Tại Shaji, phía đông Trung Quốc, các nhà máy trên đường Ali và Đại lộ Jack Ma chuyên sản xuất tủ và bàn cà phê. Những con đường tại đây được đặt tên để tri ân nhà sáng lập Alibaba và Jack Ma sau khi công ty của ông đã giúp chuyển đổi một thị trấn nông nghiệp thành một cộng đồng các nhà buôn online thành công trong 2 thập kỷ qua.
Tuy nhiên hiện tại, các chủ nhà máy nói rằng các nền tảng của Jack Ma không còn đảm bảo cho họ về doanh số bán hàng. Họ đang bắt đầu đưa hàng hóa lên các nền tảng trực tuyến đối thủ của Alibaba gồm cả Pinduoduo, JD.com và Douyin cảu ByteDance để tiếp tục tồn tại.
"Thị trường buộc tôi phải tìm tới Pinduoduo, nếu không chúng tôi sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi", theo Zuo Jian – một người đang điều hành 5 nhà máy tại Shaji. "Các nhà buôn đang rời Alibaba và cả khách hàng cũng vậy".
Hàng chục nhà buôn nói rằng thói quen của người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi khi mà việc mua sắm trên nhiều nền tảng trở thành chuẩn mực mới, buộc họ phải làm theo và mở các cửa hàng trực tuyến ở những nơi khác.
Sự đa dạng hóa kênh bán hàng cho thấy những vấn đề mà Alibaba đang phải đối mặt. Công ty này hiện đang có tham vọng tái cấu trúc khổng lồ trong khi họ vẫn đang cố gắng làm sống lại hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chính.
Tình hình hiện tại được cho là rất khác so với những gì diễn ra ở Shaji những năm đầu. Khi ấy, các nền tảng của Alibaba là lựa chọn duy nhất cho người bán. Shaji thậm chí trở thành hình mẫu nổi tiếng tại Trung Quốc, được đặt biệt danh là "làng Taobao" để nói về hoạt động làm giàu lên nhanh chóng nhờ thương mại điện tử, nhờ Alibaba.
Theo Alibaba, đã có tổng tộng 7.780 làng Taobao như vậy mọc lên trên khắp Trung Quốc. Nhiều trong số đó ở Shaji đã bắt đầu với chỉ một vài nhà buôn và sau khi phát triển thành công, họ kéo theo hàng xóm, anh em họ hàng tham gia cùng. Dần dần, những cánh đồng bắt đầu biến thành các nhà máy.
Người bán hàng trực tuyến là huyết mạch của bất kỳ nền tảng thương mại điện tử nào. Đối với Alibaba, các thương gia thường bỏ tiền để hàng hóa của họ được hiển thị nổi bật trên các trang web Taobao và Tmall. Ngoài ra, họ cũng chia tiền hoa hồng mỗi lần bán hàng cho các nền tảng – thứ mang lại phần lớn lợi nhuận cho công ty thương mại điện tử này.
Nhưng tài khoản của Alibaba cho thấy năm ngoái nguồn doanh thu này thấp hơn 4% so với mức đỉnh năm 2021. Các nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu Bernstein ước tính rằng thị phần của tập đoàn này trong miếng bánh thương mại điện tử của Trung Quốc đã giảm từ 68% vào năm 2019 xuống còn 42% vào năm 2023. "Những sáng kiến mà họ thực hiện cho đến nay vẫn chưa ngăn được sự trượt dốc thị phần", chuyên gia Robin Chu của Bernstein lưu ý.
Eddie Wu, CEO của Alibaba đã nắm quyền kiểm soát Taobao và Tmall vào tháng 12. Tuần trước, ông nói với các nhà đầu tư rằng tập đoàn đang tập trung vào cải tổ hoạt động thương mại để cải thiện trải nghiệm người dùng và mở rộng số lượng sản phẩm được bán trực tiếp bởi các nhà máy.
Wu cũng đang điều phối việc tái cơ cấu rộng rãi hơn của Alibaba khi ông nỗ lực chống lại sự cạnh tranh của các đối thủ. Pinduoduo, thuộc sở hữu của PDD Holdings, vào tháng 11 năm ngoái đã nhanh chóng vượt qua Alibaba để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tính theo giá trị thị trường.
Quay trở lại với Zuo, nhà buôn tại Shaji được nhắc tới ở đầu bài viết. Anh cho biết khoảng 60% doanh số bán hàng của mình hiện đến từ Pinduoduo, Alibaba và JD.com ngang bằng nhau, còn Douyin thấp nhất.
Sau khi bắt đầu bán hàng trên Alibaba vào năm 2015, anh gia nhập nền tảng của Pinduoduo ba năm trước. Nhân viên của Pinduoduo đã đưa anh đến trụ sở chính ở Thượng Hải để tham gia các buổi họp về chiến lược và thỉnh thoảng vẫn tư vấn về loại sản phẩm nào cần nguồn cung lớn hơn.
Sự hỗ trợ trực tiếp trái ngược với cách tiếp cận không can thiệp của Alibaba. "Người Ali không quan tâm đến chúng tôi chút nào", Zuo nói. "Bây giờ họ đã bắt đầu đến đây, nhưng họ có thể mang lại thứ gì cho chúng tôi khi mà họ không có người mua hàng".
Tuy nhiên, Zuo cho biết anh chỉ xem khối lượng doanh số bán hàng trên Pinduoduo là đủ để giữ cho các nhà máy của mình hoạt động tốt, trong khi lợi nhuận của anh đến từ việc bán hàng hóa có lợi nhuận cao hơn trên Taobao và JD.com. Anh nói: "Chúng tôi không thể tin tưởng vào bất kỳ nền tảng duy nhất nào, chúng tôi cần phải đa dạng hóa".
Pinduoduo, nổi tiếng với mức giá rẻ, đặc biệt đã tăng tốc khi nền kinh tế Trung Quốc trì trệ. Các nhà máy ở Shaji cho biết người dùng trên nền tảng này chỉ tập trung vào mức giá thấp. "Pinduoduo có nhiều người qua lại nên chúng tôi không cần phải mua nhiều quảng cáo", một chủ xưởng sản xuất bàn cà phê và tủ đựng quần áo cho biết. Cô cho biết doanh số bán hàng của mình hiện được chia đôi giữa Pinduoduo và Alibaba.
Đáp lại yêu cầu bình luận của Financial Times, Taobao và Tmall cho biết cả hai kết hợp lại là dịch vụ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tính theo tổng giá trị hàng hóa. Ngoài ra, các nền tảng này đã tăng số lượng người bán, giao dịch với người mua hàng và khối lượng đặt hàng trong năm qua mà không cung cấp thông tin chi tiết.
Luo Zhendong, giáo sư tại Đại học Nam Kinh, người từng viết sách về các "làng Taobao" cho biết thuật ngữ này không còn chính xác nữa. Ông nói: "Một số lượng lớn các làng Taobao không còn chủ yếu sử dụng Taobao nữa. Bây giờ họ thực sự là những làng thương mại điện tử".
Ông nói: "Sau đại dịch, khả năng chi tiêu của mọi người đều giảm sút. Pinduoduo làm tốt là chuyện bình thường".
Tuy nhiên, một số chủ nhà máy ở Shaji cho biết họ phản đối việc bán hàng trên Pinduoduo. Li Su sản xuất tủ nhôm theo đơn đặt hàng chất lượng cao hơn và cho biết người mua hàng ở Pinduoduo quá tiết kiệm và không thể mua sản phẩm của anh.
"Lượng truy cập trên Taobao và Tmall đang giảm, điều đó đúng, nhưng đó vẫn là nơi có lượng khách hàng tốt nhất", anh nói.
Một chủ nhà máy trẻ, người đang giám sát khoảng 60 công nhân lắp ráp gương, cho biết anh đã từ bỏ việc bán hàng trên Pinduoduo vào năm ngoái khi không thể kiếm được lợi nhuận.
"Lượng truy cập vào Alibaba chắc chắn đang giảm", anh nói, đồng thời lưu ý rằng sẽ tập trung vào việc tăng doanh số bán hàng trên JD.com và nước ngoài trong năm tới. "Bạn không thể tin tưởng vào bất kỳ nền tảng nào, tất cả chúng đều không đáng tin cậy", anh nói và từ chối nêu tên.
Zeng Yiwu, phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Hàng Châu cho biết thị trường nông thôn của Alibaba đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự nổi lên của các nền tảng thương mại điện tử khác.
Ông nói: "Người mua hàng và người bán ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn không còn bị giới hạn trên các nền tảng của Alibaba như cách đây một thập kỷ.
"Alibaba cần đưa ra một chiến lược thực sự tốt để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng lớn".