Không chỉ là bướu cổ, thiếu i-ốt gây hàng loạt bệnh tật nguy hiểm không ngờ ở người

Dương Hải |

Mặc dù Việt Nam đã đạt thành tựu cơ bản thanh toán xong tình trạng thiếu i-ốt vào năm 2005, tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng thiếu i-ốt đã hiện hữu trở lại trên diện rộng tại hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP để thiết lập nguồn bổ sung i-ốt cho cộng đồng được thực thi hiệu quả.

ThS.BS Đoàn Tuấn Vũ – Phó Trưởng khoa phụ trách Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nhóm đối tượng dễ bị mắc các rối loạn thiếu i-ốt (CRLTI) nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ sơ sinh.

Thiếu i-ốt khi mẹ mang thai có nguy cơ bị suy giảm phát triển của hệ thần kinh không thể hồi phục. Nhóm nhạy cảm khác là phụ nữ cho con bú, vì đây có thể là nguồn duy nhất của i-ốt cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời.

“Thiếu i-ốt không chỉ có bướu cổ đơn thuần mà thiếu i-ốt ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tăng trưởng của con người, từ bào thai, sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn trong quần thể”- chuyên gia nhấn mạnh.

Theo BS. Tuấn Vũ, thiếu i-ốt có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ.

Trong thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào hormone giáp trạng của người mẹ ngấm qua nhau thai sang con. Hormone này rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh.

Vì vậy, phụ nữ mang thai nếu thiếu i-ốt thì sự phát triển của bào thai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của đứa trẻ.

Thiếu i-ốt ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây ra sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi mẹ thiếu i-ốt nặng thì trẻ sinh ra có thể đần độn vì tổn thương não vĩnh viễn.

Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, lác mắt. Các hậu quả này sẽ tồn tại vĩnh viễn suốt cuộc đời trẻ.

Không chỉ là bướu cổ, thiếu i-ốt gây hàng loạt bệnh tật nguy hiểm không ngờ ở người - Ảnh 1.

Trẻ sinh ra có thể đần độn vì tổn thương não vĩnh viễn nếu mẹ thiếu i-ốt nặng. Ảnh minh họa.

Trong giai đoạn cơ thể trẻ phát triển, nếu thiếu i-ốt sẽ gây bệnh bướu cổ. Đó là tình trạng thiếu hormone tuyến giáp, mà hậu quả nghiêm trọng nhất là bệnh đần độn - chậm phát triển trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, thiếu i-ốt sẽ dẫn tới giảm hoạt động tuyến giáp, được đặc trưng bởi dấu hiệu rụng lông, táo bón, vàng da, sợ lạnh, tăng cholesterol...

Ở tuổi dậy thì, nếu thiếu i-ốt cũng thường gây bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, thiểu năng giáp.

Khi bị thiểu năng giáp, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, lao động rất nhanh mệt mỏi, không linh hoạt, tinh thần trì trệ, khả năng lao động giảm sút...

Người lớn thiếu i-ốt sẽ gây ra bướu cổ với các biến chứng của nó như mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động…

Việt Nam trong top quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất thế giới

Theo BS. Tuấn Vũ, năm 1995, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống CRLTI được thành lập thực hiện các hoạt động phòng, chống CRLTI trên phạm vi toàn quốc.

Với sự nỗ lực của ngành y tế, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội và tổ chức quốc tế, Việt Nam đã cơ bản thanh toán xong tình trạng thiếu i-ốt vào năm 2005.

Tuy nhiên, hiện nay, việc duy trì kết quả thanh toán tình trạng thiếu i-ốt đang gặp phải nhiều trở ngại và khó khăn trong thực hiện và phối hợp. Chính vì thế, từ 2006 đến nay, vì nhiều lý do, thành tựu loại trừ thiếu hụt i-ốt đã không còn giữ được ở thời điểm năm 2005.

Không chỉ là bướu cổ, thiếu i-ốt gây hàng loạt bệnh tật nguy hiểm không ngờ ở người - Ảnh 2.

Trẻ thiếu i ốt dễ bị chậm phát triển trí tuệ. Ảnh minh họa.

Các báo cáo của Tổng cục Thống kê, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 2010-2011 cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt tại Việt Nam chiếm tỷ lệ chung trong toàn quốc là 45,1%, khu vực thành thị 44,4%, nông thôn 45,4%; Khu vực Đồng bằng sông Hồng: 27,8%; Trung du miền núi phía Bắc: 40%; Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung: 50,2%; Tây Nguyên: 88,1%; Đông Nam Bộ: 56,2%; Đồng bằng sông Cửu Long: 42,4%.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2010: Chỉ có 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt, 75% còn lại sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh...

Cũng vì thói quen dùng muối trực tiếp giảm, Chính phủ đã có quy định bắt buộc các doanh nghiệp thực phẩm phải dùng muối đã bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm, nhằm bổ sung i-ốt cho người dân.

Số liệu tổng hợp của Iodine Global Network năm 2017 cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có tình trạng thiếu i-ốt trong cộng đồng và nhóm phụ nữ có thai. Và nước ta đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại Việt Nam.

Kết quả đánh giá tỷ lệ bướu cổ toàn quốc học sinh 8-10 tuổi của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2014 cho hay, tỷ lệ bướu cổ là: 9,8%; Độ phủ muối i-ốt 62,6%; Trung vị i-ốt niệu là 8,4 mcg/dl.

Đây là chỉ số đánh giá mức thu nhận i-ốt thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi dưới 5% và mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl.

Nghiên cứu thực trạng dinh dưỡng và thu nhận i-ốt ở trẻ em độ tuổi mẫu giáo của 30 trường học thuộc một số tỉnh phía bắc năm 2015 chỉ rõ: Tỉ lệ trường học sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 26,7%; Mức trung vị i-ốt niệu là: 8,5 mcg/dl.

Điều này có nghĩa là nếu trong bếp gia đình có muối i-ốt đi nữa, thì lượng muối ăn dùng một bữa trong gia đình cũng không đủ cung cấp lượng i-ốt cơ thể cần mỗi ngày, vì phần lớn học sinh, người đi làm... đều ăn ở ngoài. Do đó các thực phẩm chế biến hoặc việc chế biến thức ăn ở ngoài cũng cần dùng muối đã bổ sung i-ốt.

Nguyên nhân của tình trạng trên được các chuyên gia nhận định là do tâm lý chủ quan trong cộng đồng khi các loại bệnh liên quan đến thiếu i-ốt tạm lắng.

Để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ hiện tại và mai sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo đó, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.

(Còn nữa...)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại