Các sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới đây đã tiếp nhận và xử lý cho một nam thanh niên ở TP Hà Nội đến khám vì sưng nề, loét da vùng dương vật.
Trước đó, thanh niên này đã gắn bi cho " cậu nhỏ " tại một cơ sở xăm thẩm mỹ dẫn đến phản ứng với dị vật. Bác sĩ đã phải cắt lọc vùng da viêm loét, tháo bỏ dị vật và điều trị cho bệnh nhân. Sau 2 tuần, các vết thương mới liền hoàn toàn.
Bác sĩ xử lý biến chứng cho người bệnh sau khi tân trang "cậu nhỏ". Ảnh: Bệnh viện cung cấp
PGS-TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết nhu cầu nâng cấp "cậu nhỏ" khá phổ biến. Có nhiều phương pháp, thủ thuật, phẫu thuật nhằm mục đích tăng kích thước dương vật hay làm bộ phận này xù xì hơn, giúp làm tăng khoái cảm của "cuộc yêu". Tuy nhiên, các vật liệu bi sứ, bi thủy tinh hay các loại vòng silicone khi cấy, ghép vào "cậu nhỏ" đều có nguy cơ gây viêm, phù nề, thậm chí hoại tử dương vật.
Theo một số chuyên gia y học giới tính, kích thước "cậu nhỏ" là vấn đề trăn trở của không ít nam giới. Một số báo cáo trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy đa số những người muốn "độ súng" lại có kích cỡ không nhỏ so với tiêu chuẩn nhưng họ vẫn muốn "làm to, kéo dài".
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho biết kích cỡ trung bình "cậu nhỏ" của người Việt nằm ở nhóm trung bình trên thế giới. Khi cương cứng, chiều dài trung bình là 11,2 cm. Theo một số đánh giá, chỉ khi kích cỡ này dưới 9 cm mới được chẩn đoán là "ngắn" và dưới 7 cm mới được coi là "nhỏ" và có chỉ định can thiệp về y tế.
Việc nâng cấp "cậu nhỏ" hiện nay chưa nằm trong danh mục được cấp phép của Bộ Y tế, do đó những quy định về điều kiện phẫu thuật thủ thuật hay quy trình kỹ thuật đều chưa có. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quân hiện tại nhu cầu "độ súng" rất lớn và âm ỉ ngoài thì trường trôi nổi, được nhiều người âm thầm thực hiện.
Một trong những vật liệu đầu tiên được sử dụng để làm tăng kích cỡ là mỡ tự thân. Tuy nhiên theo các bác sĩ, thời gian tồn tại của các tế bào mỡ rất ngắn, nên sau một thời gian có thể bị hấp thu không đồng đều, làm dương vật mất cân xứng. Ngoài ra, hiện tượng đào thải mỡ ghép và hoại tử mô mỡ có thể gây ra các biến chứng nặng nề về thẩm mỹ và chức năng "cậu nhỏ".
Ngoài ra, một số nơi có sử dụng filler hay vật liệu nhân tạo được đánh giá là an toàn. Thế nhưng, việc tăng kích cỡ "cậu nhỏ" nếu thực hiện ở những cơ sở chưa được cấp phép hoặc do người chưa được đào tạo, nam giới vẫn có nguy cơ cao bị biến chứng.
Kích cỡ “cậu nhỏ” luôn là vấn đề khiến đấng mày râu quan tâm- Ảnh: Internet
Bác sĩ Quân nhận định nhu cầu "trùng tu” là có thực trong đời sống. Tuy nhiên, cánh mày râu cứ nhầm tưởng kích thước quyết định chất lượng đời sống tình dục. Thực tế, sinh hoạt tình dục là tổng hòa của nhiều thứ như: Cảm xúc, yếu tố thần kinh, kỹ năng quan hệ tình dục. Kích thước "súng" không đóng vai trò chính, nhưng cánh mày râu đã nhầm tưởng nên tìm cách đi "độ súng" như: Bơm silicon, cấy bi... vào cậu nhỏ.
"Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp biến chứng sau nâng cấp “của quý”. Biến chứng hay gặp nhất chính là nhiễm trùng hoặc chảy máu ồ ạt. Sau các biến chứng đó là xảy ra hiện tượng hoại tử hoặc bị tắc mạch khiến cho "cậu nhỏ" tím đen hoại tử hoặc xơ hóa, tạo biến dạng méo mó toàn bộ dương vật. Có những trường hợp hoại tử nghiêm trọng khiến cho việc điều trị để khỏi đã vô cùng phức tạp, chưa nói đến việc phục hồi nguyên dạng ban đầu"- bác sĩ Quân cảnh báo.