1. Biểu hiện của chứng chân tay lạnh
Đây là tình trạng bình thường, do khí hậu quá lạnh hoặc giữ ấm không đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lạnh buốt chân tay có thể gây mất ngủ , stress ... nên không thể chủ quan. Biểu hiện của chứng bệnh này là: Da vùng bàn chân, tay nhợt nhạt, tím tái, có khi chuyển sang màu hơi trắng, ngứa, thô ráp, đen và dày hơn. Chân tay bị sưng phù hoặc xuất hiện mụn nước.
2. Nguyên nhân dẫn tới chứng chân tay lạnh
- Khả năng hoạt động của tim giảm, quá trình lưu thông máu không ổn định khiến máu đi đến chân tay không đủ. Nhiệt độ ngoài trời hạ thấp khiến cho các thành mạch co lại, khí huyết không được lưu thông thuận lợi có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch máu . Vì thế khả năng hoạt động của gan và thận cũng bị ảnh hưởng. Sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
- Bị thiếu máu cũng dễ mắc chứng chân tay lạnh vì lượng hồng cầu trong máu hạ thấp. Người bệnh hay bị gan bàn tay, bàn chân lạnh ngắt dù là trời nóng hay lạnh.
Bàn tay bàn chân bạn luôn cảm thấy lạnh buốt có thể là dấu hiệu của bệnh lý
- Thay đổi hocmon: Nữ giới dễ mắc chân tay lạnh hơn nam giới. Thêm nữa vào kỳ kinh nguyệt nữ giới sẽ bị mất một lượng máu khá lớn khiến nhiệt độ cơ thể cũng có thể bị giảm.
- Những người mắc các bệnh như tim mạch, viêm tĩnh mạch, tiểu đường , tổn thương thần kinh, suy giáp , tắc mạch máu thường bị chân tay lạnh. Ngoài ra, căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể làm chứng bệnh này thêm nặng.
- Thiếu vitamin B12: Cơ thể thiếu B12 có thể dẫn đến một số triệu chứng thần kinh trong đó bao gồm cả cảm giác buốt lạnh ở bàn tay, bàn chân. Các triệu chứng khi cơ thể thiếu vitamin B12: thiếu máu, mệt mỏi, da nhợt nhạt, hụt hơi, loét miệng…
- Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tình trạng bàn tay và bàn chân lạnh: Sốt, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus; stress kéo dài; khó tiêu mạn; người cao tuổi mất khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh...
3. Khắc phục chứng chân, tay lạnh
Bệnh thường không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không khắc phục kịp thời chứng chân tay lạnh lâu dần sẽ gây ra chứng mất ngủ, stress kéo dài và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe bệnh nhân. Chính vì thế trong điều kiện thời tiết lạnh giá như hiện nay, việc giữ ấm bàn chân và bàn tay là rất quan trọng.
Một số biện pháp giúp giữ ấm chân, tay:
Luôn mặc ấm, giữ kín cổ, đội mũ, đeo găng tay, đi tất khi thời tiết lạnh. Hạn chế mặc quần áo quá bó sát.
Uống nước ấm khi khát.
Ngâm tay và chân trong nước ấm (40 độ C) có thể cho thêm chút muối và vài lát gừng tươi trong khoảng 20 phút. Trong khi ngâm, có thể kết hợp với mát-xa bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu.
Tập thể dục hàng ngày để cải thiện tình trạng lưu thông máu và làm ấm cơ thể hiệu quả; Đối với những người ngồi văn phòng lâu, cần tăng cường hoạt động, tập một số động tác thể dục tại chỗ để tăng cường tuần hoàn máu.
Sử dụng túi sưởi để giữ ấm cơ thể khi ngủ; nên mang tất và găng tay cả trong khi ngủ.
Chà xát, mát xa tay và chân để làm tăng lưu thông máu, làm ấm nóng gan bàn chân tay.
Bổ sung cho cơ thể vitamin B1, B2, F và những thực phẩm có nhiều calo, chất béo, chất sắt để cung cấp thêm năng lượng làm ấm nóng cơ thể; Ăn những thực phẩm như sữa, trứng, thịt lợn, bơ, các loại hạt và ngũ cốc…
Ngủ đủ giấc, tránh stress: Nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đầy đủ sẽ giúp cơ thể giữ ấm tốt hơn.
Thể dục đều đặn giúp lưu thông máu cải thiện chứng chân tay lạnh.
Tóm lại: tình trạng bàn chân và bàn tay lạnh khi nhiệt độ xuống thấp là do cơ thể đã huy động máu làm ấm các cơ quan quan trọng như tim, não… khiến tay, chân ở xa không nhận được lượng máu cần thiết để làm ấm. Tuy nhiên nếu đã khắc phục mà tình trạng bàn chân và bàn tay lạnh không thuyên giảm hoặc lạnh cả khi thời tiết, nhiệt độ xung quanh bình thường kèm theo các triệu chứng: ngón chân, ngón tay thay đổi màu hoặc khó thở, thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác. Trong trường hợp này cần đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.