Khổ sở vì căn bệnh gây xấu xí, ngứa ngáy không dứt

Dương Hải |

Bệnh vảy nến tuy ít gây đau đớn nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố thẩm mỹ. Đặc biệt khi căn bệnh này xuất hiện ở phụ nữ dễ khiến chị em tự ti, mặc cảm khi giao tiếp đối diện với người xung quanh.

Chị Trần Lan Anh, 35 tuổi, trú tại Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội mắc bệnh vảy nến đã 2 năm nay. Chị kể, ban đầu chị thấy ngứa ở vùng đầu, sau đó xuất hiện các mảng sẩn màu đỏ, vảy da màu trắng. Mỗi khi gãi thì các vảy da này bong tróc ra rất nhiều mặc dù tóc không bị rụng.

Quá khó chịu, chị Lan Anh đã đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh vảy nến.

“Tôi luôn bị ám ảnh và lo sợ mỗi khi soi gương, không hiểu sao mình lại mắc chứng bệnh gây phiền toái đến vậy. Mỗi khi ra ngoài tôi cảm thấy rất ái ngại, sợ người khác nhìn thấy và xì xào bàn tán”- chị Lan Anh tâm sự.

Trường hợp khác, chị Nguyễn Hà My, nhân viên văn phòng cho biết, chị cũng đã sống chung với bệnh vảy nến từ nhiều năm nay. Chị Hà My bị vảy nến ở phần móng tay gây rất nhiều bất tiện cho công việc khi chị phải thường xuyên làm việc với máy tính.

“Móng tay của tôi rất dễ khô gãy, trên móng có các vết rỗ, móng bị tách. Giai đoạn đầu tôi cứ nghĩ mình bị nấm móng tay nên đã điều trị nấm móng nhưng không khỏi. Sau đó, tôi đi khám chuyên khoa da liễu thì được bác sĩ chẩn đoán xác định mắc vảy nến và phải làm sinh thiết vùng da bị bệnh”- chị My kể lại.

Theo các chuyên gia da liễu, bệnh vảy nến không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh gây nên một vòng luẩn quẩn bệnh lý. Các tác động đến người bệnh là gây ngứa, hình thức, diện mạo do bệnh gây nên các mảng màu đỏ, có vảy da bong nhiều.

Chính vì thế nên làm người bệnh mất tự tin, ảnh hường đến tài chính do phải chi phí cho điều trị, ảnh hưởng đến học tập, công việc, các mối quan hệ xã hội, làm người bệnh đôi khi cáu giận, thậm chí rơi vào trầm cảm và cảm thấy cô lập.

“Nỗi khốn khổ của con người”

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, BV Da liễu Trung ương, Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam, bệnh vảy nến là bệnh da mạn tính, có người cho rằng đó là một trong các “nỗi khốn khổ của con người” làm cho người bệnh trong tâm trạng xấu hổ và ngượng ngùng.

Bệnh vảy nến tuy không gây chết người nhưng là một bệnh xấu xí, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người bệnh, chất lượng cuộc sống của họ.

Bệnh vảy nến có tỷ lệ 2-3% (nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy dao động từ 1-8%) dân số. Đó là bệnh lý có một số biểu hiện lâm sàng rất đặc biệt. Biểu hiện thường gặp nhất là vảy nến thể thông thường (Psoriasis vulgaris) là bệnh mạn tính, tái phát, có mảng và sẩn màu đỏ có vẩy trắng bạc.

Các thương tổn da có thể rải rác vài tổn thương cho đến lan toả toàn thân. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Nói về cơ chế sinh bệnh vảy nến, PGS. Hưng cho rằng vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền; yếu tố miễn dịch và môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh.

Yếu tố di truyền liên quan đến HLA-B27- B13,-B17, -Bw57 và HLA-Cw6, Psori1... Miễn dịch liên quan đến các tế bào miễn dịch lympho T ở da, đặc biệt là Th1, Th17 và Th22. Các yếu tố môi trường là nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn.

Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý cũng làm bệnh nặng lên ở trẻ em và người lớn.

Thuốc sử dụng như các corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm cho bệnh nặng lên. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.

Khổ sở vì căn bệnh gây xấu xí, ngứa ngáy không dứt - Ảnh 1.

Tự nhận biết và “chung sống hòa bình” với vảy nến

Các chuyên gia da liễu cho biết, người bệnh vảy nến có thể tự biết về bệnh của mình, đó là các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc.

Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn.

Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay- bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ụ ngồi, mông và cẳng chân. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương.

Vảy nến thể giọt là một thể bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên đa số trường hợp tiến triển thành thể mạn tính. Bệnh có thể ổn định trong thời gian dài, nhẹ đi hoặc khỏi rồi lại tái phát và thường sẽ tồn tại với người bệnh cả cuộc đời.

PGS. Hưng nhấn mạnh, điều trị bệnh vảy nến cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng. Người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu.

Trường hợp thương tổn da chỉ chiếm <5% diện tích da cơ thể thì người bệnh có thể điều trị tại y tế cơ sở theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa (diện tích da ở người trưởng thành khoảng 1,5-2m2). Các trường hợp khác cần được các bác sĩ chuyên khoa điều trị và theo dõi lâu dài.

“Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội”- PGS. Hưng cho hay.

Khổ sở vì căn bệnh gây xấu xí, ngứa ngáy không dứt - Ảnh 2.

Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng. Ảnh minh họa.

Phòng bệnh vảy nến thế nào?

Để phòng bệnh vảy nến, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích (rượu, cà phê...). Cần có cách sinh hoạt ăn uống để hạn chế bệnh tiến triển và tái phát bằng cách: Hàng ngày cần vệ sinh thân thể, tắm sạch sẽ giúp loại bỏ các vảy và da viêm.

Không nên dùng nước nóng và xà phòng có chất tẩy mạnh, vì có thể làm tăng các triệu chứng. Cần sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ hoặc có thể dùng dầu tắm riêng biệt.

Sau khi tắm, thấm khô làn da sau đó dùng kem dưỡng ẩm. Trong thời gian, thời tiết khô lạnh, có thể cần phải sử dụng kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.

Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp sườn, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng... Đồ uống có chất kích thích: rược, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt...

Đồ ăn có chứa nhiều chất béo như đường, sữa, mỡ, bơ, sô-cô-la, đồ ngọt tổng hợp... Ngoài ra, người bệnh vẩy nến phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm... Thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc...

Cần ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như Omega - 3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Người bệnh cũng có thể tham khảo các thầy thuốc chuyên khoa về bổ sung một số loại thảo dược để giảm ngứa và tránh tổn thương lan rộng.

125 triệu người sống chung với bệnh vảy nến

Ngày 29/10 là sự kiện toàn cầu được Liên minh Các Hội Vảy nến Thế giới tổ chức để đưa tiếng nói cho hơn 125 triệu người sống với bệnh vảy nến.

Sự kiện này tiếp cận đến hàng triệu người khắp nơi trên thế giới để nâng cao sự hiểu biết về căn bệnh và giúp bênh nhân tiếp cận với chẩn đoán và điều trị thích hợp có chất lượng cao.

Sự kiện này dành cho tất cả mọi người, không chỉ đối với bệnh nhân vẩy nến và gia đình họ hoặc bạn bè của họ. Hội vảy nến Việt Nam khuyến khích tất cả mọi người thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ của người bị bệnh vẩy nến trong những tuần lễ dẫn tới Ngày Vảy nến Thế giới 29/10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại