55 tỷ USD và một Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong nông nghiệp, truyền cảm hứng cho các nước

Minh Hằng - Đoàn Hương - Thu Hường (ghi) |

Năm 2023 là một năm với nhiều kỷ lục của nông nghiệp Việt Nam. Năm 2024, chúng ta sẽ làm gì để đi tiếp con đường rực rỡ đó?

55 tỷ USD và một Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong nông nghiệp, truyền cảm hứng cho các nước- Ảnh 1.

Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu nổi bật: GDP toàn ngành tăng cao nhất nhiều năm trở lại đây, đạt 3,83%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, tiếp tục khẳng định vị trí "trụ đỡ của nền kinh tế".

Năm 2024, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD trở lên. Việt Nam sẽ làm gì để đạt mục tiêu này? Đầu xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia, doanh nhân trong ngành nông nghiệp về chủ đề này.

---

TS. Đặng Kim Sơn

Năm 2023 là một năm vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục của ngành nông nghiệp. Trong suốt 40 năm qua, từ thời kỳ đổi mới, nông nghiệp vẫn là điểm sáng cả về xã hội lẫn về mặt kinh tế. Năm vừa qua có thể nói là 1 năm tăng trưởng nổi bật, với mức tăng 3,8% GDP.

Nhìn chung, nông nghiệp tăng tương đối đồng đều, trong đó trồng trọt là nổi bật nhất, sau đó là thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp đều giữ mức khá.

Có thể nói điểm nổi bật nhất là xuất khẩu. Trong tình hình chuỗi cung ứng còn rất nhiều vướng mắc, thị trường và sức mua trên thế giới suy giảm, xuất khẩu Việt Nam vẫn đạt thành tích tốt, kỷ lục là 53 tỷ USD. Điều đặc biệt là tỷ lệ xuất siêu khá cao, hơn 12 tỷ. Đây là mức xuất siêu ấn tượng, nhất là trong tình trạng vật tư đầu vào, thiết bị, giá dịch vụ logicstic đều tăng. Tôi cho rằng đây là một thành công rất đáng nể.

Trong toàn bộ bức tranh ấy điểm sáng nhất là lúa gạo. Giá gạo Việt Nam vượt xa mức 400 USD/tấn, lên 600 USD/tấn, chủ yếu là nhờ chất lượng. Đây là một điểm rất đáng tự hào. Trong khi toàn thế giới đều lo lắng về an ninh lương thực thì nông nghiệp Việt Nam trong nước giữ mức giá cả ổn định, trong cán cân thương mại thì củng cố, hỗ trợ cho ngoại thương và kinh tế chung rất tốt.

Sản xuất lúa gạo của chúng ta ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới. Hình ảnh, sức mạnh mềm Việt Nam được củng cố vững chắc.

55 tỷ USD và một Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong nông nghiệp, truyền cảm hứng cho các nước- Ảnh 2.

Trong điều kiện chúng ta phải cắt giảm vật tư đầu vào, giá vật tư tăng lên, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, tài nguyên đang tới hạn, biến đổi khí hậu tác động thì rõ ràng dựa vào công nghệ và cải tiến quản lý là xu hướng bắt buộc, thậm chí là con đường duy nhất chúng ta phải đi.

Vừa qua chúng ta đã có nhiều cố gắng, KHCN của chúng ta tiến nhiều về tự động hóa, cơ giới hóa, hệ thống cơ giới kể cả sản xuất lẫn chế biến được cải thiện một cách đáng kể, giống cũng được cải tiến tốt, nên thay đổi chất lượng. Một khía cạnh nổi bật nữa là chúng ta hướng về tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp sinh thái. Giảm phát thải carbon không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành chỉ tiêu, định mức, đưa vào đề án phát triển. Có thể nói, thay đổi tư duy sang tăng trưởng xanh đã bắt đầu đồng bộ từ người sản xuất, kinh doanh, chế biến cho đến người tiêu dùng. Đây là một xu hướng mới rất tốt.

Tuy nhiên, để thực sự biến một tư duy thành sức mạnh đòi hỏi có những bước tiến xa hơn mà ngoài bà con nông dân còn cần toàn xã hội, nhất là các ngành như tài nguyên môi trường, KHCN, tài chính phải vào cuộc để giúp cho ngành nông nghiệp.

Doanh nhân Phan Minh Thông

2023 là một năm khốc liệt với cà phê Việt Nam. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm làm nghề, chúng tôi thấy các giám đốc mua hàng, traders và nhà môi giới cà phê kiệt sức. Họ vật lộn với sức ép từ sếp họ và người mua mà họ đã ký hợp đồng. Các nhà xuất khẩu cũng vật lộn vì không có cà phê để mua, đồng nghĩa không có hàng để giao. Các công ty mua cà phê bắt đầu đòi các nhà xuất khẩu bồi thường, rồi liên tục gây áp lực vì bản chất hợp đồng mua của họ cũng đã bán cho các công ty rang xay rồi. Trong khi đó, gần như các kho hàng cà phê đều trống rỗng.

Người ta từng nghĩ cà phê Việt Nam là vô tận. Nhưng thực tế không phải như vậy. 10 năm qua, do bất động sản phát triển nóng, nông dân bán bớt đất khiến diện tích trồng cà phê giảm đi nhiều. Thứ hai, sau đại dịch Covid-19 thì ít người đi làm nông nghiệp, giá nhân công tăng. Và cuối cùng, thời tiết thay đổi kéo theo biến động lớn về mùa màng. Ba yếu tố trên đã làm cho sản lượng cà phê giảm rõ rệt.

Giá cà phê tăng liên tục khiến nông dân không muốn giao hàng cho thương lái chốt với mình. Thương lái nhiều người bán khống, không có hàng giao tiếp tục xù nhà kho, nhà xuất khẩu, đẩy ngành cà phê vào hỗn loạn.

Có người nói nông dân tham lam, giá cà phê 78.000 đồng/kg rồi mà còn ôm không bán. Nhưng phải nói rằng, ai cũng có lòng tham chứ không riêng nông dân. 20 năm qua, các công ty rang xay và phân phối cà phê lớn trên thế giới đã kiếm lợi nhuận khổng lồ từ cà phê giá rẻ Việt Nam. Và sau khi thu lời lớn hàng chục năm, họ còn ép từ nhà xuất khẩu đến các traders phải cho họ thanh toán chậm từ 150 ngày đến 360 ngày. Trong chuyện giao hàng cũng vậy. Khi mùa màng bội thu và nhu cầu tiêu thụ kém, họ ép các nhà xuất khẩu giao trễ dù nhà xuất khẩu đã mua đầy kho. Nhưng nếu cần hàng thì họ thúc bách chúng ta khủng khiếp.

55 tỷ USD và một Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong nông nghiệp, truyền cảm hứng cho các nước- Ảnh 3.

Nhưng sau năm 2023, các nhà mua đã nhận ra rằng Robusta Việt Nam không phải vô tận, họ phải thực sự quan tâm đến Việt Nam - nơi sản xuất cà phê. Và câu trả lời là để phát triển lâu dài bền vững ngành cà phê, chúng ta, cả người mua và người bán phải thực sự quan tâm đến cà phê, người trồng cà phê và diện tích trồng. Phát triển bền vững ở đây là sự phát triển đồng bộ cả vùng trồng trọt, đất đai, sản xuất, môi trường, con người, từ người nông dân, công nhân đến cả khối văn phòng. Không chỉ vậy, quá trình đó còn bao gồm cả những đối tượng tham gia vào quá trình mua bán, trao đổi. Đó là vấn đề sống còn đảm bảo sự tồn tại và phát triển của ngành, cũng như của các doanh nghiệp.

GS Võ Tòng Xuân 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đặc biệt là lúa gạo Việt Nam nói riêng, năm 2023 là năm phát triển đỉnh cao nhất từ trước tới nay. Lợi thế số một của gạo Việt Nam là các nhà lai tạo giống của chúng ta đã ghép thành công gene thơm với gene ngắn ngày, năng suất cao.

Các chính sách kịp thời và đúng đắn của chính phủ sẽ giúp hạn chế bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Về phía doanh nghiệp, phải có tư duy trong kinh doanh, chủ động sang các nước để tìm khách hàng, tận dụng lợi thế lúa gạo của Việt Nam có thể "sống chung với biến đổi khí hậu" và đáp ứng được những yêu cầu cao của thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải nghe ngóng tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình. Cái này thì nông dân không phải lo bởi đó là việc của các nhà quản lý và các doanh nghiệp. Ngày xưa ông bà mình nói "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", còn bây giờ, tôi nghĩ "nông nghiệp hưng vong do doanh nghiệp phụ trách".

55 tỷ USD và một Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong nông nghiệp, truyền cảm hứng cho các nước- Ảnh 4.

Năm 2024, tôi có 3 kỳ vọng lớn. Thứ nhất, về phía những nhà lai tạo giống, tôi hy vọng họ có thể lai tạo được nhiều giống lúa mới hơn, đồng thời giữ vững các giống đang có. Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục giữ vững thị trường để tạo đầu ra bền vững cho bà con nông dân. Tùy theo nhu cầu về loại gạo, sản lượng gạo của mỗi nhóm người sử dụng, các doanh nghiệp cần đưa ra phương án sản xuất hợp lý. Việc sản xuất lúa gạo không phải chỉ làm 1 giống mà cần phải làm nhiều giống, nhằm phục vụ theo nhu cầu của nhiều thị trường tại các nước trên thế giới. Thứ ba, về phía người nông dân, phải đổi mới nếu không muốn "nghèo hoài". Nông dân chủ động đổi mới sẽ có cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình, đồng thời góp phần thúc đẩy nông nghiệp của nước nhà phát triển.

Bà Sylvia Lopez-Ekra, PGĐ Trung tâm Điều phối hệ thống lương thực LHQ 

(Phát biểu tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững):

55 tỷ USD và một Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong nông nghiệp, truyền cảm hứng cho các nước- Ảnh 5.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại