Không hôn và quan hệ tình dục an toàn có ngừa được nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2?

Hoàng Nam (tổng hợp) |

Tình dục có thể rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, xã hội và thể chất, nó là một phần của cuộc sống hàng ngày. Mọi người có thể và nên tiếp tục quan hệ tình dục trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, nhưng cách nào để quan hệ tình dục an toàn để ngừa nguy cơ mắc COVID -19.

1. Cách virus SARS-CoV-2 lây lan

Virus SARS-CoV-2 ( virus gây ra bệnh COVID-19) lây lan qua các giọt bắn trong nước bọt và dịch hô hấp (thở) khi một người bị nhiễm virus đó ho, hắt hơi và thậm chí là nói hoặc hát. Nó có thể lây lan trong phạm vi 2 mét với người mang virus nếu các giọt bắn được hít vào hoặc rơi vào miệng hoặc mũi của ai đó gần đó. Nó cũng có thể được truyền qua khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm và sau đó chạm vào mặt, mắt, mũi hoặc miệng. Tất cả các tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với người bị nhiễm bệnh đều có thể khiến bạn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - cho dù bạn có tham gia hoạt động tình dục hay không.

Không hôn và quan hệ tình dục an toàn có ngừa được nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2? - Ảnh 1.

2. COVID-19 tác động thế nào đến sức khoẻ tình dục ?

Đại dịch nghiêm trọng và kéo dài khiến chúng ta căng thẳng, mệt mỏi, lo sợ vì dịch bệnh nên việc suy giảm ham muốn tình dục ở nhiều người hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo một nghiên cứu của Trung Quốc được công bố vào tháng 7/ 2021 trên Tạp chí Y học tình dục cho thấy, trong số 459 người tham gia, cứ 4 người thì có 1 người bị đại dịch COVID -19 gây tác động giảm ham muốn tình dục.

Còn trong một nghiên cứu quy mô nhỏ được thực hiện để phân tích tác động của đại dịch đối với mức độ lo lắng và căng thẳng của con người, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khẳng định rằng đại dịch hiện nay gây ra căng thẳng và lo lắng cho nhiều người dân. Điều này có thể gợi ý rằng gián tiếp cuộc khủng hoảng do COVID có thể đã dẫn đến giảm ham muốn tình dục ở nam giới và nữ giới. Nhiều cặp vợ chồng sống mất hứng thú trong quan hệ tình dục.

Nhà tiết niệu học – bác sĩ Ranjith Ramasamy ở Nam Florida, Mỹ đã quan sát thấy một xu hướng đáng lo ngại trong số các bệnh nhân của ông. Ngày càng nhiều đàn ông sau khi nhiễm COVID-19 phàn nàn rằng họ gặp "vấn đề nghiêm trọng" trong quan hệ tình dục. Nam giới có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm COVID. Đối với một số người, tình trạng bệnh rối loạn chức năng tình dục kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn.

Theo một bài báo đăng vào tháng 8/2021 trên Tạp chí Y học New England, có đến 10 - 30 % những người bị nhiễm coronavirus — ít nhất 42 triệu trường hợp ở Mỹ và 229 triệu trường hợp trên toàn thế giới — trải qua các triệu chứng suy nhược cơ thể liên tục, có thể gây "tàn tật nghiêm trọng" hậu COVID-19. Trong số đó, nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể phá hoại sức khỏe tình dục của nam giới.

Các nghiên cứu khác đã ghi nhận nhiều trường hợp nam giới sau khi mắc COVID-19 bị ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục như: không thể có hoặc duy trì sự cương cứng, tổn thương tinh hoàn, đau hoặc sưng tinh hoàn, không có khả năng đạt được cực khoái, mức testosterone thấp và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Đối tượng nam giới có nguy cơ cao bị rối loạn chức năng tình dục sau khi mắc COVID-19 là đàn ông lớn tuổi hoặc những người bị tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường và bệnh tim… Thực tế, ngày càng có nhiều báo cáo ghi nhận các trường hợp nam giới trẻ tuổi gặp vấn đề rối loạn tình dục sau khi mắc COVID-19.

Không hôn và quan hệ tình dục an toàn có ngừa được nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2? - Ảnh 2.

3. COVID-19 có lây truyền qua đường tình dục không?

COVID-19 không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, virus được truyền qua tiếp xúc với các giọt nhỏ từ mũi và miệng, bao gồm cả nước bọt của người bị bệnh, có thể xảy ra khi tiếp xúc gần gũi với người khác. Điều này có nghĩa là có nhiều khả năng lây truyền virus SARS - CoV -2 khi bạn quan hệ tình dục hoặc thân mật với ai đó. Virus đã được tìm thấy trong tinh dịch và phân, vì vậy các hoạt động khi quan hệ như tiếp xúc miệng với vị trí xung quanh hậu môn) có thể là khiến virus lây truyền.

Mặc dù COVID-19 không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên, nó có thể lây qua tiếp xúc gần khi bạn quan hệ tình dục hoặc gần gũi với ai đó. Ở một số nơi, mọi người được khuyến cáo tránh quan hệ tình dục với những người mà họ không sống cùng để tránh lây truyền virus.

Không hôn và quan hệ tình dục an toàn có ngừa được nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2? - Ảnh 3.

4. Quan hệ tình dục an toàn trong đại dịch COVID-19

Một số cách để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 khi quan hệ tình dục với người khác:

Quan hệ tình dục với bạn tình (vợ, chồng) mà bạn sống chung là không sao, miễn là bạn và người đó không có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19. Tốt nhất là bạn và đối tác đã tiêm đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 . Bạn là đối tác tình dục an toàn nhất của bạn bởi thủ dâm sẽ không lây lan COVID-19. Quan hệ tình dục chung thủy với một bạn tình có thể giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Nói chuyện với đối tác tình dục của bạn về cách 2 người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để làm cho tình dục an toàn hơn cho bạn và đối tác tình dục của bạn, như đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc trực diện.

Bạn không nên quan hệ tình dục với bất kỳ ai nếu bạn hoặc đối tác của bạn có:

Đã từng tiếp xúc với một trường hợp nhiễm COVID-19. Nếu bạn hoặc bạn tình có các triệu chứng COVID-19, bạn nên giữ khoảng cách và tránh quan hệ tình dục trong 14 ngày.

Không hôn và quan hệ tình dục an toàn có ngừa được nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2? - Ảnh 4.

5. Các bước bảo vệ bản thân tránh mắc COVID-19 khi quan hệ tình dục

Nếu bạn quyết định quan hệ tình dục với người mà bạn không sống cùng, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây truyền COVID-19. Hãy hỏi đối tác của bạn nếu họ cảm thấy không khỏe hoặc có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19, thông báo ngay cho nhau nếu một trong hai người xuất hiện các triệu chứng của COVID-19. Hãy chắc chắn rằng bạn tình của bạn không quan hệ tình dục với những người khác không sống chung với bạn để giảm nguy cơ mắc COVID-19.

Nếu bạn hoặc đối tác của bạn có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19 - sốt, ho khan, mệt mỏi hoặc mất vị giác hoặc khứu giác - bạn sẽ cần phải giữ khoảng cách với nhau trong 14 ngày để tránh lây truyền virus. Trong thời gian này, bạn nên tránh quan hệ tình dục hoặc bất kỳ hình thức thân mật thể xác nào, chẳng hạn như hôn và âu yếm.

Tránh hôn, nhất là hôn sâu với bất kỳ ai mà bạn không sống cùng. Hôn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Tiếp xúc với nước bọt của một người qua nụ hôn và các hoạt động tình dục khác có thể khiến bạn tiếp xúc với virus. Những người nhiễm COVID-19 có thể làm lây lan các giọt bắn lên da và đồ dùng cá nhân của họ. Do đó, bạn tình cũng có nguy cơ lây nhiễm virus khi tiếp xúc với những bề mặt này và sau đó đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng của mình. Ngoài ra, hãy dành thời gian làm các việc sau:

- Tắm sạch sẽ, rửa kỹ tay bằng nước và xà phòng trước và sau khi quan hệ tình dục.

- Dùng xà phòng hoặc khăn tẩm cồn để làm sạch vị trí bạn có hoạt động tình dục.

- Nếu bạn sử dụng đồ chơi tình dục, hãy rửa kỹ những đồ chơi này bằng xà phòng và nước và không dùng chung đồ chơi đó.

- Hít thở nặng nhọc khi quan hệ tình dục có thể tạo ra nhiều giọt hơn có thể truyền virus SARS - CoV - 2.

- Cân nhắc đeo khẩu trang trong khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây truyền virus cho bạn tình của bạn.

- Chọn các tư thế quan hệ tình dục hạn chế tiếp xúc trực diện.

- Sử dụng bao cao su, chất bôi trơn và miếng dán nha khoa có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với nước bọt, tinh dịch, phân, máu và dịch âm đạo khi quan hệ tình dục. Sau tiêm vaccine COVID-19 có kiêng quan hệ tình dục không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại