Anh T bị ho nên đến BV ĐHYD khám sức khỏe, kết quả các xét nghiệm tổng quát (bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu) bình thường và có sức khoẻ tương đối tốt.
“Lúc này, các bác sĩ lưu ý đến các cơ quan thường bị bỏ sót trong quá trình khám và xét nghiệm tổng quát là tinh hoàn. Khi hỏi về các triệu chứng ở tinh hoàn, anh T cho biết vài tháng có bị sưng tinh hoàn phải, sau đó tự hết", BS Vinh cho biết.
Quá trình khám tinh hoàn phải của bệnh nhân, BS Vinh phát hiện khối u cứng, ung thư tinh hoàn. Do không gây đau nên người bệnh đã không đi khám trong một thời gian tương đối dài khiến khối u có thời gian di căn lên phổi.
Về ung thư tinh hoàn, TS.BS. Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu BV ĐHYD cho biết, những thanh niên từ 15-35 tuổi có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn. Đây là nhóm đối tượng rất cần chú ý bất thường ở vùng tinh hoàn. Khi có dấu hiệu bất thường nên đi khám, đừng e ngại.
“Ung thư tinh hoàn lại là một trong những loại ung thư có thể chữa khỏi.
Hiện tại, trong năm 2017, ở Mỹ chỉ có 400 người chết vì căn bệnh này, một con số rất nhỏ so với các ung thư khác, và tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư tinh hoàn là 95% (nghĩa là nếu có 100 người bị ung thư tinh hoàn thì khi được điều trị sẽ có 95 người còn sống sau 5 năm)”, bác sĩ Đức cho biết thêm.
Tại phòng khám Y học gia đình BV ĐHYD thường xuyên tiếp nhận các trường hợp người bệnh bị ung thư tinh hoàn giai đoạn trễ đã di căn mà không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ được phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe tổng quát.
“Nếu các bạn trẻ thấy có gì bất thường dù không thấy các dấu hiệu gì bất thường điển hình cũng nên khi khám để bác sĩ theo dõi.
Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể và từ đó đi tìm nguyên nhân để điều trị, trong đó có cả nguyên nhân ung thư…”, BS Đức khuyến cáo.