Kho tên lửa khổng lồ ở giữa trái tim 2 kình địch Israel-Iran

Hải Vy |

Theo Stratfor, mối đe dọa lớn nhất đối với Israel đến từ kho tên lửa đạn đạo và đạn pháo của Iran, cùng đồng minh của họ - Lebanon và Hezbollah.

Theo công ty tình báo Stratfor (Mỹ), hoạt động gia tăng của Israel tại Syria xuất phát từ các ưu tiên của nước này ở Levant, và chúng có sự khác biệt đáng kể so với ưu tiên của Nga và Mỹ.

Mối quan tâm của Washington tập trung chủ yếu vào mối đe dọa từ phía các nhóm vũ trang cực đoan, trong khi Nga thì đang nỗ lực để đảm bảo vị thế của chính quyền Assad và của chính Moscow tại Syria.

Tuy nhiên, Israel phần lớn nhìn nhận các sự kiện diễn ra tại Syria, và các hoạt động của láng giềng phía tây – Lebanon – thông qua lăng kính của một quốc gia thù địch với Iran. Sự hiện diên của Tehran và tầm ảnh hưởng của họ tại Syria đã gia tăng cùng với những bước tiến của đồng minh ở Damascus, làm dấy lên nhiều lo ngại tại Israel.

Trong bối cảnh các đối thủ như Iran hay Hezbollah đang ở vị trí tốt để khai thác lỗ hổng của Israel thông qua kho tên lửa của họ thì bất cứ cuộc xung đột mới nào có liên quan tới các bên này đều có thể gây ra thiệt hại đáng kể, không chỉ về mặt quân sự.

Tên lửa trên biên giới phía Bắc

Trong trường hợp xảy ra xung đột mở giữa Israel và Iran thì Tehran có thể tấn công đối thủ của mình theo nhiều cách. Song, mối đe dọa lớn nhất đối với Israel đến từ kho tên lửa đạn đạo và đạn pháo của Iran, cùng đồng minh của họ - Lebanon và Hezbollah.

Bằng cách can thiệp vào Syria, Tehran có thể vừa củng cố kho vũ khí vốn đã khá lớn của Hezbollah tại Lebanon, vừa triển khai các tên lửa đạn đạo và pháo phản lực tại Syria.

Hezbollah đã cho thấy mối đe dọa nghiêm trọng nhằm vào Israel trong quá khứ, tổ chức phiến quân này đã gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho Israel khi ngày ngày tiến hành các cuộc tấn công rocket nhằm vào đối thủ trong cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006.

Vào thời điểm đó, kho vũ khí của Hezbollah đã có xấp xỉ 10.000 quả rocket – phần lớn là đạn pháo tầm ngắn. Mặc dù Israel đã phá hủy hầu hết số tên lửa tầm xa ít ỏi của Hezbollah trong các đợt tấn công đầu tiên của cuộc chiến, nhưng trung bình một ngày vẫn có 120 quả rocket của Hezbollah bắn vào Israel trong cuộc xung đột này.

Các cuộc tấn công đó đã khiến nền kinh tế Israel thiệt hại 3,5 tỷ USD do các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chính quyền Israel phải huy động tới quân dự bị.

12 năm sau, Hezbollah lại cho thấy họ có một kho vũ khí còn mạnh hơn đáng kể so với trước đây.

Kho tên lửa khổng lồ ở giữa trái tim 2 kình địch Israel-Iran - Ảnh 1.

Sơ đồ cấu tạo của Fajr-5. Ảnh: Stratfor

Tổ chức này được cho là đang có trong tay hơn 130.000 rocket và tên lửa. Không những thế, Hezbollah cũng đang cải thiện đáng kể chất lượng vũ khí, tích lũy nhiều loại đạn có kích cỡ lớn hơn, tầm bắn xa hơn và độ chính xác được nâng cao, trong đó có đạn rocket Fajr-5, tên lửa Fateh-110 và một số loại khác.

Theo một số báo cáo đáng tin cậy, Hezbollah có thể còn được cung cấp các tên lửa Scud-B/C.

Trong khi đó, theo thời gian, Iran đã củng cố lực lượng ở Syria với phần lớn là tên lửa tầm xa, thậm chí còn thiết lập các cơ sở sản xuất vũ khí tại chỗ.

Kho tên lửa khổng lồ ở giữa trái tim 2 kình địch Israel-Iran - Ảnh 2.

Tầm bắn các loại tên lửa của Hezbollah. Ảnh: Pinterest

Gót chân Achilles của Israel

Do đã tích trữ được vũ khí, Iran và các đồng minh của họ có thể tấn công toàn bộ Israel – quốc gia thiếu chiều sâu chiến lược do kích thước địa lý nhỏ - bằng các loại vũ khí có độ chính xác gia tăng.

Dễ bị tấn công tại Israel là các mục tiêu cố định có kích cỡ lớn như cơ sở khí đốt, dầu mỏ, điện, nước, giao thông và hạt nhân. Tất nhiên, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở công nghiệp và hóa chất đều có thể gây ra những thiệt hại đáng kể, bởi nó khiến khí độc và hóa chất độc hại phân tán ra ngoài môi trường.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất khi các cơ sở này bị tấn công, những cuộc oanh tạc bằng rocket nhằm vào Israel sẽ còn làm tổn hại đáng kể nền kinh tế của Israel, tương tự như những gì xảy ra trong cuộc xung đột năm 2006 với Lebanon.

Kho tên lửa khổng lồ ở giữa trái tim 2 kình địch Israel-Iran - Ảnh 3.

Khói bốc lên ở Haifa, Israel sau khi Hezbollah bắn rocket vào thành phố này trong cuộc chiến tranh năm 2006. Ảnh: Wiki

Các đợt tấn công bằng rocket buộc người dân phải ẩn náu trong hầm trú ẩn một thời gian dài, khiến họ buộc phải trì hoãn hoặc hủy bỏ các hoạt động kinh doanh thường lệ, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế nói chung.

Tình huống này, khi xảy ra, còn buộc giới chức trách Israel phải huy động một phần đáng kể quân dự bị tham gia chiến đấu, và điều này tiếp tục tác động hơn nữa đến hoạt động kinh tế thông thường.

Những lỗ hổng trên của Israel mang lại cho Iran khả năng răn đe phi đối xứng mạnh mẽ, và các lực lượng của Tehran đang quyết tâm củng cố điều này.

Quân đội Israel có thể tự hào vì họ mạnh hơn và có nhiều nguồn lực hơn Hezbollah, nhưng Israel lại dè chừng tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào Hezbollah ở Lebanon, chủ yếu là do lo ngại mối đe dọa mà kho vũ khí của tổ chức này mang lại.

Trong một nỗ lực tương tự nhằm ngăn cản Israel tiến hành tấn công trực diện vào Iran, Tehran đang có kế hoạch tăng cường lực lượng tên lửa trong khu vực - ở các địa điểm do Hezbollah kiểm soát ở Lebanon, và ở Syria.

Giảm thiểu mối đe dọa

Nhận thức được điểm yếu của mình trước kho vũ khí của Iran và Hezbollah, Israel đã áp dụng một chiến lược đa lớp để giảm thiểu mối đe dọa. Về mặt ngoại giao, Israel tập trung tiếp cận Mỹ và Nga, cố gắng thuyết phục 2 cường quốc này để mắt tới lợi ích của Israel ở Syria bằng cách kiềm chế và hạn chế sức ảnh hưởng, cũng như sự hiện diện của Iran tại Syria.

Israel đã đạt được một số thành quả nhất định khi cả Washington và Moscow đều cam kết hướng tới mục tiêu tạo ra một vùng đệm giữa cao nguyên Golan do Israel kiểm soát và các cơ sở của Iran trên mặt đất.

Trong một phần của kế hoạch này, Kremlin gầy đây tuyên bố Iran sẽ rút các loại vũ khí hạng nặng về vị trí cách xa cao nguyên Golan ít nhất 85km. Mặc dù Israel vẫn còn tham vọng lớn hơn là "tống cổ" hẳn Iran ra khỏi Syria nhưng họ phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể, do Nga không muốn và cũng không có khả năng buộc Tehran từ bỏ hoàn toàn Syria.

Kho tên lửa khổng lồ ở giữa trái tim 2 kình địch Israel-Iran - Ảnh 4.

Các trung tâm tình báo Iran tại Syria bị Israel tấn công hồi tháng 5/2018. Ảnh: IDF.

Nhận thấy những hạn chế trong cuộc tấn công ngoại giao, Israel bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công ngăn chặn – nhằm vào vùng lãnh thổ của đối phương ở ngay phía sau chiến tuyến – để làm suy yếu kế hoạch xây dựng lực lượng của Iran tại Syria, cũng như ngăn các luồng cung cấp trực tiếp từ Iran cho Hezbollah tại Lebanon.

Trong năm qua, các cuộc tấn công của Israel đã gia tăng về cường độ khi họ ngày càng lo ngại về sự can thiệp của Iran tại Syria. Những đợt oanh kích của Israel đã gây thiệt hại đáng kể cho các mục tiêu của Iran và Hezbollah, nhưng không ngăn được Iran tiếp tục duy trì và củng cố lực lượng tại Syria.

Đáng lo ngại hơn cả cho tình hình an ninh khu vực là chúng thậm chí còn có thể kích động Iran trả đũa, làm gia tăng nguy cơ dẫn tới một kịch bản chiến tranh như đã mô tả ở trên.

Israel cũng đã tích cực tăng cường phòng thủ trên lãnh thổ của mình. Họ tập trung đầu tư, thiết lập mạng lưới phòng thủ đa tầng để đối phó với các cuộc tấn công bằng rocket và tên lửa.

Tầng thấp nhất là hệ thống Iron Dome, được thiết kế để đánh chặn các loại rocket tầm bắn tương đối ngắn. Ở giữa là tổ hợp David’s Sling giúp bảo vệ Israel khỏi các rocket tầm xa và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tầng cao nhất là hệ thống phòng thủ Arrow, có tác dụng ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.

Sự đầu tư đáng kể vào mạng lưới phòng thủ tinh vi giúp Israel có khả năng đối phó nhất định với các cuộc tấn công bằng rocket và tên lửa, đặc biệt và trong các cuộc xung đột với đối thủ tương đối yếu như Hamas ở Gaza.

Tuy nhiên, mạng lưới phòng thủ này vẫn có nguy cơ bị chọc thủng trong các cuộc tấn công mà ở đó, đối phương phóng rocket và tên lửa với số lượng lớn hơn số tên lửa đánh chặn mà Israel có trong tay. Điều đó có thể xảy ra nếu Hezbollah hoặc Iran phát động tấn công.

Do đối mặt với những nguy cơ này nên Israel đã áp dụng một chiến lược quân sự tập trung vào các chiến dịch tấn công trong trường hợp xảy ra bất cứ xung đột nghiêm trọng nào với Hezbollah hoặc Iran ở phía bắc.

Học thuyết này đề cập tới việc phát động một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Lebanon, và có thể cả Syria, để phá hủy các hệ thống phóng tên lửa/đạn pháo của Hezbollah và Iran, từ đó làm giảm thời gian mà hai phía này có thể tiếp tục tấn công.

Cuộc chiến tranh kéo dài tại Syria đang có xu hướng giảm nhiệt ở một số mặt trận, nhưng những hành động thù địch có thể sớm bùng phát tại bất cứ nơi nào khác trong cuộc xung đột này.

Hezbollah và Iran đang tích cực tăng cường năng lực vũ khí để lợi dụng các điểm yếu của Israel, buộc nước này phải xây dựng một chiến lược phòng thủ mạnh mẽ chống lại những đối thủ đáng gờm nhất của mình.

Có thể nói rằng, nếu xảy ra chiến tranh thì cuộc chiến này chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với cuộc chiến của Israel năm 2006.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại