Một trong những lo lắng của chị em mọi lứa tuổi là chứng khô âm đạo. Âm đạo bị khô là khi không tiết đủ chất nhờn để có độ trơn ướt mỗi khi quan hệ tình dục. Khô âm đạo là triệu chứng không gây nguy hiểm cho phụ nữ nhưng nó lại gây nhiều khó chịu.
Chứng khô âm đạo có thể cản trở tình dục, làm giảm khoái cảm, gây đau khi giao hợp cho cả hai người, khó đạt đỉnh khi quan hệ tình dục...
Đi tìm nguyên nhân: Khi được kích thích tình dục và quan hệ tình dục, âm đạo sẽ tiết dịch do những chi phối của hệ thần kinh và nội tiết.
Tình trạng khô âm đạo sẽ xảy ra khi: đang bị viêm âm đạo (do vi khuẩn hay nấm) cũng gây khô âm đạo; việc dùng một số loại thuốc cũng có thể gây khô âm đạo như: thuốc chống sung huyết, thuốc kháng histamin; màn dạo đầu chưa đủ độ, tâm lý phụ nữ chưa sẵn sàng chưa đủ hưng phấn, âm đạo sẽ không tiết ra dịch nhờn, gây khó khăn trong việc giao hợp; khi chị em đang có bệnh của buồng trứng, buồng trứng đa nang cũng ảnh hưởng đến sự bài tiết hormon, thay đổi hoạt động của buồng trứng, góp phần làm khô âm đạo.
Nhiều chị em bước vào tuổi tiền mãn kinh (thường ở độ tuổi ngoài 45), sự bài tiết estrogen giảm làm cho âm đạo ít bài tiết dịch nhờn dễ dẫn đến khô, lớp niêm mạc âm đạo sẽ mỏng, kém chun giãn và dễ bị tổn thương.
Chứng khô âm đạo cũng có thể do cơ địa, một số phụ nữ, dù không có bệnh thực thể nhưng vẫn bị khô âm đạo. Việc thụt rửa âm đạo thường xuyên phá vỡ sự cân bằng ở môi trường âm đạo, có thể gây ra viêm âm đạo, vì thế có cảm giác khô khi giao hợp.
Hậu quả do khô âm đạo và cách khắc phục: Khô âm đạo sẽ cản trở quan hệ tình dục, gây đau, giảm khoái cảm, âm đạo dễ bị tổn thương và nhiễm khuẩn. Quan hệ tình dục hòa hợp cũng là cách để môi trường âm đạo bớt khô.
Nếu thỉnh thoảng âm đạo bị khô khi quan hệ tình dục thì có thể là do người phụ nữ chưa đạt đến mức hưng phấn cần thiết, do đó cần trao đổi với bạn tình để cả hai cần có giai đoạn chuẩn bị tâm lý và cơ thể kỹ càng hơn.
Chị em có thể bổ sung vào chế độ ăn nhiều sản phẩm làm từ đậu tương chứa nhiều chất isoflavone được coi là estrogen thực vật, tốt cho phụ nữ, có thể giúp giảm khô âm đạo. Đặc biệt trong mùa đông khô hanh, cơ thể mất nước nhiều hơn và mọi người cũng ngại uống nước hơn, khiến cơ thể ít tiết dịch hơn và âm đạo cũng khô hơn.
Vì vậy, dù không khát, mọi người cũng cần uống đủ nước, để cơ thể tiết nhiều dịch hơn, giảm tình trạng khô âm đạo.
Để cải thiện tình trạng khô âm đạo, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng một vài loại gel bôi trơn.
Nếu khô âm đạo cản trở tình dục nhiều hoặc gây viêm nhiễm tái đi tái lại, chị em nên đi khám phụ khoa để được tư vấn, không nên thử các cách chữa khô âm đạo không hợp lý như rửa bằng dung dịch dấm, sữa chua hay môi trường có vi khuẩn Lactobacilli vào âm đạo, hay xịt xà phòng, sữa tắm vào âm đạo. Các cách này sẽ khiến âm đạo bị tổn thương và càng khô hơn.