Khi phóng viên y tế dấn thân, thử nghiệm ‘vaccine nội’

Tạ Nguyên |

Trong những ngày xông pha làm thông tin dịch bệnh COVID-19, không chỉ trải qua những gian nan, hiểm nguy, nhiều phóng viên y tế còn được trải nghiệm tham gia thử nghiệm “vaccine nội” NanoCovax.

Khi phóng viên y tế dấn thân, thử nghiệm ‘vaccine nội’ - Ảnh 1.

Phóng viên Chi Lê, báo điện tử VnExpress tác nghiệp trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine NanoCovax. Ảnh: PVCC

Những “tình nguyện viên” đặc biệt

Cho đến bây giờ, phóng viên Lê Hoàng, báo điện tử VOV vẫn còn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp khi mũi tiêm đầu tiên vaccine NanoCovax chọc vào bắp tay. Có lẽ việc trở thành tình nguyện viên thử nghiệm vaccine là một trải nghiệm cực kỳ ấn tượng trong suốt những ngày tháng lăn lộn làm thông tin dịch bệnh của chị và nhiều đồng nghiệp.

“Thời điểm tôi tham gia thử nghiệm vaccine NanoCovax, Việt Nam vẫn đang khan hiếm vaccine, vì nguồn nhập khẩu có hạn, chỉ những đối tượng ưu tiên mới được tiêm vaccine và phóng viên chúng tôi, những người trực tiếp xông pha trong tâm dịch cũng cần được bảo vệ hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ vậy, và qua quá trình quan sát loại vaccine mới này, tôi yên tâm đăng ký tham gia”.

Sau khi gọi điện cho Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học của Học viện Quân y để đăng ký trực tiếp, phóng viên Lê Hoàng hồi hộp chờ thông báo lịch tiêm.

“Tôi đăng ký tham gia khi vaccine NanoCovax đã thử nghiệm ở giai đoạn 3, giai đoạn mở rộng hơn và số lượng tình nguyện viên nhiều hơn, dễ được tuyển chọn. Giai đoạn này tôi cũng khá yên tâm vì tính hiệu quả của vaccine đã được khẳng định ở 2 giai đoạn trước. Mặc dù vậy, để có thể chấp nhận tiêm một loại vaccine hoàn toàn mới, nghiên cứu gấp rút và thử nghiệm nhanh chóng, chúng tôi phải có đủ niềm tin và sự dấn thân. Giống như mình cũng là một phần của cuộc thử nghiệm, và chúng tôi cũng tự hào vì điều đó”, phóng viên Lê Hoàng chia sẻ.

Nhờ chuẩn bị tốt nhất về sức khoẻ, tinh thần để đi tiêm, các phản ứng sau tiêm với phóng viên Lê Hoàng không đáng kể, ngoài cảm giác hơi mệt giống cảm cúm thông thường.

Cũng là một trong những phóng viên đầu tiên trở thành tình nguyện viên thử nghiệm vaccine NanoCovax; được tiêm mũi đầu tiên vào khoảng tháng 7/2021; khi đó, phóng viên Chi Lê, báo điện tử VnExpress vừa mới tổ chức hôn lễ.

“Trước đó, khi trao đổi thông tin với các chuyên gia để đăng ký tiêm, tôi không quên “trình bày” chi tiết đặc biệt này. Vì là vaccine mới, lại đang trong giai đoạn thử nghiệm, các bác sĩ khuyên tôi không nên mang thai trong khoảng 13 tháng sau khi tiêm. Có chút đắn đo nhưng trong bối cảnh dịch đang nóng, lại luôn phải vào tâm dịch, cũng muốn thử thách với loại “vũ khí” chống COVID-19 mới, tôi vẫn quyết định tham gia thử nghiệm”, phóng viên Chi Lê nhớ lại.

“Tiêm xong, tôi cũng như bao tình nguyện viên khác, phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của bộ phận thử nghiệm về theo dõi sức khoẻ sau tiêm, kiểm tra theo lịch hẹn… Với tôi, quá trình sau tiêm thật nhẹ nhàng, tôi chỉ có phản ứng đau ở vùng bắp tay sau tiêm, cảm giác đó cũng nhanh chóng trôi qua trong vài ngày và tôi vẫn làm việc như bình thường”, phóng viên Chi Lê chia sẻ.

Và cánh phóng viên y tế truyền tai, tham khảo lẫn nhau, “rủ nhau” đăng ký tham gia, đội “tình nguyện viên” đặc biệt này - vừa để trang bị cho mình “vũ khí” khi ra vào các tâm dịch; vừa để đích thân trải nghiệm, góp phần thẩm định vaccine một cách chân thực nhất trước khi lan toả thông tin về loại vaccine mới.

Khi phóng viên y tế dấn thân, thử nghiệm ‘vaccine nội’ - Ảnh 2.

Lê Hoàng, một trong những phóng viên tham gia thử nghiệm vaccine NanoCovax. Ảnh: PVCC

Trải nghiệm để có thêm thông tin

Việc dám dấn thân thử nghiệm một loại vaccine mới không chỉ là với mong muốn có được “tấm áo bảo hộ” sớm mà cũng là sự trải nghiệm để phục vụ công tác thông tin.

Thời điểm đó, đa số phóng viên theo dõi mảng y tế đều phải lăn lộn, nắm bắt thông tin kịp thời các hoạt động chống dịch; sự trải nghiệm đó cũng là những kiến thức nền, là tư liệu quý cho mỗi tác phẩm.

“Trở thành một phần của quá trình thử nghiệm vaccine, với tôi, đây cũng là một sự “vào vai, nhập cuộc” để có thêm nhiều thông tin hơn. Từng diễn biến, quy trình, chất lượng và tâm lý của người thử nghiệm, tôi đều nắm bắt và có cả. Trong thời điểm đó, đây là một sự kiện rất quan trọng. Nếu thành công, đó là một kỳ tích vô cùng đáng tự hào của Việt Nam; vì quan trọng như vậy, mọi thứ cần khách quan, chính xác”, phóng viên Chi Lê trải lòng.

Thế mạnh của phóng viên y tế là luôn theo sát được những diễn biến của quá trình thử nghiệm, những đánh giá chất lượng vaccine một cách sớm nhất. Chính những tình nguyện viên này cũng hồi hộp từng bước, nghe ngóng cơ thể, nghe ngóng các phản ứng của chính mình và được thử thách trực tiếp khi “thả” vào tâm dịch.

“Có thể chúng tôi luôn cố gắng chủ động phòng dịch, nhưng không bị mắc bệnh trong giai đoạn đầu của dịch, đó cũng là một niềm tin vững vàng”, phóng viên Lê Hoàng chia sẻ.

Cho đến sau này, khi việc xem xét cấp phép vaccine nội kéo dài, thủ tục về hộ chiếu vaccine nghiêm ngặt hơn, đa số những người tham gia thử nghiệm đều phải tiếp tục tiêm các vaccine khác đã được cấp phép.

Dù chỉ là một giai đoạn ngắn, nhưng với các phóng viên y tế tham gia thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, đó là dấu ấn mạnh, là những trải nghiệm “có một không hai” trong cuộc đời làm nghề của mình. Hơn ai hết chính các phóng viên cũng mong ngóng từng ngày về chất lượng, tiến độ của vaccine mới với niềm tin Việt Nam có thể tự chủ vaccine để có thể chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh, giữ gìn sự ổn định của nền kinh tế xã hội và vì sức khỏe của cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại