Cái giá của việc không tiêm chủng cho con bạn, nếu không phải chính tính mạng đứa bé, thì đôi khi cũng rất đắt. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo một trường hợp bé trai 6 tuổi, mắc uốn ván phải điều trị suốt 2 tháng trong bệnh viện.
Bố mẹ cậu bé đã từ chối tiêm vắc-xin cho cậu hồi nhỏ. Thế nhưng, "tiết kiệm" một liều vắc-xin uốn ván trị giá 30 USD (hơn 700.000 VNĐ) đã khiến họ phải trả tới 811.929 USD viện phí (hơn 19 tỷ VNĐ) sau khi cậu bé mắc bệnh.
Cũng may mắn là cậu bé 6 tuổi đã được cứu sống và phục hồi hoàn toàn. Thế nhưng, sau tất cả những gì mà cậu bé phải chịu đựng, cha mẹ cậu vẫn nhất quyết không tiêm thêm bất kể một mũi vắc-xin nào cho con mình.
Thất bại trong việc thuyết phục họ, các bác sĩ chỉ có thể viết trường hợp này thành một báo cáo y tế để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khác.
Uốn ván là căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn Clostridium tetani. Chính xác hơn, đó là những gì xảy ra khi những vi khuẩn C. tetani sống trong đất xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua một vết thương hở.
Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ phun vào máu bạn một loại độc tố cực kỳ mạnh. Độc tố này có thể nhanh chóng làm tê liệt cơ bắp và gây ra những cơn co thắt liên tục. Mọi thứ sẽ bắt đầu từ hàm, tất cả những ai tìm hiểu về uốn ván đều biết căn bệnh sẽ gây cứng hàm, khiến bệnh nhân không ăn không nói được.
Những cơn co thắt sau đó lan đến ngực, lưng và ruột, dẫn đến những cơn đau khủng khiếp khiến bệnh nhân khó thở và thậm chí mất hoàn toàn sự kiểm soát ruột. Uốn ván là một căn bệnh tàn bạo, gây ra những tổn thương ghê gớm trên cơ thể người. Ngay cả khi được điều trị, 10% nạn nhân của vi khuẩn C. tetani sẽ chết.
Rất may, chúng ta đã có một loại vắc-xin phòng uốn ván từ những năm 1920. Nhờ vắc-xin này, con người đã gần như xóa sổ được căn bệnh này ở các quốc gia có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt.
Hầu hết mọi người dân ở Hoa Kỳ đều được tiêm phòng uốn ván đầy đủ từ độ tuổi còn đi học. Mũi uốn ván đầu tiên được tiêm từ khi 2 tháng tuổi (và người dân nên tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm).
Vi khuẩn Clostridium tetani gây bệnh uốn ván
Thật không may, cậu bé 6 tuổi ở Oregon đã không hề được tiêm bất kể một mũi vắc-xin nào từ khi sinh ra. Mọi chuyện chưa có gì đáng nghiêm trọng, cho đến một ngày cậu bé chơi đùa bên ngoài trang trại và bị ngã trầy trán.
Mặc dù đã được sơ cứu tại nhà, 6 ngày sau đó, cậu bé bắt đầu bị khóa hàm và co thắt cơ bắp. Như mọi bệnh nhân mắc uốn ván khác và giống như tên của căn bệnh, lưng và cổ cậu ta cong lại một cách không tự chủ và cuối cùng khiến cậu không thể thở được.
Ngay sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã phải tiêm bổ sung ngay một vài mũi vắc-xin uốn ván cho cậu bé, theo phác đồ được khuyến cáo sau 48 tiếng nhiễm vi khuẩn.
Suốt 47 ngày tiếp theo, cậu được chăm sóc đặc biệt, cần máy thở để thở và truyền thuốc liên tục qua ống truyền tĩnh mạch để kiểm soát huyết áp, các cơn đau và co thắt cơ bắp.
Phải đến ngày thứ 50, cậu bé mới bắt đầu hồi phục, có thể bước đi được khoảng 6 mét dưới sự trợ giúp của người khác. Cậu bé đáng thương cần thêm 2 tuần mới có thể điều khiển lại được toàn bộ cơ thể nằm liệt của mình.
Một bệnh nhân uốn ván bị cong lưng và co thắt cơ bắp
Mặc dù giữ lại được tính mạng, cậu bé đã phải trải qua 57 ngày khổ sở trong bệnh viện. Tổng cộng hóa đơn viện phí mà bố mẹ cậu phải trả lên tới 811.929 USD (tương đương hơn 19 tỷ VNĐ), đó còn chưa bao gồm phí vận chuyển bằng máy bay và chăm sóc phục hồi chức năng.
Trong so sánh, ca uốn ván ở bệnh nhi này đã tốn gấp 72 lần viện phí trung bình của một đứa trẻ, theo nghiên cứu được trích dẫn bởi các tác giả. Và nó có giá đắt hơn gấp bội so với một liều vắc-xin uốn ván cho trẻ em, có giá chỉ 30 USD mỗi liều.
Các bác sĩ nói rằng đây là trường hợp bệnh nhi uốn ván đầu tiên được báo cáo ở Oregon trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến 2015, đã có 197 trường hợp uốn ván và 16 trường hợp tử vong được báo cáo khắp nước Mỹ. Một số trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhưng đã phải chịu mức viện phí đắt hơn, lên tới hơn 1 triệu USD.
Judith Guzman-Cottrill, giáo sư nhi khoa tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, tác giả nghiên cứu này cho biết trường hợp cậu bé 6 tuổi ở Oregon là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của tiêm chủng vắc-xin, đặc biệt là cho bệnh uốn ván.
Đó là vì uốn ván chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị ô nhiễm chứ không phải từ người sang người như cúm. Vì vậy, dựa vào sự bảo vệ từ những người khác đã được tiêm vắc-xin, còn được gọi là miễn dịch cộng đồng, sẽ không bảo vệ được bạn khỏi khỏi vi khuẩn trong đất.
Giáo sư Guzman-Cottrill khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiêm vắc-xin uốn ván cho trẻ và ngay cả người lớn cũng nên nhắc lại mũi tiêm sau mỗi 10 năm để phòng bệnh.
Về phần cậu bé 6 tuổi ở Oregon, rất may mắn là câu chuyện đã kết thúc có hậu, ít nhất là tới thời điểm này. Sau 1 tháng điều trị phục hồi chức năng, cậu đã có thể đi lại, đạp xe và các chức năng cơ thể được khôi phục hoàn toàn.
Nhưng có vẻ như bố mẹ cậu bé vẫn không rút ra được bài học cho mình. Bất chấp những gì mà đứa con của họ đã phải chịu đựng, các bác sĩ đã phải cầu xin họ tiêm chủng cho đứa bé mà không được.
Ngoài mũi uốn ván ở bệnh viện được tiêm theo phác đồ điều trị, cậu bé chưa được tiêm thêm bất kể một loại vắc-xin nào khác.