Thổ Nhĩ Kỳ quyết hủy diệt QĐ Syria bằng UCAV?
Ngày 25/2, Quân đội Arab Syria (SAA) đã bắn rơi một máy bay không người lái tấn công (UCAV) của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tại Dadikh, Idlib.
Chiếc UCAV Anka-S có số hiệu 18-031 của phi đội số 203 thuộc Bộ chỉ huy máy bay không người lái số 14 đóng tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tổ hợp phòng không Pantsir -S1 hạ gục.
UCAV Anka-S được TAF đưa vào trang bị vào năm 2018, tuy nhiên do giá thành sản xuất cao của chương trình (hơn 200 triệu USD) nên cho tới nay họ mới chỉ sản xuất 14 chiếc.
Chiếc UCAV Anka-S đầu tiên của TAF bị bắn hạ tại Idlib hôm 25/2.
Ngày 29/2, TAF tung ra một loạt đoạn phim trong đó có ít nhất 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của phòng không Syria bị tiêu diệt. UCAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi lại được khoảnh khắc tổ hợp này bị trúng đạn, nổ tung.
Có thể khẳng định, chỉ trong vòng từ 3-4 ngày, cùng với việc tăng cường sử dụng hỏa lực tấn công binh lính và xe cơ giới SAA, TAF đã quyết tâm vô hiệu hóa các hệ thống phòng không tầm thấp của Syria ở Idlib.
Khoảnh khắc hỏa lực Thổ Nhĩ Kỳ phá tan Pantsir-S1 của Syria ở Idlib.
Năng lực UCAV của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib tới đâu?
Dựa vào các đoạn phim, một số nhà phân tích cho rằng năng lực của UCAV sau các tấn công phá hủy tổ hợp Pantsir-S1 ở tỉnh Idlib khá hạn chế và phụ thuộc vào một số điều kiện nhất định trên mặt đất như hỏa lực pháo binh.
Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng TAF đã bổ sung thêm các UCAV Bayraktar TB2, có lợi thế hơn hẳn Anka-S về số lượng trang bị (117 so với 14 chiếc).
Giá thành rẻ hơn (2 triệu USD so với khoảng 15 triệu USD) và tốc độ tương đương, các hạn chế của Bayraktar TB2 so với Anka-S là phạm vi liên lạc (150 km so với 200 km), trần bay (8.200 m so với 9.144 m) và năng lực tấn công (55 kg vũ khí so với 200 kg).
Với năng lực tấn công hạn chế nói trên, Bayraktar TB2 sẽ chủ yếu đóng vai trò "chỉ điểm" cho lựu pháo T-155 Firtina 155mm hoặc pháo phản lực T-122 Sakarya 122mm tiêu diệt các mục tiêu SAA.
Một UCAV Anka-S bị bắn rơi tại Idlib hôm 1/3. Đây có thể là chiếc Anka-S thứ hai bị phòng không Syria bắn rơi kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định can thiệp vào Idlib.
"Bàn tay đen" đảo ngược thế trận Idlib bằng phòng không tầm ngắn?
Ngày 28/2, hai khinh hạm "Đô đốc Grigorovich" và "Đô đốc Makarov" cùng thuộc lớp Krivak IV/Đề án 1356 đã rời khỏi căn cứ hải quân Sevastopol vượt qua eo biển Bosphorus để tiến về hướng Syria.
Ngoài các tên lửa hành trình Kalibr, khinh hạm lớp Đề án 1356 được trang bị 24 ống phóng 2S90M với tên lửa 9M317M (tương tự tên lửa trên hệ thống phòng không tầm trung 9K37 Buk).
Sau đó một ngày, vào ngày 29/2 tàu đổ bộ vận tải Orsk 148 lớp Đề án 1171/Tapir thuộc Hạm đội Biển Đen đã đi qua eo Bosphorus và đến cảng Tartous ở phía tây Syria.
Tàu đổ bộ vận tải Orsk 148 đi qua eo biển Bosphorus.
Tàu đổ bộ vận tải lớp Đề án 1171 có khả năng chuyên chở tới 20 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hoặc 40 xe chiến đấu bộ binh. Các chuyên gia cho rằng Orsk 148 nhiều khả năng còn chở theo nhiều vũ khí hạng nặng trong khoang chứa rộng trong thân.
Ngày 1/3, nhiều nguồn tin xác nhận rằng SAA đã bắn rơi ít nhất 6 UCAV của TAF, hầu hết là ở chiến trường Idlib và dựa theo những hình ảnh từ phía quân chính phủ, tên lửa phòng không của các tổ hợp phòng không tầm trung đã được khai hỏa.
Cho tới chiều ngày 2/3, một video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một vật thể bay bị bắn rơi trên bầu trời Idlib.
Nếu vật thể này là một UCAV của TAF, số lượng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi ở tây bắc Syria đã vượt qua con số 7 chỉ trong vòng 2 ngày.
SAA hiện đang trang bị 6 tổ hợp ZRPK 2S6 Tunguska, 18 tổ hợp Buk-M2E, 36 tổ hợp Pantsir-S1 (tổng đơn hàng ký với Nga được cho là 50 tổ hợp) và một số lượng không xác định các tổ hợp 9K330 Tor.
Dù Orsk 148 chở theo thứ gì tới Syria (tiếp tế đạn dược hay là các tổ hợp phòng không tầm trung), một điều khó có thể phủ nhận rằng chuyến hàng này đã góp phần giúp SAA đảo ngược thế trận những ngày trước đó ở Idlib.
Một vật thể bay (được cho là UCAV Thổ Nhĩ Kỳ) bị bắn rơi trên bầu trời Idlib ngày 2/3.