác.

Không khoan nhượng với Mỹ, nhưng Iran sẵn sàng đàm phán với kẻ thù Vùng Vịnh? - Ảnh 2.

Oman là trung gian hòa giải quan trọng để chấm dứt Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988).

Iran nhờ "bạn bè" ở Vùng Vịnh để tiếp cận Arab Saudi?

Chuyến viếng thăm của Thứ trưởng Abbas Araghchi tập trung vào 3 quốc gia Oman, Kuwait và Qatar. Nhưng tại sao lại là 3 quốc gia này?

Các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhiều năm nay đã không thống nhất về cái gọi là "tiết chế hoạt động" của Iran ở Trung Đông.

Arab Saudi, UAE và Bahrain đã chống lại Iran một cách công khai và luôn muốn thành lập một mặt trận Arab thống nhất chống lại Iran.

Nhưng ba nước Qatar, Oman và Kuwait có xu hướng thực hiện chính sách "phòng ngừa chiến lược", tức là hợp tác chặt chẽ với Arab Saudi trong khi duy trì quan hệ kinh tế và chính trị với Iran.

Cuộc phong tỏa Qatar của các nước Arab do Arab Saudi dẫn đầu năm 2017 đã vô tình nối lại mối quan hệ giữa Iran và Qatar với dấu mốc vào tháng 8/2017 khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Oman là nhà trung gian hòa giải trong khu vực, nước này đã nhiều năm đứng ra trung gian tổ chức các sự kiện lớn liên quan tới Iran như đàm phán ngưng bắn Chiến tranh Iran - Iraq hay Thỏa thuận hạt nhân Iran (2015).

Dưới những áp lực của Arab Saudi, Kuwait đã phải tham chiến một cách hạn chế trong thành phần lực lượng Liên minh Arab can thiệp vào Yemen để chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Nhưng Oman và Qatar thì cố gắng "tránh xa" cuộc xung đột này.

Không khoan nhượng với Mỹ, nhưng Iran sẵn sàng đàm phán với kẻ thù Vùng Vịnh? - Ảnh 4.

Mặc dù đưa quân tham gia can thiệp Yemen (dưới áp lực của Arab Saudi) nhưng Kuwait cũng tuyên bố "Không có giải pháp quân sự cho vấn đề Yemen" vào năm 2018.

Ba nước nằm bên bờ Vịnh Ba Tư nói trên là những "bạn bè" duy nhất mà Iran có trong GCC.

Thông qua trung gian hòa giải của ba nước này, Iran liệu có thể kết nối với "đối thủ" Arab Saudi và chấm dứt mâu thuẫn đang thực tế hóa bởi hai cuộc chiến tranh ủy nhiệm Syria và Yemen hay không?

Các động thái gây áp lực quân sự của Mỹ với Iran được cho là phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ đồng minh Arab Saudi, nếu Iran và nước này "đóng băng" xung đột thì đồng nghĩa với nỗ lực của Mỹ đã không còn ý nghĩa.

Tất nhiên là không còn cuộc tranh giành ảnh hưởng hoặc chuyển sang "hòa hoãn" giữa Iran và Arab Saudi, các cuộc chiến Syria và Yemen cũng sẽ nhanh chóng kết thúc.

Khi không còn xung đột Arab Saudi - Iran, không còn các cuộc can thiệp ở Yemen và Syria thì vũ khí Mỹ khó lòng được xuất khẩu rầm rộ như hiện tại. Đây sẽ là cú đánh mạnh vào nền kinh tế Mỹ và "người Mỹ hoàn toàn không thích điều này".

Iran và Qatar tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung vào tháng 2/2019 (Nguồn Ruptly).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại